Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết BA.2 dường như không nghiêm trọng hơn BA.1.

Biến thể Omicron 'tàng hình' thống trị ở nhiều nước, WHO nói về mức độ nghiêm trọng

Sơn Vân | 01/02/2022, 23:28

Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết BA.2 dường như không nghiêm trọng hơn BA.1.

Theo Tiến sĩ Boris Pavlin thuộc Nhóm ứng phó COVID-19 của WHO, vắc xin cũng tiếp tục cung cấp sự bảo vệ tương tự chống lại các dòng khác nhau của biến thể Omicron.

Các ý kiến ​​được đưa ra khi BA.2 (biến thể Omicron “tàng hình”) bắt đầu thay thế BA.1 (Omicron ban đầu) thống trị ở ít nhất 5 nước.

Dựa trên dữ liệu từ Đan Mạch, quốc gia đầu tiên mà BA.2 vượt qua BA.1, dường như không có sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của bệnh, mặc dù BA.2 có tiềm năng thay thế BA.1 trên toàn cầu, Boris Pavlin nói thêm.

Ông cho hay: “Nhìn vào các quốc gia khác nơi BA.2 đang vượt qua BA.1, chúng tôi không thấy tỷ lệ nhập viện nào cao hơn dự kiến”.

Một nghiên cứu của Đan Mạch phát hiện ra BA.2 nhanh chóng thống trị nước này, có khả năng lây truyền cao hơn so với BA.1 và lây nhiễm mạnh hơn những người đã tiêm 2 hay 3 mũi vắc xin.

Nghiên cứu phân tích các ca mắc COVID-19 trong hơn 8.500 hộ gia đình Đan Mạch từ tháng 12.2021 đến tháng 1.2022, cho thấy những người nhiễm BA.2 có nguy cơ lây truyền vi rút cho người khác cao hơn khoảng 33% so với những ai nhiễm BA.1.

Trên toàn thế giới, BA.1 chiếm hơn 98% các ca nhiễm Omicron nhưng BA.2 đã nhanh chóng trở thành chủng vi rút SARS-CoV-2 thống trị ở Đan Mạch, vượt qua BA.1 vào tuần thứ hai của tháng 1.2022.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi kết luận rằng Omicron BA.2 về cơ bản có khả năng lây truyền cao hơn BA.1 và nó cũng sở hữu các đặc tính tránh miễn dịch, làm giảm thêm tác dụng bảo vệ từ việc tiêm vắc xin”.

"Nếu tiếp xúc với ca nhiễm BA.2 trong gia đình, bạn có 39% xác suất lây vi rút trong vòng 7 ngày. Thay vào đó, nếu tiếp xúc với ca nhiễm BA.1, xác suất là 29%", Frederik Plesner, tác giả chính của nghiên cứu nói với Reuters.

Điều đó cho thấy BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn BA.1 khoảng 33%, ông Frederik Plesner nói thêm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra BA.2 nhỉnh hơn BA.1 trong lây nhiễm ở những người đã được tiêm 2, 3 mũi vắc xin, thể hiện "đặc tính tránh miễn dịch". Tuy nhiên, nghiên cứu nhấn mạnh rằng vắc xin vẫn đóng vai trò quan trọng vì những người đã tiêm 2, 3 mũi vắc xin ít lây nhiễm BA.2 so với những ai chưa tiêm phòng COVID-19.

Nghiên cứu cũng xác nhận phân tích sơ bộ từ Anh, cho thấy BA.2 dường như có lợi thế tăng trưởng đáng kể so với BA.1.

Tiến sĩ Boris Pavlin cho biết BA.2 đã trở thành biến thể SARS-CoV-2 thống trị ở Philippines, Nepal, Qatar, Ấn Độ và Đan Mạch.

Ông nói thêm: "Tiêm vắc xin COVID-19 có tác dụng bảo vệ mạnh mẽ khỏi bệnh nghiêm trọng, bao gồm cả Omicron. BA.2 đang nhanh chóng thay thế BA.1. Tác động của nó dường như không đáng kể, mặc dù cần thêm dữ liệu".

omicron-thong-tri-o-nhieu-nuoc-who-noi-ve-muc-do-nghiem-trong.jpg
Tiến sĩ Boris Pavlin cho biết BA.2 dường như không nghiêm trọng hơn BA.1 - Ảnh: Internet

Nghiên cứu mối liên hệ giữa các biến thể SARS-CoV-2 và HIV chưa được điều trị

Các nhà khoa học hàng đầu Nam Phi đang điều tra song song COVID-19 và HIV, trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự giao thoa của hai đại dịch có thể tạo ra các biến thể SARS-CoV-2 mới.

Nhóm nghiên cứu tại Mạng lưới Giám sát Bộ gen ở Nam Phi (NGS-SA), nơi lần đầu tiên cảnh báo thế giới về biến thể Omicron, cho biết đã đến lúc phải tiến hành cuộc điều tra có hệ thống về điều gì sẽ xảy ra khi bệnh nhân HIV không được điều trị COVID-19.

Một số nghiên cứu, bao gồm cả một nghiên cứu được công bố vào tuần trước, phát hiện ra rằng những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn bệnh nhân HIV không được điều trị có thể nhiễm SARS-CoV-2 dai dẳng trong nhiều tháng.

Vi rút vẫn tồn tại trong hệ thống của họ và tích lũy các đột biến, trong đó một số đột biến có thể tạo lợi thế cho nó.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng đây có thể là cách Omicron và một số biến thể SARS-CoV-2 phát triển, dù các nhà khoa học khác tin rằng nó có thể phát sinh ở động vật trước khi nhảy trở lại sang người.

Tongai Maponga, tác giả chính của bài viết gần đây và là nhà nghiên cứu tại Đại học Stellenbosch (Nam Phi), cho biết ông và các đồng nghiệp tại NGS-SA đang thảo luận về nghiên cứu chuyên sâu hơn để hỗ trợ giả thuyết.

Ông nói với Reuters: “Một vài trường hợp cho đến nay được nhìn thấy và mô tả là xảy ra chỉ vì theo dõi ngẫu nhiên. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ sớm làm một cái gì đó có hệ thống hơn để xem xét, đặc biệt những bệnh nhân HIV bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng này, để xem điều gì đang xảy ra".

Tongai Maponga nói công việc sẽ tập trung vào hai yếu tố: Bệnh nhân và cách hệ thống của họ đối phó với mắc COVID-19; chứng minh liệu các biến thể mới có khả năng xuất hiện theo cách này hay không.

"Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi cần cải thiện công việc của mình với cách chẩn đoán những người này, đảm bảo rằng họ đang được chẩn đoán và điều trị kịp thời", ông nói thêm.

omicron-thong-tri-o-nhieu-nuoc-who-noi-ve-muc-do-nghiem-trong1.jpg
Nhiều người cho rằng Omicron bắt nguồn từ bệnh nhân HIV - Ảnh: Internet

Saoirse Fitzpatrick, Giám đốc vận động tại StopAids, cho biết đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xét nghiệm HIV trên toàn cầu nhưng điều quan trọng là phải giải quyết cả những thách thức về sức khỏe cộng đồng.

Bà nói: “Phản ứng với COVID-19 loại bỏ phản ứng với HIV không phải là phương pháp tiếp cận sức khỏe cộng đồng đầy đủ”.

Nam Phi là nơi có dịch HIV lớn nhất thế giới, với 8,2 triệu người nhiễm. Chỉ có khoảng 71% người lớn và 45% trẻ em đang được điều trị.

Tongai Maponga nói thêm: "Chúng tôi phải nhắc lại rằng không muốn gây ra sự kỳ thị không cần thiết về HIV. Đây là rủi ro mà chúng tôi phải gánh chịu khi nêu ra những câu hỏi này, nhưng tôi nghĩ chúng tôi cần phải xem xét chúng".

Bài liên quan
Omicron 'tàng hình' có lợi thế về lây truyền đáng kể so với phiên bản ban đầu
BA.2 dường như có lợi thế về lây truyền đáng kể so với BA.1, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết hôm 28.1.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
7 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến thể Omicron 'tàng hình' thống trị ở nhiều nước, WHO nói về mức độ nghiêm trọng