Ngày 9.4, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình thành phố (HTV) tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề "Quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật".

Hầm qua sông Sài Gòn được theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động 24/7

Tú Viên (Tổng hợp) | 10/04/2023, 07:57

Ngày 9.4, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình thành phố (HTV) tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" với chủ đề "Quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật".

Tại chương trình, cử tri nêu câu hỏi về những giải pháp mà chính quyền TP thực hiện để bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và định hướng việc quản lý trong tương lai. Cử tri cũng quan tâm đến công tác bảo trì hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) - một công trình đặc biệt của TP.

Trả lời các câu hỏi của cử tri, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được TP giao cho các đơn vị như: Sở GTVT, UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức, ban quản lý các khu đô thị (KĐT) và các chủ đầu tư các dự án (hầu hết là dự án BOT).

Hiện Sở GTVT quản lý trên 1.500km đường với kinh phí được TP đầu tư hằng năm khoảng hơn 1.600 tỉ đồng. UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức quản lý các tuyến đường nội quận nội huyện với kinh phí khoảng 800 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, chủ đầu tư các KĐT mới, chẳng hạn KĐT Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, KĐT Tây Bắc… cũng đang quản lý hệ thống đường nội khu.

09-04-2023-dam-bao-cong-khai-minh-bach-trong-quan-ly-va-khai-thac-hieu-qua-cac-he-thong-ha-tang-64003bd0-details.jpeg
Quang cảnh chương trình

Theo đó, Sở GTVT chủ yếu quản lý ở các tuyến đường có mật đô giao thông lớn, phức tạp, có tính liên thông giữa các quận huyện, các tuyến đường trục; quản lý toàn bộ hệ thống cầu, tín hiệu giao thông, các hầm…

Cụ thể, Sở GTVT tổ chức thực hiện công tác bảo trì theo 2 hình thức. Thứ nhất là hình thức duy tu bảo trì, sửa chữa thường xuyên theo kế hoạch của từng năm, theo đó tiến hành đặt hàng và từ năm 2018 thì đấu thầu. Thứ 2 là lập các báo cáo kinh tế kỹ thuật để sửa chữa tương tự như các dự án đầu tư xây dựng.

"Trong quá trình thực hiện, theo nhận định của chúng tôi thì việc bảo trì, sửa chữa từng bước được nâng lên, kinh phí để TP đầu tư cho việc này đã được quan tâm nhiều hơn, đem lại những kết quả nhất định", ông Hưng bày tỏ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, cũng có những lúc, những khu vực chưa được đảm bảo. Có tình trạng một số con đường, nhất là các dự án sau khi chủ đầu tư triển khai thực hiện rồi thì công tác bảo trì không được quan tâm và có những trường hợp chủ đầu tư không còn quản lý nữa, bị giải thể hoặc một số lý do khác. Đây cũng là nguyên nhân gây ra một số bức xúc cho người dân.

Ngoài ra, ông Hưng cho biết một số khu vực, tuyến đường cần thiết phải duy tu, bảo trì gặp khó khăn về kinh phí. Như vậy, khi đưa vào kế hoạch thực hiện cũng bị chậm lại.

Cũng theo ông Võ Khánh Hưng, TP đã hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thông minh đặt tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị từ năm 2019 và đây là trung tâm đầu tiên của cả nước, được xem là một trong những hình mẫu hiệu quả trong việc triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực về giao thông vận tải.

"Từ trung tâm, có thể theo dõi và điều hành giao thông thông qua 918 camera đặt ở toàn bộ thành phố, thu thập dữ liệu giao thông tự động tại 118 mặt cắt ngang trên các tuyến đường", ông Hưng cho biết.

Ngoài ra, hệ thống này cũng có thể cung cấp thông tin về tình hình giao thông cho người điều khiển xe, cũng như đăng tải các thông tin đó trên 73 bảng thông tin giao thông được lắp đặt trên toàn thành phố, giúp cho người trên đường có thể biết và chọn các phương án đi lại để tránh những khu vực tắc đường hoặc có tình trạng giao thông phức tạp.

Hệ thống còn hỗ trợ xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, như kiểm soát tốc độ xe tại 9 vị trí trên toàn TP, kiểm soát tải trọng tại 6 trạm kiểm soát trong TP; xây dựng mô hình mô phỏng dự báo về nhu cầu giao thông, từ đó xây dựng các chính sách và kế hoạch quản lý hữu hiệu hơn.

Sở hiện đã số hóa các cơ sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông trên bản đồ nền từ Sở TN-MT và số hóa hồ sơ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông; thí điểm các hình thức như thực hiện vé thông minh trên xe buýt, đưa vào sử dụng hệ thống kiểm soát tín hiệu ra vào bến bằng sóng RFID…

Về việc quản lý đường hầm sông Sài Gòn như câu hỏi của cử tri, ông Hưng cho biết đây là một công trình đặc biệt đưa vào khai thác năm 2011, là công trình vượt sông lớn nhất Đông Nam Á kết nối Q.1 và TP.Thủ Đức, quy mô 6 làn xe.

z4250075127710ade3f55f967df7ee66d9b979a960745d-16810237718751971685468.jpeg
Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Võ Khánh Hưng trả lời câu hỏi của người dân

Do tính chất đặc biệt quan trọng nên công tác quản lý đã được giao cho Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Hiện nay, toàn bộ việc quản lý, theo dõi hoạt động của hầm được thực hiện thường xuyên (24/7), luôn luôn có đội ngũ cán bộ công nhân viên trực xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh cũng như công tác tổ chức giao thông, công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn…

Ngoài ra, trung tâm cũng theo dõi 2 tuyến đường kết nối vào hầm là đường Mai Chí Thọ và đường Võ Văn Kiệt để điều phối lưu lượng phương tiện ở 2 tuyến đường, tránh việc dồn vào hầm, gây ách tắc giao thông.

Kết luận tại chương trình, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị UBND TP tiếp tục rà soát, củng cố hồ sơ quản lý đối với đường, cầu, hầm đường bộ, các công trình phụ trợ và các công trình hạ tầng kỹ thuật; đặc biệt là các công trình thủy lợi, ngăn triều; nhanh chóng số hóa dữ liệu hồ sơ để phục vụ tốt công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa hoặc khắc phục sự cố.

Đồng thời, cần theo dõi tình trạng công trình đường bộ, kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và đột xuất.

Cần có giải pháp hoàn thiện hệ thống cống thoát nước dọc cho các tuyến đường trên địa bàn những huyện ngoại thành, đặc biệt huyện Bình Chánh, có giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng ngập cục bộ trên các tuyến đường để đảm bảo an toàn cho nhân dân sinh sống hai bên tuyến và lưu thông trên tuyến đường bị ngập.

Ngoài ra, TP cần giao một đơn vị quản lý chung đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung các công trình được xây dựng để bố trí, lắp đặt đường dây, cáp và đường ống để thống nhất quản lý, xử lý nghiêm các đơn vị thi công đào đường, vỉa hè, tái lập không đạt yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Dũng cũng yêu cầu TP cần rà soát công tác bàn giao hạ tầng của các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP, nhất là việc kết nối giao thông giữa dự án với khu vực dân cư xung quanh, kiểm tra rà soát, chấn chỉnh khu vực bờ sông Sài Gòn. Đồng thời, cần có giải pháp đối với dự án công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn từ sông Vàm Thuật đến rạch Bà Bếp để giảm thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Bài liên quan
Tập đoàn Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
Tập đoàn Vingroup và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ngày 22.11 ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo thông qua hệ thống điện mặt trời áp mái.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
33 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hầm qua sông Sài Gòn được theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động 24/7