Theo tính toán sơ bộ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí thủ tục cho người dân khoảng 1.600 tỉ đồng/năm; còn tổng mức đầu tư của dự án là 3.367 tỉ đồng.
Bộ Công an đã công bố dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến. Theo đó, Bộ Công an đưa ra 2 phương án.
Phương án thứ nhất là giữ nguyên các quy định của pháp luật hiện hành về hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú; thứ hai là thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.
Với phương án 1, sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tuy nhiên người dân vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính. Nhà nước vẫn phải duy trì bộ máy hành chính cồng kềnh gây tốn kém ngân sách.
Còn phương án bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, giảm chi phí khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú.
Phương án quản lý theo số định danh cá nhân sẽ giúp thực hiện đúng tinh thầnNghị quyết 112/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an; trong đó có nêu phương án đơn giản bãi bỏ một số thủ tục liên quan đăng ký thường trú, bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng quản lý thông qua mã số định danh cá nhân…
Bộ Công an đánh giáviệc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi triển khai rộng khắp từ trung ương tới tận xã, phường, thị trấn với nguồn vốn đầu tư rất lớn, trong khi điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, khó khăn; do đó, đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Theo Quyết định số 2083/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì tổng mức đầu tư của dự án là 3.367 tỉ đồng.
Bộ Công an cho biếthiện nay có hơn 2.700 thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân; trong 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộngànhcó khoảng 1.273 thủ tục hành chính yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân; khoảng 70 thủ tục hành chính yêu cầu xuất trình Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh, khoảng 18 thủ tục hành chính yêu cầu Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản sao Giấy chứng nhận kết hôn.
Như vậy, nếu quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân và khai thác thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình các loại giấy tờ như hiện nay sẽ cắt giảm được các thủ tục hành chính và giảm được những chi phí mà người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả.
Theo tính toán sơ bộ, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỉ đồng/năm.
Sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử, mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử).
Thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành được cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Bộ Công an cũng nhìn nhận, để thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân thì cần thiết phải hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện nay, Bộ Công an cho biết đã hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án. Hiện đã xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP.HCM; tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua công tác cấp căn cước công dân và phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh tại 18 địa phương.
Ngành công an cũng đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu.
Như vậy, theo Bộ Công an, việc triển khai đồng bộ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi.
Lam Thanh