Hoa Sở thuộc giống chè, cánh hoa trắng muốt, nõn nà, điểm xuyết nhụy vàng như tượng trưng cho sự mộc mạc, dân dã và mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Bình Liêu, ngập tràn sắc trắng mùa hoa Sở

Nam Phong | 11/12/2016, 09:54

Hoa Sở thuộc giống chè, cánh hoa trắng muốt, nõn nà, điểm xuyết nhụy vàng như tượng trưng cho sự mộc mạc, dân dã và mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Bình Liêu hội tụ nhiều nét đẹp văn hoá, danh thắng, di tích, lịch sử. Ai đã từng một lần đến mảnh đất này chắc không thể nào quên được cảm giác thích thú khi chiêm ngưỡng thác Khe Vằn, bãi đá thần, đỉnh núi Cao Ba Lanh; trải nghiệm bản sắc văn hoá truyền thống ở những bản người Dao lâu đời hay khám phá những cung đường đồi núi nhấp nhô, uốn lượn được ví như “sống lưng khủng long” tại cột mốc biên giới 1305 nổi tiếng. Thế nhưng, đến Bình Liêu mỗi độ đông về, cảm giác thích thú ấy dường như đều dừng lại ở sắc trắng tinh khôi ngập tràn điểm xuyết giữa những cánh rừng xanh. Sắc trắng ngập tràn ấy báo hiệu một mùa hoa Sở nữa lại về…

Các cô gái dân tộc Tày tập luyện tập các tiết mục văn nghệ biểu diễn tại Hội hoa Sở

Đầu đông, khi những làn sương mỏng tràn về, giăng trên khắp các nẻo vùng cao cũng là lúc những cành hoa Sở đua nhau khoe sắc, bừng lên sức sống mãnh liệt trên vùng cao còn nhiều khó khăn. Hoa Sở thuộc giống chè, cánh hoa trắng muốt, nõn nà, điểm xuyết nhụy vàng như tượng trưng cho sự mộc mạc, dân dã và mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây. Thời điểm hoa rực rỡ nhất là vào đầu tháng 12, khi hoa nở rộ, sẽ tạo thành một không gian trắng tinh khôi trải dài khắp sườn núi, kết hợp với những cánh rừng hồi, rừng quế và những ngọn cỏ lau uốn lượn bên cung đường tuần tra biên giới tạo thành một bức tranh thiên nhiên đẹp hoang sơ và bình dị.

Trước vẻ đẹp rất đỗi mộc mạc ấy đã làm trỗi dậy cảm xúc thăng hoa khiến biết bao du khách thập phương muốn tìm về đây, về với núi rừng để vừa khám phá sự hùng vỹ, nét đẹp hoang sơ của Bình Liêu, vừa thưởng thức nét hoang dại của hoa Sở. Khởi nguồn từ đó, huyện Bình Liêu đã nảy ra ý tưởng tổ chức Lễ hội hoa Sở lần đầu tiên vào năm 2015 tại xã Đồng Tâm, xã nghèo đặc biệt khó khăn của mảnh đất biên giới này đồng thời cũng là vùng sở hữu nhiều hoa Sở nhất trong huyện, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa, cảnh quan du lịch của vùng cao Bình Liêu và xây dựng, tô điểm thêm hình ảnh hoa Sở trong lòng du khách trong và ngoài nước khi đến đây. Lễ hội hoa Sở năm 2015 đã tạo được tiếng vang và hé mở một cơ hội, tiềm năng lớn cho sự phát triển của du lịch vùng biên giới Bình Liêu nói riêng, phục vụ chiến lược phát triển xanh, bền vững của Quảng Ninh nói chung.

Hoa Sở có cánh hoa trắng muốt điểm nhụy vàng giống hoa chè nhưng có kích thước to hơn nhiều.

Với thành công của mùa lễ hội trước, năm nay, lễ hội hoa Sở được diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 10 - 12 đến ngày 11 - 12.-2016 và chính thức khai mạc vào lúc 9 giờ ngày 10 - 12.2016 tại rừng Sở thôn Đồng Long (xã Đồng Tâm). Hội hoa Sở Bình Liêu còn tổ chức tại 3 điểm khác là Bản Sông Moóc A (xã Đồng Văn), Thác Khe Vằn (xã Húc Động), Đình Lục Nà (xã Lục Hồn).

Cũng giống như bao lễ hội khác, đến với lễ hội hoa Sở huyện Bình Liêu năm nay, cùng với ngắm hoa, chiêm ngưỡng không gian tươi đẹp của cảnh quan tự nhiên núi rừng nơi biên cương, du khách còn được trải nghiệm không gian văn hoá đa sắc màu qua các điệu múa, lời hát của đồng bào các dân tộc và tham dự các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao dân tộc, như ném còn, giã gạo, đẩy gậy, bắn nỏ...

Phần thi gói bánh coóc mò thể hiện sự nhanh tay, khéo léo của các đội thi.

Ngoài ra, khi tham gia Hội hoa Sở, du khách còn được tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Bình Liêu mở rộng, trưng bày sản phẩm bản địa và thưởng thức hương vị ẩm thực dân tộc độc đáo như bánh gật gù, bánh ngải bánh coóc mò, xôi ngũ sắc, rượu men lá...

Nói về sản phẩm bản địa mà cũng là sản phẩm OCOP của địa phương, ngoài các bông hoa Sở tinh khiết thì hạt của cây Sở còn được sử dụng để ép lấy dầu. Dầu Sở dùng làm dầu ăn, ngoài ra còn là nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp như làm dầu máy, dầu nhờn, dầu chống gỉ, dầu in và dầu dùng trong y dược. Khô Sở (bã sau khi ép dầu) có thể làm thuốc trừ sâu hoặc làm phân bón rất tốt. Vỏ quả dùng làm than hoạt tính, làm thuốc nhuộm. Những năm gần đây, cây Sở không chỉ được biết đến như một nét riêng, thu hút khách phương xa đến với Bình Liêu, mà còn là một loài cây mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.

Ngoài các bông hoa Sở tinh khiết thì hạt của cây Sở còn được sử dụng để ép lấy dầu.

Trong Hội hoa Sở năm nay, huyện Bình Liêu sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vận tải nội địa (từ 4- 24 chỗ ngồi) trên địa bàn huyện thực hiện các dịch vụ đưa khách đến tham quan, chụp ảnh tại các điểm du lịch theo nhu cầu như: Thác Khe Vằn, đường biên, cột mốc biên giới... Đồng thời, địa phương sẽ tổ chức các hoạt động khám phá, trải nghiệm các cung đường hùng vỹ của huyện cho các tình nguyện viên, các đoàn phượt đăng ký tham gia. Ngoài ra, sẽ thành lập tổ chức hướng dẫn viên để cung cấp dịch vụ cho các khách du lịch có nhu cầu, trong đó các hướng dẫn viên là những người có năng lực và đã được đào tạo theo tiêu chuẩn VTOS (tiêu chẩn cần thiết để phát triển chất lượng nghiệp vụ các ngành du lịch, khách sạn tại Việt Nam).

Vẻ đẹp tự nhiên của hoa Sở.

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Hội hoa Sở, UBND huyện Bình Liêu sẽ tổ chức Hội nghị công bố, triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tổ chức hội thảo triển khai quy hoạch du lịch với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, cơ quan quản lý văn hóa - thể thao, du lịch của tỉnh, đại diện các công ty du lịch, công ty lữ hành đã, đang và tìm hiểu đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bình Liêu trong thời gian tới.

Hội hoa Sở được tổ chức hàng năm ngoài việc quảng bá vẻ đẹp riêng có của hoa Sở Bình Liêu thì còn là dịp để các doanh nghiệp đến tìm hiểu, phát triển thị trường du lịch tại Bình Liêu, trên cơ sở đó, xây dựng các sản phẩm du lịch mới để giới thiệu đến du khách, xây dựng Bình Liêu thành điểm đến hấp dẫn, khác biệt tại vùng Đông Bắc Quảng Ninh.

Thùy Châm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Liêu, ngập tràn sắc trắng mùa hoa Sở