"Có thể 50 năm tới bức tranh năng lượng khác nhưng 20 năm tới nhiệt điện than vẫn đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước ta", Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận định

Bộ Công thương nói về vai trò nhiệt điện than trong bức tranh phát triển đất nước

tuyetnhung | 05/05/2017, 17:40

"Có thể 50 năm tới bức tranh năng lượng khác nhưng 20 năm tới nhiệt điện than vẫn đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước ta", Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận định

Tái cơ cấu kinh tế theo hướng tiết giảm nhiên liệu

Phát biểu tại "Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2017: Hiện tại và tương lai" ngày 4.5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết trong 20 năm tới, nếu quy đổi dầu thì nhu cầu năng lượng cao sẽ tăng 4,79%, riêng ngành điện sử dụng điện sẽ tăng 8-10%. Đây là thách thức lớn của ngành năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi yêu cầu và ràng buộc ngày càng chặt chẽ và minh bạch hơn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng

Vì vậy, để phát triển và đáp ứng nhu cầu thì phải tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh tiết giảm nhiên liệu, mức tiêu hao nhiên liệu, đẩy mạnh quản lý để sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả hơn.

"Hiện nay, chúng ta nói nhiều đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, internet vạn vật, nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với vấn đề việc làm, tài chính… nên cần chuyển hướng ngành nghề có giá trị gia tăng cao. Sử dụng ít năng lượng hơn nhưng vẫn phải sử dụng nhiều ngành nghề, sức lao động, thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm hơn", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay

Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành, tuy nhiên Thứ trưởng cho rằng cần triển khai nhiều hoạt động để làm sao trên mỗi đơn vị sản phẩm giảm tiêu hao nhiên liệu, vì kết quả đánh giá sau 5 ban hành luật cho thấy còn khiêm tốn.

"Chính sách quan trọng nhất là đưa giá năng lượng phản ánh đúng cơ chế, thị trường, tạo động lực đúng đắn thay đổi công nghệ và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nhiệt điện than: Quan ngại môi trường nhưng cần thiết

Theo Thứ trưởng Vượng, ngành điện hiện là ngành có nhu cầu tăng trưởng cao, từ 8-10% nên để đáp ứng được thì phải tiếp tục đầu tư vào nguồn năng lượng truyền thống. Công suất hiện nay là 19.000 MW, kế hoạch tối đa chỉ 28.000 MW.

Minh chứng thêm cho điều này, Thứ trưởng Vượng cho rằng, các dự án thủy điện nhỏ và vừa không phải dự án nào cũng thân thiện với môi trường, nhiều dự án đã tới hạn. Dự án nhiệt điện khí và dầu sạch hơn than nhưng giá thành cao. Theo tính toán, giá khí đã đàm phán thì đến 2020 sẽ tăng lên khoảng 9 - 10 cent, thậm chí còn cao hơn, trong khi nguồn khí của Việt Nam lại hạn chế, không đủ nhu cầu cho phát triển năng lượng. Do đó, từ năm 2021 đã phải nhập khẩu khí hóa lỏng từ cảng Thị Vải để bổ sung, với mức giá rất cao so với nguồn khác như thủy điện, nhiệt điện than.

"Nhiệt điện than mặc dù có quan ngại môi trường, nhưng đây là nguồn điện cần thiết phải có để đáp ứng nhu cầu phát triển. Vấn đề là ta không đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế nên phát triển nhiệt điện than thời gian tới có yêu cầu nghiêm ngặt hơn, với nhà máy sử dụng công nghệ siêu giới hạn, nâng cao hiệu suất và chủ đầu tư đáp ứng giải pháp đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, giải pháp sử dụng tro xỉ của nhà máy. Có thể 50 năm tới bức tranh năng lượng khác nhưng 20 năm tới nhiệt điện than vẫn đáp ứng nhu cầu năng lượng” Thứ trưởng Vượng cho hay

Qua cơ chế chính sách thời gian qua, Chính phủ đã ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, ban hành cơ chế phát triển điện gió, điện sinh khối và gần đây là điện mặt trời. Song, vấn đề thời gian tới không phải là có bao nhiêu Kwh điện mà giải tỏa ra saođể có nhiều nhà máy điện đưa vào vận hành. Thứ trưởng cho rằng, khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo đó là ràng buộc về kỹ thuật, bởi bản chất của năng lượng tái tạo là không ổn định, điện mặt trời và gió phụ thuộc điều kiện thiên nhiên, songgiá thành lại cao, chi phí đầu tư lớn.

Vì không ổn định, cần có các nguồn khác dự phòng nên đẩy chi phí hệ thống lên cao hơn. Việc đáp ứng được chi phí hệ thống ngày một cao tới năm 2030 không phải nền kinh tế nào cũng đầu tư được. Chính vì vậy, chính sách thời gian tới là nâng cao tỉ trọng năng lượng tái tạo nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để giá điện của nước ta có thể được khách hàng chấp nhận được.

Do vậy, để phát triển ngành năng lượng bền vững, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu cần phải có cách tiếp cận linh hoạt với cơ chế, điều chỉnh phù hợp tối ưu nhất, có các giải pháp năng lượng công nghệ với sự hợp lý về giá cả, để có cơ sở và điều kiện điều chỉnh chính sách phát triển, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công thương nói về vai trò nhiệt điện than trong bức tranh phát triển đất nước