Kịch bản 1, CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022. Kịch bản 2, CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022.

Bộ Tài chính dự báo 2 kịch bản lạm phát 2023

Lam Thanh | 11/10/2023, 19:42

Kịch bản 1, CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022. Kịch bản 2, CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022.

Cập nhật 2 kịch bản lạm phát năm 2023

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 11.10, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 9 tháng năm 2023, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần. Thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định.

Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản lạm phát.

Theo đó, kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022. Kịch bản 2, CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022.

Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2-3,6%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,3-3,6%. Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,4% (dao động khoảng 0,3%).

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại đều tăng một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 3 tháng còn lại, CPI mỗi tháng so với tháng trước còn dư địa tăng khoảng 2,58% để CPI bình quân năm 2023 tăng 4,5% so với năm 2022…

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, các chỉ số hiện tại cho thấy tình hình tương đối "dễ chịu" để thực hiện các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, khi chỉ số chung CPI được kiềm chế ở mức thấp, các bộ ngành cần chủ động hơn để điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước định giá hoặc các dịch vụ công đang triển khai lộ trình cho phù hợp, hiệu quả.

cpi-2.png

Theo ông Phương, năm 2024 công tác quản lý, điều hành giá sẽ chịu sức ép lớn hơn do tác động của việc triển khai thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ do nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, giá điện... Do đó, các bộ ngành cần phải tính toán kỹ, đánh giá tác động để đề xuất mức điều chỉnh phù hợp.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng chỉ số CPI của Việt Nam đang ở mức khá tốt, không quá cao và cũng không quá thấp.

Dù vậy, các bộ, ngành cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng kịch bản điều hành giá (có thể theo quý hoặc theo lộ trình) đối với các mặt hàng, dịch vụ nhà nước quản lý ngay từ đầu năm theo tinh thần "chuẩn bị từ sớm, từ xa", đồng thời thường xuyên cập nhật kịch bản để sẵn sàng triển khai các giải pháp điều hành giá kịp thời, hiệu quả.

Mặt bằng giá ổn định

Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh mặt bằng giá cả hàng hóa trong nước vẫn giữ được ổn định. Đến thời điểm hiện tại có thể đạt được các mục tiêu Quốc hội giao về điều hành giá, quản lý lạm phát. Theo các kịch bản dự báo, năm nay CPI dự kiến tăng khoảng 3,8%.

Đối với chính sách tài khóa, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính rà soát, đánh giá cặn kẽ, kỹ lưỡng việc triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, nhất là đối với một số sắc thuế lớn ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước; quyết tâm phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu về dự toán, bảo đảm ngân sách nhà nước "thu phải đủ chi".

Đối với chính sách tiền tệ, Phó thủ tướng nêu rõ trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro, giữ được thế này là thành công rất lớn để giữ giá trị đồng tiền Việt Nam; tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; công tác huy động, cho vay, dự trữ ngoại hối…

Đối với công tác điều hành giá trong thời gian còn lại của năm 2023, Phó thủ tướng lưu ý đến giá xăng dầu và giá mặt hàng lương thực.

cpi-1.jpeg
Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu

Theo Phó thủ tướng, hiện có một số yếu tố như Nga và Ả Rập Saudi cắt giảm nguồn cung, dự trữ xăng dầu của một số nước lớn sụt giảm có thể làm giá xăng dầu thế giới đảo chiều, tăng giá vào những tháng cuối năm. Do đó, cần phải tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, đánh giá các tác động để chủ động có giải pháp kịp thời, phù hợp.

"Các cơ quan chức năng tiếp tục giữ ổn định, không để ảnh hưởng, theo dõi sát tình hình để điều hành, nhất là đối với những mặt hàng nền kinh tế đất nước chưa chủ động được (xăng dầu, hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu…) để có giải pháp phù hợp, giữ chỉ số lạm phát theo mục tiêu", Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá khi hàng hóa có biến động bất thường.

Về giá điện, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình phương án điều chỉnh giá trước ngày 25.10 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trình tự, thủ tục quy định.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung cho hệ thống phân phối của cả nước; sẵn sàng các biện pháp xử lý kịp thời về giá khi thị trường có biến động.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tài chính dự báo 2 kịch bản lạm phát 2023