Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường mở cửa đón học sinh, sinh viên quay trở lại học trực tiếp, nhưng nhiều trường vẫn chưa đưa ra quyết định.

Trường ĐH mở cửa đón sinh viên trở lại học trực tiếp: Không lúc này thì lúc nào

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 20/01/2022, 11:13

Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường mở cửa đón học sinh, sinh viên quay trở lại học trực tiếp, nhưng nhiều trường vẫn chưa đưa ra quyết định.

Khi có thông tin các trường đại học có thể mở cửa đón học sinh đi học trực tiếp trở lại sau Tết nguyên đán Nhâm dần 2022, nhiều học sinh khá hào hứng với thông tin này nhưng vẫn còn những lo lắng. Hiện nay, tại Hà Nội có trường ĐH Ngoại thương đã thông báo kế hoạch học tập của sinh viên, học viên các hình thức/trình độ đào tạo sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Sinh viên sẽ đi học tập trung tại trường từ ngày 16.02.2022 (tức ngày 16 Tết âm lịch).

Thông báo của nhà trường ghi rõ, trong trường hợp điều kiện dịch tại địa phương của trụ sở chính và các cơ sở không cho phép triển khai học tập trực tiếp theo kế hoạch trên đây, trường sẽ có thông báo kịp thời tới người học. Về phương án phòng chống dịch, thực hiện theo kế hoạch và phương án của ban chỉ đạo phòng chống dịch của trường. Nhà trường có hướng dẫn chi tiết gửi đến các sinh viên, học viên về công tác phòng dịch trước khi đến trường và trong quá trình học tập tại trường.

Dù đã sẵn sàng các phương án đón học sinh trở lại trường học, tuy nhiên nhiều trường vẫn lựa chọn phương án cho học sinh học trực tuyến để đảm bảo an toàn. Các trường như Đại học Giao thông vận tải, Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế quốc dân... cũng chưa có thời gian cụ thể cho sinh viên đến trường học trực tiếp vì còn lo lắng trong công tác phòng, chống dịch. 

Theo PGS. TS Trần Thành Nam – Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết, khi sinh viên quay trở lại trường nghĩa là quay trở lại nhiều khó khăn. Hình thức học online cũng phù hợp với những sinh viên có xu hướng hướng nội vì muốn ở nhà thoải mái, gần gũi giúp các bạn tự tin hơn để bộc lộ và thực hiện ý tưởng. "Giáo viên và nhà trường cần tạo hứng khởi bằng những hoạt động mang tính kết nối, mà ở đây là mặt cảm xúc. Dành tuần đầu tiên hội nhập có những hoạt chia sẻ, kết nối, dạy kỹ năng sống, nâng cao sức khỏe tinh thần của sinh viên".

thi-tot-nghiep-3.jpg
Khi đi học các học sinh phải thực hiện đủ các biện pháp 5K phòng dịch

Trả lời báo chí trong ngày 19.1 khi được hỏi về việc nhiều nước đã áp dụng, mở cửa cho các trường học đi học trở lại ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT cho biết khi chưa tiêm vắc xin thì học online là một giải pháp hoàn toàn đúng để giảm lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên khi tỷ lệ phủ vắc xin của quốc gia đạt yêu cầu thì việc quay lại học trực tiếp là tất yếu để đảm bảo chất lượng giáo dục và kể cả sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. Để mở cửa trường học, theo ông Phạm Quang Hưng, các quốc gia đều có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc mở cửa trường học, trong đó dựa trên các khuyến nghị của WHO, UNICEF và UNESCO về mở cửa trường học. 

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Phạm Quang Hưng, nhận định: Việc mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước trên thế giới theo phương châm “Sống chung với COVID”. Ở Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể quay trở lại trường học đã và đang thực hiện khá tương đồng với thế giới. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ mở cửa trường học như khuyến cáo của UNICEF và UNESCO. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông nhằm chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích ứng, cho phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Trao đổi với phóng viên, bạn Đặng Khánh Nhung - sinh viên trường Học viện báo chí tuyên truyền Hà Nội cho biết thời gian qua khi phải học online lượng kiến thức tiếp thu không được nhiều, mặc dù đã cố gắng đọc thêm sách nhưng lượng kiến thức và hiểu về môn học đang theo học không được cao. "Khi học trực tiếp thì sinh viên chúng mình còn mượn giáo trình về đọc, tham khảo nhưng khi học online việc đó không thực hiện được, chưa kể có những môn không có giáo trình học mà chỉ có tự tìm hiểu nên việc tiếp thu kiến thức của em có phần bị hạn chế. Dịch bệnh cũng khiến bản thân em không thể đi tác nghiệp hoặc thực tập ở các tòa soạn không có nên hầu như kiến thức lúc này của em không nhận được nhiều."

Trước đó, để học sinh có thể trở lại trường học sớm nhất, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị các trường chuẩn bị cơ sở vật chất, gia tăng y tế dự phòng, y tế học đường, giáo viên, quy trình, kịch bản ứng phó tình huống… Ông cho rằng kinh nghiệm mở cửa trường học của Bắc Giang, TP.HCM cần được chia sẻ để các tỉnh, thành khác cũng có thể làm tốt.

Chia sẻ quan điểm của mình khi được hỏi về vấn đề đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế, dẫn nghiên cứu của CDC Mỹ cho thấy lây lan trong trường học vẫn an toàn hơn việc lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, ông cho rằng cần thiết phải mở cửa trở lại, không để học online quá lâu, đặc biệt là các sinh viên hiện nay đã tiêm được đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng dịch. "Chúng ta đã có 2 năm chống chọi với dịch bệnh và có đủ kinh nghiệm hạn chế lây truyền và bảo vệ bản thân, không còn quá hoang mang nữa. Nếu thời điểm này không cho học sinh, sinh viên đi học trở lại thì phải đợi đến lúc nào? Chúng ta có thể đợi thời điểm khá an toàn để thực hiện chứ không phải sự an toàn tuyệt đối rồi mới thực hiện sẽ gây ra rất nhiều hạn chế và hệ lụy" - ông Nga cho hay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng ủng hộ việc mở cửa trường học trở lại bởi tỷ lệ bao phủ vắc xin 2 mũi ở nước ta gần đạt 100%. Trẻ em 12-17 tuổi cũng được tiêm vắc xin, sắp tới chuẩn bị tiêm cho đối tượng trẻ em 5-11 tuổi. Ngoài ra, ông Sơn thông tin Bộ Y tế sẽ phối hợp Bộ GD-ĐT để ban hành các nội dung an toàn cho học sinh, sinh viên khi trở lại trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường ĐH mở cửa đón sinh viên trở lại học trực tiếp: Không lúc này thì lúc nào