Hôm qua, ngày 27.6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tổ chức trả lời họp báo. Người phát ngôn là Đại tá Nhậm Quốc Cường đã đưa nhiều thông tin và quan điểm sai trái về Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu quan điểm sai trái về Biển Đông

28/06/2019, 07:18

Hôm qua, ngày 27.6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tổ chức trả lời họp báo. Người phát ngôn là Đại tá Nhậm Quốc Cường đã đưa nhiều thông tin và quan điểm sai trái về Biển Đông.

Đại tá Nhậm Quốc Cường đã đưa nhiều thông tin và quan điểm sai trái về Biển Đông.

Trong buổi họp báo, một câu hỏi đưa ra là: “Theo những hình ảnh được chụp bởi một vệ tinh của Israel hôm thứ 4, không quân của Hải quân PLA đã triển khai máy bay chiến đấu J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. CNN cho biết, đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu J-10 tới đảo Phú Lâm. Ông nhận xét gì về thông tin của CNN?”

Ông Nhậm giải thích sai trái rằng “đó là lãnh thổ của Trung Quốc và không có tranh chấp” dù trên thực tế là quốc tế không hề công nhận điều Trung Quốc nói (Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm). Với nhận thức sai lầm, ông Nhậm còn lên giọng thách thức: “Đó là quyền hợp pháp của các quốc gia có chủ quyền khi triển khai các căn cứ và tiến hành huấn luyện trên lãnh thổ của mình. Các hành động bên phía Trung Quốc là hợp pháp, hợp lý và công bằng và các bên liên quan không nên ngạc nhiên”.

Trước đó, các bức ảnh được chụp vào ngày 19.6 do ImageSat International cung cấp cho CNN cho thấy, Trung Quốc đã triển khai ít nhất 4 chiến đấu cơ J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh đang chiếm đóng phi pháp. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ J-10 tới các đảo nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.

Các nhà phân tích quân sự nhận định rằng việc các máy bay đậu ngoài trời, cùng các thiết bị đi kèm, cho thấy nhóm tiêm kích này đã có mặt tại đảo Phú Lâm ít nhất 10 ngày. J-10 là máy bay phản lực chiến đấu với tầm tác chiến khoảng 740 km, có thể vươn tới hầu khắp các khu vực của Biển Đông và những tuyến hàng hải trọng yếu của khu vực. Theo giới phân tích, cả 4 chiến đấu cơ đều không mang bình nhiên liệu bên ngoài, cho thấy chúng sẽ được tiếp nhiên liệu trên đảo.

Bên cạnh đó, ông Nhậm cũng không phản đối trước thông tin Trung Quốc triển khai mạng 5G cho binh lính đồn trú trên đảo và các rạn san hô trên Biển Đông. Khi được hỏi về việc “Gần đây, chi nhánh Hải Nam của Bệnh viện Đa khoa PLA đã triển khai dịch vụ siêu âm đường dài 5G đầu tiên trên thế giới, có thể chăm sóc 24/7 cho các sĩ quan và binh sĩ đồn trú trên đảo và các rạn san hô ở Biển Đông”, ông Nhậm khoe khoang: “Chi nhánh Hải Nam của Bệnh viện Đa khoa PLA mà bạn vừa đề cập đã bắt đầu sử dụng công nghệ 5G cùng với chẩn đoán siêu âm. Họ đã có một số chương trình thí điểm và đạt được kết quả ban đầu. Trong tương lai, chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn vào mạng thông minh và tận dụng công nghệ tốt hơn, tiên tiến hơn để phục vụ binh lính và người dân”.

Trên thực tế, Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp một số đảo và bãi san hô trên Biển Đông. Hành động này gây mất an ninh tại khu vực, đã bị quốc tế lên án nhưng Trung Quốc vẫn cố tình làm ngơ. Không những vậy, Trung Quốc còn tố Mỹ tạo sóng khiêu khích trên Biển Đông.

Điều này được thể hiện qua cách trả lời của ông Nhậm khi có phóng viên đặt câu hỏi: “Theo báo cáo từ truyền thông từ Mỹ, khi nhóm tàu sân bay Liêu Ninh tiến vào Biển Đông vào ngày 18.6, một máy bay tuần tra săn tàu ngầm P-8 của Mỹ đã cất cánh từ Singapore và đi theo nhóm tàu sân bay Liêu Ninh. Sau nhiệm vụ đó, chiếc P-8A cũng bay vòng quanh Đài Loan. Ông có thể nhận xét gì?”

Và ông Nhậm đã trả lời: “chúng tôi đã làm rõ về các động thái của máy bay quân sự Mỹ và duy trì cảnh giác cao trong suốt quá trình. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ các hành động khiêu khích của quân đội Mỹ tại eo biển Đài Loan và Biển Đông”.

Thời gian qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hòn đảo này.

Bà Hằng hồi tháng 3 đã khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động không có sự cho phép của Việt Nam ở hai quần đảo này đều là phi pháp".

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu quan điểm sai trái về Biển Đông