Trong năm 2015, Bộ Công thương đã tinh giản 199 công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ.
Không thống nhất trong giải quyết thủ tục hành chính
Tại Hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính năm 2016 của Bộ Công Thương, ông Phạm Đình Thưởng – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế cho biết, hiện nay nhiều thủ tục hành chính được các cơ quan giải quyết theo các cách khác nhau, không thống nhất. Lý do bởi các bộ, sở hiểu và giải thích khác nhau về thành phần hồ sơ.
Theo ông Thưởng, trước đây, Bộ Công thương quy định cứng các thành phần hồ sơ, việc này gặp khó khăn khi có những điều có trong quy định nhưng trên thực tế không có.
“Ví dụ như chúng ta quy định về người đại diện theo pháp luật trên giấy đăng kí doanh nghiệp, tuy nhiên, quy định của nhiều nước lại không ghi người đại diện pháp luật trên giấy tờ này nên chúng ta phải tìm giấy tờ tương đương. Nhưng thế nào là tương đương thì mỗi cơ quan lại giải thích và yêu cầu khác nhau, gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp”, ông Thưởng dẫn chứng.
Vị đại diện Vụ pháp chế của Bộ Công thương cũng cho rằng, trong năm 2016 cần phải khắc phục tình trạng này bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng của cải cách thủ tục hành chính.
Báo cáo tại hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại, vướng mắc của Bộ Công thương trong thời gian qua. Đó là việc triển khai các kế hoạch chưa hoàn thành và có chất lượng chưa cao; nhận thức của một bộ phận công chức về công tác cải cách hành chính chưa cao, nhiều nơi còn nặng tính hình thức, đối phó mà chưa chú trọng đến chất lượng, hiệu quả công việc.
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan hoạt động chưa hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân, thái độ phục vụ của một bộ phận công chức chưa thực sự tốt; công tác tuyên truyền, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa đảm bảo tiến độ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện đầy đủ; việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị còn chậm; hệ thống công nghệ thông tin lạc hậu…
Đi đầu trong việc tinh giản biên chế
Một trong những thành tựu nổi bật của công tác cải cách của Bộ Công thương năm qua là việc tinh giản biên chế. Theo ông Đào Văn Hải – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công thương đi đầu trong công tác tinh giản bộ máy.
Cụ thể, trong năm 2015, Bộ Công thương đã thực hiện tinh giản 199 công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ.
Cũng theo ông Hải, trong năm 2015, Bộ Công thương đã bãi bỏ 30 thủ tục hành chính và đớn giản hóa 54 thủ tục theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết, bãi bỏ một số thành phần hồ sơ để thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã cung cấp 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 14 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.
Cũng tại hội nghị, ông Phạm Đình Thưởng cho hay, trong thời gian trước, có nhiều ý kiến phàn nàn về thủ tục hành chính của Bộ Công thương. Tuy nhiên, trong năm 2015, các ý kiến phàn nàn đã giảm đáng kể và nhận được ý kiến phản hồi tích cực của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhận định rằng, đối với công tác cải cách hành chính, năm 2015 Bộ Công thương có nhiều kết quả đáng khích lệ, khắc phục được rất nhiều hạn chế của năm 2014, đơn giản hóa được gần như 100% các thủ tục theo kế hoạch đã đề ra, hoàn thành 100% các văn bản quy phạm pháp luật...
Bên cạnh đó, bà Thoa cũng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin chủ trì xây dựng và triển khai kế hoạch hiện đại hóa nền hành chính của Bộ Công thương giai đoạn 2016-2020, triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính…
Đồng thời, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phải trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính của đơn vị mình. Người đứng đầu phải nghiêm túc triển khai và chịu trách nhiệm về lĩnh vực được giao; thực hiện nghiêm chỉnh quy chế công sở, không được có thái độ hách dịch, cửa quyền, yêu sách, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp…
“Cần rà soát và bãi bỏ các thủ tục không cần thiết , nâng cao tính minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp, người dân đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, Thứ trưởng Kim Thoa nhấn mạnh.
Hoàng Long