Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho hay, tới năm 2021, cơ sở dữ liệu quốc gia và việc cấp căn cước công dân sẽ được hoàn thành. Dữ liệu quốc gia sẽ là cơ sở gốc và được các bộ, ngành sử dụng chung qua mã số định danh cá nhân.
>>Cần cắt phăng sổ hộ khẩu
>>Loanh quanh cái sổ hộ khẩu
>>Bộ Công an sẽ họp báo thông tin rõ về việc bỏ sổ hộ khẩu
>>Chuyển sổ hộ khẩu sang 'hộ khẩu điện tử': Giảm bớt giấy tờ, nhưng quản lý sẽ chặt hơn
>>Chính phủ đồng ý bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký bằng sổ hộ khẩu
Sáng nay, ngày 7.11, Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông tin về việc bỏ các thủ tục về hộ khẩu và chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP.
Những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm tới việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP. Tuy nhiên, còn nhiều câu hỏi được đặt ra về việc quản lý hành chính liên quan tới nhân hộ khẩu.
Trả lời báo chí, trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho hay, hoàn toàn không có việc bỏ hộ khẩu và bỏ chứng minh nhân dân mà chỉ là thay đổi phương thức quản lý dân cư.
Cụ thể, tướng Vệ cho biết, đây là việc chuyển đổi phương thức quản lý nhân hộ khẩu. Hiện nay công tác quản lý dân cư ở Việt Nam do nhiều bộ ngành thực hiện. Để đảm bảo quản lý Nhà nước và quyền công dân, các cơ quan nhà nước để cấp một loại giấy tờ nên một người có nhiều loại giấy tờ khác nhau. Chứng minh nhân dân cũ sẽ được chuyển sang căn cước công dân, chính số căn cước công dân ấy sẽ là số định danh cá nhân. Mọi thông tin cá nhân sẽ được cập nhật trong định danh cá nhân đó.
Tóm lại, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tập trung 15 trường thông tinmà các chuyên ngành nào cũng dùng đến như y tế, bảo hiểm xã hội... sau này cấp cho mỗi người một số định danh để giao dịch với bất cứ cơ quan nào và không phải mang học bạ, bằng, và các giấy tờ khác.
Trung tướng Trần Văn Vệ nói: “Các nước thế giới không nước nào bỏ sổ hộ khẩu cả, chẳng qua là quản lý bằng công nghệ thông tin. Ở đây là thay đổi quản lý. Người dân sau này chỉ khai một lần đầu, từ đó về sau cơ quan quản lý nhà nước cập nhập thông tin, còn các trường thông tin như thế nào. Không có chuyện bỏ sổ hộ khẩu. Về sau sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy, còn Bộ Công an vẫn quản lý. Khi thu thập xong Cơ sở dữ liệu dân cư, đưa vào ứng dụng rồi thì mới bỏ sổ hộ khẩu giấy. Khi đó sẽ dùng số định danh cá nhân để thực hiện các giao dịch”.
Tướng vệ cho hay, hiện nay, việc cấp chứng minh nhân dân bằng giấy làm thủ công, lăn tay, đánh máy, quá trình làm cũng mất 2-3 tháng. CMND bằng giấy cũng rất dễ bị làm giả. Chính vì thế năm 2013, chính phủ xem xét cấp căn cước công dân bằng công nghệ hiện đại. Việc cấp căn cước hiện nay đang được tiến hành ở 17 tỉnh và thành phố.
Có cả những người làm 2-3 CMND khi thay đổi hộ khẩu. Năm 2014, Luật căn cước công dân ra đời nên tên chứng minh nhân dân đổi sang căn cước công dân. Nên hiện nay có chứng minh nhân dân 9 số, 12 số, căn cước công dân. Từ năm 2020, sẽ chỉ sử dụng căn cước công dân với các thông tin đã được công an tích hợp. Các chứng minh nhân dân 9 số, 12 số hay căn cước công dân vẫn có hiệu lực như nhau theo quy định về thời gian ghi trên đó.
Nói về thông tin bỏ chứng minh nhân dân, trung tướng Vệ thông tin: "Nếu ra đường không mang theo chứng minh nhân dân, nếu không may bị tai nạn, hay có giao dịch, hay có sự việc phát sinh thì ai biết anh là ai?".
Thông qua việc thu thập thông tin của công dân sẽ tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, phục vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội. Để cơ quan nhà nước nghiên cứu đơn giản hoá thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian, chi phí, thời gian đi lại của công dân.
Theo tướng Vệ, ngày 14.11 tới, Bộ Công an sẽ triển khai trên toàn quốc và tập huấn cho công an cấp tỉnh, huyện, xã phường thị trấn và phát bảng kê để xuống từng hộ đối chiếu với dữ liệu của mình, công an phường xã xác thực và công an thị trấn ký vào. Sau đó nhập dữ liệu vào hệ thống, phấn đấu trong vòng 2-3 năm sẽ hoàn thành.
Cơ sở dữ liệu dân cư tập hợp 15 thông tin cơ bản của mỗi con người, gồm: 1. Họ, chữ đệm và tên khai sinh; 2. Ngày, tháng, năm sinh; 3. Giới tính; 4. Nơi đăng ký khai sinh; 5. Quê quán; 6. Dân tộc; 7. Tôn giáo; 8. Quốc tịch; 9. Tình trạng hôn nhân; 10. Nơi thường trú; 11. Nơi ở hiện tại; 12. Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; 13. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; 14. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; 15. Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích. |