Bộ GD-ĐT dự kiến cho thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ ngày 5.7, xác nhận nhập học trước ngày 30.8, sớm hơn từ 2 tuần đến 1 tháng so với năm ngoái.

Bộ GD-ĐT dự kiến rút ngắn thời gian xét tuyển đại học

Tú Viên | 03/03/2023, 13:31

Bộ GD-ĐT dự kiến cho thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ ngày 5.7, xác nhận nhập học trước ngày 30.8, sớm hơn từ 2 tuần đến 1 tháng so với năm ngoái.

Năm nay, Bộ GD-ĐT dự kiến giữ ổn định công tác tuyển sinh đại học như năm trước, tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh trực tuyến, trên hệ thống chung.

Vì lịch xét tuyển đại học dự kiến sớm hơn năm ngoái nên thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển nộp hồ sơ trước ngày 30.6, nhận kết quả trước ngày 5.7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của bộ trước 17 giờ ngày 15.8.

img-8024.jpg
Học sinh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM trong Lễ khai giảng - Ảnh: Tú Viên

Với những phương thức xét tuyển sớm, các trường hoàn thành và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống từ ngày 4.7.

Từ ngày 5 đến 25.7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Sau đó, thí sinh có 11 ngày để nộp lệ phí xét tuyển từ ngày 26.7, nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 14.8, và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17 giờ ngày 30.8.

Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe, giáo viên, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hôm 20.7. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn).

Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ còn 2 tuần, trong khi năm 2022 là 1 tháng. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn 1 tháng so với mốc ngày 17.9 và 30.9 của năm ngoái.

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lịch thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào tháng 7. Năm nay khi cuộc sống đã quay trở lại trạng thái bình thường thì kỳ thi cũng được tổ chức sớm hơn. Kéo theo đó, lịch tuyển sinh của các trường đại học cũng được đẩy lên sớm hơn để ngay trong đầu tháng 9 có thể cho sinh viên nhập học.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30.6.2023. Trong đó ngày 27.6 thí sinh làm thủ tục dự thi. Ngày 28 và 29.6 thi. Bộ cũng đưa vào kế hoạch ngày 30.6 để dự phòng.

Bộ GD-ĐT lưu ý cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023. Trong đó, cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.

Các cơ sở đào tạo có thể loại bỏ những phương thức không cần thiết; đồng thời định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mặt bằng chung tỷ lệ thí sinh nhập học vào các trường đại học năm 2022 của cả nước là 48,09%. Nghĩa là cứ 100 em tốt nghiệp THPT năm 2022 thì có 48 em xác nhận nhập học đại học. Cả nước có 24 địa phương nằm ở mức mặt bằng chung trở lên.

5 địa phương có tỷ lệ vào đại học cao nhất, lần lượt là Bình Dương (67,42%), Thừa Thiên-Huế (62,57%), Đà Nẵng (61,88%), Khánh Hòa (60,76%), TP.HCM (60,74%).

Trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu danh sách không có địa phương nào thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Trong top 10 địa phương dẫn đầu còn có Hải Phòng (58,25%), Phú Yên (57,10%), Hà Nội (56,81%), Bắc Ninh (56,12%), Hưng Yên (56,02%).

10 địa phương tỷ lệ vào đại học thấp nhất cả nước (dưới 30%) đều thuộc khu vực trung du và miền núi phía bắc, gồm: Quảng Bình (30,72%), Yên Bái (29,36%), Tuyên Quang (28,8%), Hòa Bình (28,54%), Điện Biên (27,46%), Cao Bằng (24,92%), Lạng Sơn (24,87%), Sơn La (23,66%), Hà Giang (21,53%) và Lai Châu (20,39%).

Bài liên quan
Bộ GD-ĐT dự kiến siết xét tuyển đại học bằng học bạ
Ngày 22.11, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó, có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD-ĐT dự kiến rút ngắn thời gian xét tuyển đại học