Hãng tin AFP giới thiệu một công ty Trung Quốc chuyên xử lý và xuất khẩu nước lẩu thừa để tạo thành nhiên liệu phục vụ ngành hàng không.

Biến nước lẩu thừa thành nhiên liệu hàng không

Cẩm Bình | 22/11/2023, 08:12

Hãng tin AFP giới thiệu một công ty Trung Quốc chuyên xử lý và xuất khẩu nước lẩu thừa để tạo thành nhiên liệu phục vụ ngành hàng không.

Trong một nhà hàng sang trọng của thành phố Thành Đô, thực khách say sưa thưởng thức món lẩu mà không biết rằng thức ăn thừa của họ sẽ có “cuộc đời thứ hai”. Với khoảng 150.000 tấn nước lẩu thừa mà các nhà hàng trên địa bàn thải ra mỗi năm, Công ty TNHH Bảo vệ môi trường Kim Thượng Tứ Xuyên (SJET) nhìn ra cơ hội kinh doanh bằng cách xử lý loại chất thải này và xuất khẩu chúng.

Tổng giám đốc SJET Diệp Bân cho biết: “Từ khi công ty thành lập năm 2017 đến nay sản lượng luôn tăng qua từng năm. Phương châm của chúng tôi là hãy để dầu thải bay lên trời”.

bien.jpg

Kim Thượng hiện sản xuất đến 150.000 tấn dầu công nghiệp mỗi năm từ nguồn chất thải lấy từ nhà hàng lẩu cùng các quán ăn khác (gồm cả chuỗi tiệm thức ăn nhanh KFC) trên địa bàn Thành Đô. Đội ngũ nhân viên thu gom tỏa đi khắp hàng trăm địa điểm vào ban đêm.

Quá trình xử lý bắt đầu ngay khi thực khách rời đi, phục vụ quán đổ nước lẩu thừa vào bộ lọc đặc biệt giúp tách dầu khỏi nước. Sau đó nhân viên thu gom (đeo tạp dề cùng găng tay cao su dài đến khuỷu tay) đến lấy những thùng chứa mỡ màu đỏ tươi đưa đến nhà máy nằm ngoài ngoại ô. Tại nhà máy chúng trải qua công đoạn tinh chế để loại bỏ nước lẫn tạp chất sót lại, cho ra dầu công nghiệp màu vàng trong suốt.

Dầu thành phẩm được xuất sang châu Âu, Mỹ và Singapore nơi có đơn vị đủ năng lực chế biến sâu tạo ra nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, SAF rất quan trọng với nỗ lực giảm phát thải carbon trong ngành hàng không. Tuy nhiên tỷ lệ sử dụng nhiên liệu bền vững lại mới chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ do chi phí xử lý còn cao và ít đơn vị cung cấp.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế ước tính SAF nếu được sử dụng rộng rãi sẽ giúp giảm 65% lượng phát thải của ngành. Kim Thượng có kế hoạch tự mở nhà máy sản xuất SAF, nhập thiết bị từ công ty Mỹ Honeywell để cho ra 300.000 tấn nhiên liệu mỗi năm.

Mô hình kinh doanh của Kim Thượng nằm trong nỗ lực giải quyết rác thải thực phẩm mà Trung Quốc đang thực hiện. Một nghiên cứu năm 2021 do tạp chí Nature thực hiện chỉ ra mỗi năm nước này lãng phí khoảng 350 triệu tấn nông sản (tương đương 1/4 sản lượng) vì nhà hàng, siêu thị hoặc người tiêu dùng vứt bỏ. Lượng rác thải thực phẩm khổng lồ đe dọa cam kết giảm mạnh phát thải của Bắc Kinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến nước lẩu thừa thành nhiên liệu hàng không