Khi cuộc tập trận của Trung Quốc quanh Đài Loan kết thúc, một nguy cơ lâu dài mới với thương mại toàn cầu lại xuất hiện.

‘Bình thường mới’ tại eo biển Đài Loan đe dọa thương mại toàn cầu

Cẩm Bình | 14/08/2022, 09:10

Khi cuộc tập trận của Trung Quốc quanh Đài Loan kết thúc, một nguy cơ lâu dài mới với thương mại toàn cầu lại xuất hiện.

Tình trạng hoạt động vận chuyển bị gián đoạn do hoạt động quân sự thường xuyên của Trung Quốc quanh đảo tự trị có thể trở thành trạng thái mà giới chuyên gia gọi là “bình thường mới” cho tuyến thương mại quan trọng này.

Ngày 10.8, Chiến khu miền Đông thuộc quân đội Trung Quốc tuyên bố hoàn thành xuất sắc tập trận nhưng vẫn sẽ tiến hành tuần tra thường xuyên. Bắc Kinh còn ra Sách trắng về vấn đề Đài Loan mang nội dung đe dọa lực lượng đòi độc lập, nói rõ vai trò của Mỹ trong nỗ lực ngăn Trung Quốc thống nhất.

Theo nhà nghiên cứu Andy Mok thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và toàn cầu hóa (CCG): “Chúng ta đã chuyển sang giai đoạn mới về chất, giải pháp cho vấn đề Đài Loan đang được tích cực thực hiện”.

bitrade01.jpg
Cuộc tập trận quanh Đài Loan mới đây làm dấy lên lo ngại lớn - Ảnh: CCTV

Nguy cơ leo thang căng thẳng đặt ra thách thức nghiêm trọng với thương mại toàn cầu. Cuộc tập trận mà Trung Quốc vừa thực hiện cho thấy họ đủ sức gây ra gián đoạn lớn cho dòng chảy thương mại nếu muốn.

Trong năm qua, khoảng 50% số tàu container trên thế giới và gần 90% số tàu có trọng tải lớn nhất di chuyển qua eo biển Đài Loan tạo điều kiện cho thông thương giữa Đông Á với toàn cầu. Tàu thuyền đã khôi phục hoạt động sau khi tập trận kết thúc, nhưng nếu Trung Quốc thường xuyên tổ chức hoạt động kiểu này thì ngành vận tải phải xây dựng phương án dự phòng.

Theo nhà phân tích Peter Sand thuộc nền tảng thông tin vận tải biển Xeneta, tìm kiếm tuyến thương mại thay thế eo biển Đài Loan sẽ tốn chi phí đáng kể.

“Các nhà xuất khẩu có thể tìm phương án tốt thứ 2 nếu hoạt động thương mại tự do trong và ngoài Đài Loan trở nên khó khăn. Đơn vị vận tải sẽ sắp xếp lại dịch vụ: một số không đến Đài Loan nữa, số khác vẫn duy trì nhưng giảm tần suất. Nếu eo biển Đài Loan trở thành khu vực không thể tự do di chuyển, mọi tuyến vận tải sẽ bị kéo dài, thời gian vận tải tăng và hàng hóa mất nhiều thời gian hơn mới đến tay người tiêu dùng. Giá cước vận tải trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng nhiều trước khi các tuyến vận tải thiết lập “bình thường mới”, nhà phân tích Sand cho hay.

Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á Deborah Elms lại nhận định rằng trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức hiện tại, doanh nghiệp khó chịu thay đổi chỉ vì một vấn đề ngắn hạn. Thay vào đó họ sẽ chờ xem tình hình sắp tới diễn biến ra sao.

bitrade00.jpg
Thay đổi lộ trình vận chuyển không phải chuyện dễ dàng - Ảnh: AP

Nếu hoạt động quân sự gây ra gián đoạn hoàn toàn, sẽ có quốc gia can thiệp. Theo cựu quan chức quốc phòng Mỹ Elbridge Colby: “Khi Trung Quốc tiến hành phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn (eo biển Đài Loan) thì Mỹ nên làm việc cùng đồng minh ở trong lẫn ngoài châu Á để đảm bảo Đài Loan được cung cấp đầy đủ hàng hóa quan trọng”.

Tuy nhiên ông cảnh báo hiện tại chưa phải lúc hành động: “Giờ là thời điểm đối thoại nhẹ nhàng nhưng cầm “cây gậy” lớn, chứ không phải “vỗ cánh thị uy”.

Vào tháng 4, công ty vận tải biển lớn nhất thế giới V.Group từng đề nghị NATO cử lực lượng hộ tống tàu thương mại di chuyển trên Biển Đen đang bị Nga phong tỏa nhằm bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu của Ukraine. Giới phân tích cho rằng biện pháp như vậy chỉ là phương án cuối cùng vì các công ty vận tải không muốn đưa tàu đi vào khu vực nguy hiểm như nơi phong tỏa.

“Nếu hải quân Mỹ thiết lập một hành lang ở eo biển Đài Loan, vẫn sẽ có đơn vị dùng tới. Tuy vậy tôi nghĩ đơn vị cẩn trọng hơn sẽ tránh dùng nó”, theo nhà phân tích Sand.

Trung Quốc cũng phải dựa vào các tuyến thương mại qua eo biển Đài Loan. Ấn phẩm ngành vận tải Lloyd’s List cảnh báo Công ty Vận tải biển Trung Quốc (COSCO) chắc chắn chịu thiệt hại nặng khi dòng chảy thương mại gián đoạn liên tục. Số hải cảng lớn ở Thượng Hải, Thẩm Quyến, Ninh Ba, Quảng Châu đều nằm dọc bờ biển Trung Quốc đối diện eo biển Đài Loan.

Nhà phân tích Sand nhận định: “Trung Quốc sẽ hành động một cách thận trọng. Tôi không mong đợi tình hình leo thang đến mức vượt ngoài tầm kiểm soát”.

Vẫn có lo ngại Trung Quốc ngày càng ưu tiên mục tiêu chính trị hơn mục tiêu kinh tế. Minh chứng rõ ràng nhất là nước này hy sinh tăng trưởng, duy trì chính sách chống dịch “Zero COVID”.

Nhà nghiên cứu Mok cho biết: “Chính quyền Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình sẵn sàng từ bỏ lợi ích kinh tế ngắn hạn thậm chí trung hạn để đảm bảo mục tiêu chính trị. Thống nhất Đài Loan bằng vũ lực không nhất thiết tiến hành tấn công đổ bộ quy mô toàn diện. Tôi nghĩ bước đầu tiên có thể là phong tỏa đảo tự trị trên không lẫn trên biển”.

Ông cảnh báo Bắc Kinh có thể không công khai tuyên bố phong tỏa Đài Loan vì làm vậy tạo cớ cho Mỹ can thiệp, thay vào đó họ sẽ nâng dần mức độ các hành động khẳng định yêu sách lãnh thổ mà không gây ra xung đột vũ trang.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Bình thường mới’ tại eo biển Đài Loan đe dọa thương mại toàn cầu