Chợ truyền thống cung cấp đến 70% nguồn cung thực phẩm ở TP.HCM. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị TP.HCM nghiên cứu sớm mở thêm các chợ truyền thống.

Bộ Công Thương đề nghị TP.HCM mở cửa thêm chợ truyền thống

Hồ Đông | 21/07/2021, 16:08

Chợ truyền thống cung cấp đến 70% nguồn cung thực phẩm ở TP.HCM. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị TP.HCM nghiên cứu sớm mở thêm các chợ truyền thống.

Sáng 21.7 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng các đơn vị của Bộ Công Thương đã đi kiểm tra 3 chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM.

Một số mặt hàng giá cao hơn bình thường

Tại chợ An Đông, Ban Quản lý cho biết chợ mở cửa xuyên suốt từ khi dịch bùng phát đến nay. Chợ An Đông có khoảng 160 - 180 sạp kinh doanh, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 15 - 20 sạp mở hàng kinh doanh với các mặt hàng rau xanh, củ, quả, thịt bò, thịt gà…

Nguyên nhân khiến một số sạp hàng không thể mở cửa là do tiểu thương ở tỉnh lân cận vướng thực hiện chỉ thị 16 không thể đến chợ. Ngoài ra, nhiều tiểu thương ở trong các khu phong tỏa, cách ly và một số tiểu thương lấy hàng chợ đầu mối Bình Điền, nhưng chợ này chưa mở nên không thể kinh doanh.

Kiểm tra tại chợ An Đông, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng Ban Quản lý chợ cần bổ sung thêm nhiều quạt thông gió để đảm bảo an toàn không gian phòng chống dịch. Thứ trưởng cũng trực tiếp hỏi thăm tình hình buôn bán, nguồn hàng nhập cũng như giá cả hàng hóa của nhiều tiểu thương trong thời gian dịch diễn biến phức tạp.

kiem-tra-cho-truyen-thong-tphcm.jpeg
Thứ trưởng Bộ Công Thương kiểm tra thực tế tại một số chợ truyền thống ở TP.HCM

Tiếp theo, đoàn công tác đến kiểm tra tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10). Đây là khu chợ có mặt bằng rộng nên đảm bảo giãn cách, đủ điều kiện hoạt động.

Sau đó, đoàn công tác tiếp tục kiểm tra chợ Bình Thới (quận 11). Các tiểu thương trong chợ cũng thực hiện tốt công tác phòng chống dịch từ việc lập màn chắn, đeo khẩu trang và thường xuyên nhắc nhở khách hàng thực hiện việc giãn cách. Ông Đỗ Thắng Hải lưu ý tiểu thương bán mặt hàng trứng gia cầm bởi đây là sản phẩm dễ chế biến, được người dân chuộng mua trong thời điểm này.

Kết thúc buổi kiểm tra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói rằng sau khi kiểm tra một số chợ truyền thống, siêu thị đang hoạt động tại TP.HCM nhìn chung các hàng hóa thiết yếu đủ cung ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, một số mặt hàng có giá cao hơn một chút so với bình thường, một số mặt hàng chưa đủ đảm bảo cung ứng.

“Thời gian qua, tại thị trường TP.HCM có hiện tượng một số mặt hàng giá cao hơn bình thường và một số mặt hàng chưa đủ cung ứng cho nhu cầu cho người dân. Bộ Công Thương đang và sẽ tiếp tục làm việc các bộ ngành liên quan cũng như các sở ngành của thành phố để tăng nguồn cung, đảm bảo giá cả hợp lý.

Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 dẫn tới có những nơi thiếu hàng hóa cục bộ và giá cả có thể tăng hơn so với điều kiện bình thường, Bộ Công Thương mong người kinh doanh, các hộ tiểu thương và người dân chia sẻ với khó khăn chung này.

Tuy nhiên, với chức trách, nhiệm vụ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý nghiêm tất cả những hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ Công Thương và các bộ ngành, địa phương sẽ có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân”, ông Hải nói.

thu-truong-bo-cong-thuong-kiem-tra-tphcm.jpeg
Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị TP.HCM nghiên cứu, mở thêm chợ truyền thống

TP.HCM cần mở thêm chợ truyền thống

Đối với các ban quản lý chợ, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị trong bối cảnh đang có dịch nên việc mở cửa các chợ truyền thống phải đảm bảo quy định của Bộ Y tế và chính quyền địa phương các cấp. Ví dụ như hiện nay một số chợ bố trí luân phiên cho tiểu thương kinh doanh bán hàng, giãn cách các quầy sạp hoặc bố trí cho tiểu thương bán xen kẽ.

Đặc biệt, ông Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền các cấp, Sở Công Thương và các ban quản lý chợ trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, đặc điểm của thành phố là các chợ truyền thống và chợ đầu mối trong điều kiện bình thường đáp ứng tới 70% nhu cầu cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu không những cho người dân, mà còn đáp ứng cho nhu cầu của một số địa phương khác.

Khi các chợ truyền thống và chợ đầu mối không hoạt động sẽ tạo áp lực cung ứng lên kênh siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị lãnh đạo UBND thành phố cũng như các sở ban ngành tiếp tục nghiên cứu và có biện pháp để tạo điều kiện cho các chợ truyền thống mở cửa trở lại, nhằm giảm áp lực phân phối hàng hóa cho các kênh siêu thị và tạo điều kiện cho người dân khi mua hàng.

Bài liên quan
TP.HCM: Mở lại chợ truyền thống nhưng phải đảm bảo 5 điều kiện
Sở Công Thương cho biết TP.HCM đã có chủ trương mở cửa các chợ truyền thống. Các chợ đã ngưng hoạt động chỉ mở lại khi đáp ứng đủ 5 điều kiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Công Thương đề nghị TP.HCM mở cửa thêm chợ truyền thống