Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có giải trình chi tiết đối với các ý kiến đóng góp xung quanh “Báo cáo nghiên cứu phân vùng giai đoạn 2021-2030”.
Chia cả nước thành 7 vùng
Bộ KH-ĐT đề xuất giữ nguyên các vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long; tách vùng Trung du miền núi phía Bắc thành hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc.
Tách vùng Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Trị. Nhập tỉnh Lâm Đồng (hiện của Tây Nguyên) với tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận (hiện của Duyên hải Nam Trung Bộ) cùng vào vùng Đông Nam Bộ hiện nay.
Nhập Thừa Thiên Huế nhập vào các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ hiện hữu, gồm các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) hợp thành vùng Nam Trung Bộ.
Theo Bộ KH-ĐT, phương án phân vùng như trên vừa có tính kế thừa, vừa mang tính đổi mới, đột phá, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, đặt tính liên kết vùng cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư, khắc phục được hạn chế vùng có khoảng cách quá dài; đồng thời tạo ra không gian phát triển mới hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và liên kết quốc tế.
Theo Bộ này, phân vùng quy hoạch là nội dung quan trọng để xác lập các nhiệm vụ quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng. Các quy hoạch hiện nay chỉ còn hiệu lực đến năm 2020 và phương án phân vùng hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế trước bối cảnh mới.
Các nguyên tắc “có điều kiện tương đồng về kinh tế” và “khả năng liên kết giữa các địa phương và giữa các địa phương với các trung tâm và sự phát triển hạ tầng kết nối các địa phương trong vùng” là nguyên tắc ưu tiên số 1 và số 2.
Bộ này cho hay, phương án phân vùng mới chú trọng đến không gian phát triển mới, phù hợp với quá trình chuyển đổi sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chú trọng việc tạo ra cơ sở để giải quyết những vấn đề có tính tổng thể, hệ thống trên không gian toàn vùng, tăng cường liên kết nội vùng bên cạnh việc tăng cường liên kết vùng và quốc tế.
Bộ này cũng cho biết đã đưa kinh nghiệm phân vùng của một số nước như Nhật, Đức, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc để đưa ra bài học cho Việt Nam.
Không đặt nặng yếu tố tự nhiên, văn hóa
Mốt số ý kiến đề nghị bổ sung tiêu chí về quốc phòng - an ninh, tiêu chí biển, năng lực cạnh tranh trong việc phân vùng. Bộ KH-ĐT nhận thấy đây là ý kiến hợp lý và đã tiếp thu, bổ sung. Bộ này đã đưa 7 cơ sở phân vùng, trong đó đã lồng ghép tiêu chí về quốc phòng - an ninh vào mà không đưa thành tiêu chí riêng.
Đồng thời, Bộ này cho biết đã tính đến sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, đặc biệt là khí hậu của các tỉnh vùng Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, phân vùng giai đoạn tới sẽ ưu tiên khai thác tối đa lợi thế vùng và liên kết vùng để phát huy hiệu quả các tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, yếu tố thị trường, không đặt ưu tiên về đồng nhất điều kiện tự nhiên, văn hóa.
Đối với ý kiến cho rằng nên đưa Thừa Thiên - Huế về Bắc Trung Bộ để khắc phục tình trạng vùng Nam Trung Bộ có quy mô quá lớn hay giữ nguyên Lâm Đồng thuộc tiểu vùng Tây Nguyên… Bộ KH-ĐT cho rằng phương án phân vùng do Bộ thiết kế dựa trên 7 tiêu chí khác nhau.
Phương án được chọn không đặt nặng tiêu chí có sự tương đồng điều kiện tự nhiên mà được căn cứ vào các tiêu chí phân vùng, sử dụng phương pháp chồng lớp bản đồ để lựa chọn phương án phân vùng tối ưu.
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng có mối quan hệ rất chặt chẽ với các địa phương trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ hơn là vùng Tây Nguyên. Việc đưa Lâm Đồng vào Nam Trung Bộ không làm ảnh hưởng đến yếu tố an ninh quốc phòng, trong khi đó sẽ tạo đà phát triển khi có những quan hệ phát triển kinh tế nội vùng đạt hiệu quả hơn.
“Thừa Thiên Huế cũng có mối quan hệ về liên kết vùng trong phát triển du lịch và kinh tế với Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ”, Bộ KH-ĐT giải thích.
Tuy nhiên, Bộ này cũng đánh giá, phương án phân vùng lãnh thổ mới khi được triển khai sẽ làm xáo trộn về thông tin (không nhiều), phát sinh nhu cầu tập hợp, xử lý lại thông tin theo vùng lãnh thổ. Theo Bộ này, việc thu thập, tổng hợp thông tin theo vùng với không gặp nhiều khó khăn và chi phí không cao.
4 phương án phân vùng
Bộ này kiến nghị Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về phương án phân vùng theo đề xuất của Bộ; cho ý kiến chỉ đạo về thẩm quyền quyết định phân vùng triển khai thực hiện Luật Quy hoạch giai đoạn 2021-2030.
Bộ KH-ĐT đề xuất, phương án 1 là Chính phủ ra Nghị quyết phân vùng phục vụ cho quản lý phát triển vùng trong giai đoạn mới đến năm 2030. Theo đó cả nước được phân thành 7 vùng như trên.
Ưu điểm của phương án này là có thể triển khai đồng bộ các hoạt động quy hoạch mà trong đó việc lập quy hoạch vùng và các chính sách vùng như đã nêu hướng tới tạo không gian phát triển mới với những giải pháp mới về phát triển vùng. Ngay sau khi nghị quyết được Chính phủ ban hành và Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch được ban hành, đây sẽ là căn cứ triển khai lập các quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030.
Hạn chế của phương án này là phương án phân vùng đề xuất có thể bị điều chỉnh bởi kết quả lập quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua.
Phương án 2 là Quốc hội phê duyệt việc phân vùng giai đoạn 2021-2030. Ưu điểm của phương án này là đảm bảo đúng các quy định của Luật Quy hoạch và đảm bảo thời gian nghiên cứu về công tác phân vùng. Tuy nhiên, hạn chế là chưa triển khai ngay được việc lập các quy hoạch vùng.
Phương án thứ 3 là xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc phân vùng của Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Phương án này sẽ logic nhưng hạn chế là chưa triển khai ngay được việc lập các quy hoạch vùng.
Phương án 4 là giữ nguyên phương án phân vùng hiện nay để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Hạn chế của phương án này là không giải quyết được những vấn đề bất hợp lý của phương án phân vùng hiện nay, không tạo ra không gian phát triển mới.
Đồng thời không có gì bảo đảm phương án phân vùng hiện nay là phù hợp với phân vùng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia. Phương án này cũng dẫn tới việc chậm triển khai lập quy hoạch tỉnh, trong khhi quy hoạch tỉnh là căn cứ để UBND các địa phương xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ các tỉnh nhiệm kỳ tới.
Lam Thanh