Ngày 21.1, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020.

Bộ GD-ĐT: Phát triển trường chuyên mạnh mẽ nhưng không được chạy theo thành tích

Dạ Thảo - Ảnh: Bộ GD-ĐT | 21/01/2022, 18:02

Ngày 21.1, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020.

Các trường chuyên vẫn giữ vai trò tiên phong bồi dưỡng học sinh giỏi

Trao đổi tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết từ năm 2010 đến 2020 các trường chuyên tại các tỉnh thành đã tăng lên thành 77 trường, đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có ít nhất 1 trường chuyên. Chất lượng giáo dục trong các trường chuyên có chuyển biến tích cực. Tỉ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trong cả nước tăng dần qua các năm, năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Đối với giáo dục mũi nhọn, trong các năm gần đây, số lượng và chất lượng giải quốc tế của học sinh Việt Nam đã có được sự chuyển biến rất tích cực. Năm 2020, 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi này đều đoạt giải; trong đó có 9 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng và 2 bằng khen. Sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở trường chuyên với việc đào tạo ở đại học tuy còn hạn chế nhưng đã có bước phát triển tích cực. Học sinh có năng khiếu nổi bật được vào học tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học chất lượng cao trong nước và các trường đại học có uy tín ở nước ngoài để tiếp tục đào tạo, phát triển năng khiếu.

Bộ GD-ĐT, các trường ĐH đã có quy định về xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng đối với những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và trong các cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế. Các trường đại học đã hỗ trợ tích cực cho học sinh các trường THPT chuyên trong việc nghiên cứu khoa học. Việc đầu tư cho trường chuyên đạt kết quả tốt, đối với nguồn vốn ngân sách địa phương cũng đã được đổi mới, nâng cao. Chất lượng giáo dục của các trường chuyên đã phần nào trở thành những điển hình về đổi mới giáo dục, có vai trò tiên phong cho các trường THPT khác học tập.

Tuy nhiên, đề cập tới những hạn chế, Bộ trưởng cho biết ở một số tỉnh thành phố vẫn đang coi nặng việc tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, chưa tăng cường nhiều cho học sinh thêm các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và các kỹ năng mềm khác. Các chương trình tiên tiến của nước ngoài để đưa vào nhà trường tham khảo còn khiêm tốn. Việc tổ chức dạy học thí điểm các môn khoa học bằng tiếng Anh còn hạn chế. Liên thông giữa trường chuyên và đại học chưa sâu rộng.

son-2.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng Bằng khen cho nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển - một trong 42 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án "Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020"

Phát triển trường chuyên nhưng không chạy theo thành tích

Trao đổi về những việc cần làm và cần làm mạnh mẽ hơn nữa để phát triển hệ thống trường chuyên cả về quy mô và chiều sâu trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc cần tiếp tục nhìn nhận phát triển trường chuyên trong đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung, là khâu quan trọng trong phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Tiếp tục củng cố, phát huy tính tiên phong, mũi nhọn của hệ thống trường chuyên, vai trò của trường chuyên không chỉ cho trường chuyên và cần lan tỏa trong hệ thống, đặc biệt là về phương pháp, cách thức tổ chức và khoa học giáo dục. “Một số trường chuyên hiện nay đạt đến đào tạo nhân tài với quan điểm, phương pháp phù hợp, nhưng một phần vẫn đang dừng ở mức là trường chất lượng cao và trường chọn - mà chưa phải trường chuyên. Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, các huân huy chương… mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển. Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường THPT chuyên” - Bộ trưởng chia sẻ.

Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng đồng thời nhắc tới áp lực tuyển sinh trường chuyên mà ở đó không ít bậc phụ huynh còn chưa suy nghĩ thấu đáo, còn chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp. Cần tính đến hệ thống tiêu chuẩn cơ sở vật chất riêng cho trường chuyên để mỗi trường có thể khác nhau, trong đó có thể xem xét có hệ thống chuẩn đa dạng, tôn trọng sự khác biệt trên một nền chung.

Xác định trường chuyên là môi trường áp dụng các phương pháp giáo dục đặc biệt, do đó, Bộ trưởng bày tỏ sự cổ vũ với phương pháp giáo dục cá thể hóa. Các trường cần phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và để nuôi dưỡng được nhân tài cần phương pháp phù hợp; trong đó cần phát huy được năng lực tự học của học sinh và khích lệ để tài năng tỏa ra. Trong sự phát triển trường chuyên, ngoài cơ sở vật chất, ngoài đầu tư cần lưu ý phương pháp phù hợp cho hệ thống này. “Bộ GD-ĐT đã giao nhiệm vụ cho đơn vị chuyên môn chuẩn bị quy chế về trường chuyên mới, dự kiến sẽ sớm ban hành để làm chỗ dựa cho các đơn vị, địa phương triển khai. Chúng ta đã có 10 năm đầu tư phát triển. Chặng đường mới sẽ tiếp tục đổi mới, đã đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư nhưng đúng và trúng. Từ các công việc khác nhau để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài - một việc rất hệ trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD-ĐT: Phát triển trường chuyên mạnh mẽ nhưng không được chạy theo thành tích