Dù quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn đã được rút lại, nhưng một thủ tục hành chính mới là là “thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở chung cư” đã được thêm vào. Chuyên gia cho rằng quy định này mang tính chất “giấy phép con”.

Bỏ quy định sở hữu chung cư có thời hạn nhưng một loại “giấy phép con” lại được thêm vào

Hoài Lam | 11/04/2023, 18:34

Dù quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn đã được rút lại, nhưng một thủ tục hành chính mới là là “thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở chung cư” đã được thêm vào. Chuyên gia cho rằng quy định này mang tính chất “giấy phép con”.

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Chính phủ tiếp thu, giải trình ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Về quy định sở hữu nhà chung cư, Bộ Xây dựng nhận định đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, đồng thuận. Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về việc sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Các nội dung quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư cũng như xử lý sau khi nhà chung cư hết thời hạn và vấn đề phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại chung cư được đưa xuống chương 5 (cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư), để giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho hay, Bộ Xây dựng đã đề nghị tiếp thu, rút quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (bỏ các Điều 25, 26 quy định về xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư). Mặc dù vậy, tại bản dự thảo Luật Nhà ở mới nhất trình Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo lại đề xuất một thủ tục mới mang tính chất “giấy phép con” trong việc bán nhà ở chung cư.

chung-cu.jpg
Bộ Xây dựng đề nghị không quy định về việc sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Cụ thể tại Điều 39 dự thảo quy định về thực hiện dự án nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng đề xuất: Chỉ được bàn giao nhà ở cho người mua sau khi đã hoàn thành nghiệm thu toàn bộ công trình nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật của khu vực có nhà ở. Trường hợp bàn giao nhà chung cư là công trình cấp đặc biệt, cấp 1 thì chủ đầu tư phải có thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở ở trung ương; trường hợp bàn giao nhà chung cư còn lại thì phải có thông báo của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh.

Theo ông Đỉnh, quy định tại khoản 4 Điều 39 dự thảo sẽ làm phát sinh thêm một “giấy phép con” là “thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở chung cư” của cơ quan quản lý nhà ở, đây là một thủ tục hành chính hoàn toàn mới, không có trong Luật Nhà ở năm 2014.

Ông Đỉnh cho hay, với loại hình dự án nhà chung cư thì pháp luật về xây dựng (gồm Luật Xây dựng và các văn bản dưới luật) đã có những quy định hết sức chặt chẽ để quản lý. Cụ thể, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định nhà chung cư thuộc danh mục “công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng”. Nghị định số Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định với “công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng” thì bắt buộc phải có “văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu” của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành hoặc thuộc UBND cấp tỉnh theo pháp luật về xây dựng.

Ngoài ra, về thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu, Điều 24 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định với công trình cấp 1, công trình cấp đặc biệt sẽ do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra; các công trình còn lại do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh kiểm tra.

“Như vậy để hoàn thành thủ tục nghiệm thu và đủ điều kiện bàn giao căn hộ chung cư cho khách hàng, chủ đầu tư dự án chung cư phải có 2 loại “giấy phép” do cùng một cấp hành chính ban hành.

Cụ thể, nếu là nhà chung cư cấp đặc biệt, cấp 2 thì chủ đầu tư trước tiên phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình - Bộ Xây dựng, tiếp đến phải có thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở ở trung ương (là Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng).

Nếu là nhà chung cư cấp 2, cấp 3 thì chủ đầu tư trước tiên phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của Sở Xây dựng (cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh), tiếp đến phải có thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở cũng của... Sở Xây dựng (cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh). Như vậy 2 loại “giấy phép” đều do cùng một cơ quan ban hành nhưng theo 2 thủ tục hành chính khác nhau, quy định bởi 2 đạo luật khác nhau (một thủ tục theo Luật Xây dựng, một thủ tục theo Luật Nhà ở)”, ông Đỉnh nói.

dinh.jpg
Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh

Cũng theo ông Đỉnh, việc phân cấp công trình hiện nay thực hiện theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD (“Thông tư 06”) của Bộ Xây dựng. Trong đó, nhà chung cư được phân cấp theo Phụ lục 2 Thông tư 06: Công trình cấp đặc biệt có chiều cao trên 50 tầng; công trình cấp I có chiều cao từ 25-50 tầng.

“Nếu quy định như tại khoản 4 Điều 39 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ dẫn đến tất cả các tòa nhà chung cư cao từ 25 tầng trở lên (cấp 1 hoặc cấp đặc biệt) bắt buộc phải có thông báo đủ điều kiện bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở ở trung ương (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng), gây chậm trễ bàn giao căn hộ cho khách hàng. Trong khi loại hình nhà chung cư cao 25 tầng trở lên hiện nay ngày càng phổ biến trong cả nước”, ông Đỉnh nêu.

Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh cũng cho rằng việc đề xuất thêm một thủ tục hành chính hoàn toàn mới nên cần có báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Trong khi hồ sơ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa có đánh giá tác động ở chính sách này. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần có báo cáo, giải trình đầy đủ về lý do, căn cứ, sự cần thiết của việc đề ra chính sách mới này và tính khả thi trong triển khai thực hiện nếu chính sách được thông qua.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bỏ quy định sở hữu chung cư có thời hạn nhưng một loại “giấy phép con” lại được thêm vào