Ngày 4.9, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các Sở GD-ĐT trên phạm vi cả nước về việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong trường tiểu học.
Sau sự việc một số phụ huynh phàn nàn về bộ sách giáo khoa của bậc tiểu học lên tới 800.000 đồng gây tranh cãi trên mạng xã hội, Bộ GD-DT đã có công văn yêu cầu chấn chình tình trạng này.
Theo đó, các đơn vị giáo dục không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo, phụ huynh và học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT thực hiện nghiêm túc các nội dung về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã được quy định tại Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 41/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục.
Riêng bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt gồm 8 môn học bắt buộc: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mĩ thuật và 1 môn học tự chọn là môn Ngoại ngữ (tiếng Anh).
Qua đó, các trường tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về sách giáo khoa sử dụng tại nhà trường để học sinh và gia đình các em biết thực hiện mua sắm. Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn nghiêm túc thực hiện.
Tường Anh