“Xin bảo đảm rằng, quá trình xem xét được Bộ thực hiện trong thời gian dài, xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm các thủ tục hợp pháp và không ảnh hưởng đến việc sử dụng đất lúa và đất rừng”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Lê Quang Mạnh nói.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa tổ chức đoàn liên ngành khảo sát thực địa một số sân golf tại một số tỉnh thành. Việc khảo sát nhằm tìm hiểu vị trí địa lý của dự án đề nghị bổ sung vào quy hoạch sân golf. Đồng thời yêu cầu các tỉnh báo cáo về sự phù hợp của dự án đối với các điều kiện, tiêu chí bổ sung các sân golf này vào quy hoạch.
Mới đây, Bộ KH-ĐT cũng gửi văn bản lấy ý kiến về đề xuất bổ sung các dự án sân golf theo đề xuất của các địa phương, một số bộ ngành vào quy hoạch sân golf Việt Nam.
Theo đó, một số địa phương đã đề xuất lên Chính phủ để đưa sân golf vào quy hoạch. Tỉnh Quảng Bình xin bổ sung sân golf Bảo Ninh Trường Thịnh vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Sân golf này có quy mô 36 lỗ, diện tích chiếm đất khoảng 175 ha. Tỉnh Bắc Giang cũng đề xuất đưa dự án sân golf Việt Yên tại xã Trung Sơn và xã Hương Mai (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vào quy hoạch....
Bộ KH-ĐT cũng đã đưa một số sân golf vào quy hoạch như sân golf Kênh Gà - Vân Trình (Ninh Bình); sân golf Bến En tại huyện Như Thanh (Thanh Hóa); sân golf quốc tế, khu dịch vụ hỗ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng (Thừa Thiên - Huế) và sân golf FLC (Quảng Bình)...
Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Lê Quang Mạnh cho biết, thời gian vừa quaBộ KH-ĐT nhận được đề xuất của rất nhiều địa phương có nhu cầu phát triển các sân golf để phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương. Việc này Chính phủ cũng đã có các quyết định về quy hoạch sân golf theo Quyết định 1946 hay Chỉ thị 11/2012.
Theo đó, để xem xét, phê chuẩn quy hoạch của sân golf phải bảo đảm rất nhiều điều kiện, các tiêu chuẩn, tiêu chí khác nhau. Trong đó, việc sử dụng đất lúa, đặc biệt là đất lúa 2 vụ cũng như đất rừng, được xem xét hết sức chặt chẽ.
“Xin bảo đảm rằng, quá trình xem xét được Bộ thực hiện trong thời gian dài, xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm các thủ tục hợp pháp và không ảnh hưởng đến việc sử dụng 2 loại đất này”, ông Mạnh nói.
Tuy nhiên, ông Mạnh cũng cho rằng việc phê chuẩn quy hoạch các sân golf thực chất cũng là tạo điều kiện để các địa phương có các điều kiện pháp lý thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo. Hiện nay có quy hoạch 89 sân nhưng chỉ có chưa đến mộtnửa số đó được triển khai và đi vào hoạt động vì có rất nhiều sân golf thực chất là trong quy hoạch nhưng không đủ điều kiện kinh doanh, không đủ điều kiện để phát huy lợi nhuận đầu tư. Do vậy cũng không được nhà đầu tư quan tâm thực hiện.
Về dài hạn, ông Mạnh cho biết sân golf là loại hình theo quy định của luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, bắt đầu từ năm 2019 sẽ được quản lý theo hình thức điều kiện kinh doanh chứ không phải theo hình thức quy hoạch nữa. Tức là Nhà nước sẽ ban hành một loạt điều kiện, tiêu chí cụ thể để các địa phương, các nhà đầu tư có thể xem xét, tiến hành đầu tư sân golf.
Trong năm 2019, Chính phủ cũng chấp thuận đề xuất của Bộ KH-ĐT sẽ xây dựng một nghị định đưa ra các tiêu chí, điều kiện cụ thể cho lĩnh vực sân golf để chúng ta có thể theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ các công cụ quản lý nhà nước, tránh việc lạm dụng, sử dụng nhiều đất quá, các vấn đề liên quan đến môi trường, ảnh hưởng đến lợi ích chung khác của xã hội.
Lam Thanh