Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định như trên về trạm thu phí Cai Lậy và cho biết nếu tài xế tiếp tục trả tiền lẻ thì tỉnh Tiền Giang phải chỉ đạo xử lý

Bộ GTVT kết luận về trạm thu phí Cai Lậy: Không sai, không dời, không mua lại

bài cào | 18/08/2017, 10:22

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định như trên về trạm thu phí Cai Lậy và cho biết nếu tài xế tiếp tục trả tiền lẻ thì tỉnh Tiền Giang phải chỉ đạo xử lý

Gần 100 phóng viên đã dự cuộc họp báo do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức chiều 17-8 ở Hà Nội để giải đáp những vấn đề liên quan đến trạm thu phí BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Đây là dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ (QL) 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 + Km 2014 tỉnh Tiền Giang theo hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Vị trí trạm đã được nghiên cứu kỹ

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định như vậy tại buổi họp báo. Theo đó, vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy nằm trong phạm vi dự án và căn cứ vào phương án tài chính để hoàn vốn. Việc lập, phê duyệt dự án cũng như vị trí đặt trạm BOT đều đã lấy ý kiến của Bộ Tài chính và các cơ quan ở địa phương như: HĐND tỉnh, đoàn đại biểu Quốc hội… và các cơ quan này đều thống nhất.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, quỹ bảo trì đường bộ chỉ là "vá, láng" đường, sửa chữa đơn giản chứ không thể cải tạo, nâng cấp. Trạm thu phí Cai Lậy không phải trường hợp đầu tiên chỉ trải thảm mặt đường, chỉ nâng cấp mà thu phí, trước đây đã có cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

"Luật Đầu tư và Nghị định 108 cho phép huy động vốn BOT và ở đoạn QL1 này là nâng cấp, cải tạo mặt đường, làm các cầu và hệ thống thoát nước" - ông Đông nói.

Ngoài ra, ông Đông nhấn mạnh ngân sách nhà nước rất khó khăn để có thể mua lại trạm thu phí này hay một số trạm thu phí đang tồn tại bất cập khác. Về việc 2 cây cầu "biến mất" trong dự án, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định điều này hoàn toàn bình thường trong thi công xây dựng. Thiết kế ban đầu chưa phải là cuối cùng, trong quá trình thực hiện dự án sẽ rà soát và thay đổi.

"Theo thiết kế ban đầu, đây là 2 cầu bản dài 6m, là cầu nhỏ. Vì vậy, trong quá trình rà soát đã được thay đổi thiết kế kỹ thuật từ cầu thành cống. Việc thay đổi này không làm ảnh hưởng tới dự án. Cầu thay đổi thành cống có thể không giảm được nhiều chi phí nhưng nó phù hợp về mặt thiết kế kỹ thuật và bảo đảm thoát nước tốt" - ông Đông lý giải.

Không có lý do gì để phải dời trạm!

Theo Thứ trưởng Đông, dự án trạm BOT Cai Lậy được phê duyệt từ năm 2009. Do ngân sách nhà nước và địa phương khó khăn nên đến năm 2013, dự án mới quyết định đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Năm 2013, QL1 xuống cấp và ùn tắc nên Bộ GTVT lập dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy và cải tạo QL1. Hạng mục tăng cường mặt QL1 được nâng cấp "đúng nghĩa là thảm mặt đường, xây dựng cầu, cống chứ không chỉ vá lại đường".

"Vị trí đặt trạm nằm trên phạm vi dự án nên không có lý do gì phải thay đổi, còn kiến nghị của người dân địa phương thì sẽ dần được xử lý. Nếu di chuyển trạm thì phương án tài chính đổ bể. Dự án này không ai được tất cả mà phải hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân" - ông Đông nói.

Theo ông Đông, nếu người dân tiếp tục trả tiền lẻ, UBND tỉnh Tiền Giang phải chỉ đạo xử lý. Việc xử lý như thế nào tùy vào diễn biến xảy ra ở trạm BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, biện pháp lâu dài sẽ hướng các trạm BOT trên cả nước và trạm BOT Cai Lậy sử dụng thu phí điện tử giống như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Về việc thời gian thu phí có kéo dài sau khi giảm phí hay không, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án PPP của Bộ GTVT - khẳng định dự án BOT Cai Lậy hoạt động chưa ổn định nên chưa có phương án tài chính chính thức. Việc kéo dài thời gian thu phí phải được ngân hàng phê duyệt. Ước tính ban đầu có thể kéo dài 12-14 năm thay vì 6 năm như trước đây (!).

Theo nld.com.vn
Bài liên quan
Hà Nội thí điểm Chatbot AI - Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế
Cục Thuế TP.Hà Nội áp dụng thí điểm ứng dụng Chatbot AI - Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GTVT kết luận về trạm thu phí Cai Lậy: Không sai, không dời, không mua lại