Với phát hiện tác dụng của protein BMP8b trong việc biến mô mỡ trắng thành mô mỡ nâu bị đốt cháy nhanh, các nhà khoa học Anh hy vọng sẽ phát triển một loại thuốc mới tiềm năng giúp chống béo phì.

Biến mô mỡ trắng thành mỡ nâu để chống béo phì

Vũ Trung Hương | 29/11/2018, 17:18

Với phát hiện tác dụng của protein BMP8b trong việc biến mô mỡ trắng thành mô mỡ nâu bị đốt cháy nhanh, các nhà khoa học Anh hy vọng sẽ phát triển một loại thuốc mới tiềm năng giúp chống béo phì.

Theo trang web của Đại học Cambridge (Anh), các nhà khoa học của trường đã phân lập được protein BMP8b biến mô mỡ thành chất béo nâu bị đốt cháy nhanh. Ngoài ra, protein đó còn làm tăng hiệu quả của các công cụ hiện có cho bệnh béo phì.

Cơ thể con người chứa 2 loại chất béo: chất béo trắng lưu trữ calo và chất béo nâu đốt cháy chúng trong quá trình sản xuất năng lượng. Theo các nhà khoa học, chất béo nâu, giàu các ty thể và mạch máu, có thể trở thành một công cụ trong cuộc chiến chống béo phì.

Khi đốt cháy 100g mô mỡ nâu, khoảng 3.400 calo được giải phóng - nhiều hơn mức hầu hết mọi người nạp vào qua thức ăn và quá đủ để chống béo phì. Thật không may, không giống như trẻ sơ sinh và động vật ngủ đông, trong cơ thể người lớn có rất ít mỡ nâu. Ngoài ra, ngay cả mô mỡ nâu hiện có cũng phải được kích hoạt.

Hiện nay, các nhà khoa học chỉ biết 2 cách để làm điều này: dùng nhiệt độ lạnh để tác động hoặc sử dụng các loại thuốc adrenergic. Cả hai phương pháp đều khó chịu và việc điều trị bằng thuốc cũng có nguy cơ gây những cơn đau tim.

Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Cambridge tìm thấy một giải pháp thay thế: một hợp chất có thể kích hoạt mỡ nâu mà không gây tác dụng phụ. Protein có tên là BMP8b lần đầu tiên được phân lập vào năm 2012. Các nhà khoa học khi đó phát hiện ra rằng việc loại bỏ gien mã hóa chất này làm gián đoạn chức năng của mỡ nâu ở chuột.

Trong công trình nghiên cứu mới với thử nghiệm trên loài động vật gặm nhấm, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng sự gia tăng nồng độ BMP8b biến một phầnmô mỡ trắng thành mỡ nâu. Ngoài ra, protein này còn kích thích sự tăng trưởng của các mạch máu và làm cho mỡ nâu nhạy cảm hơn với các tín hiệu từ đầu cuối các dây thần kinh. Điều này sẽ làm giảm liều thuốc adrenergic trong điều trị béo phì, khiến liệu pháp hiệu quả hơn và an toàn hơn. Trong tương lai gần, các nhà khoa học dự định tiến hành thử nghiệm lâm sàng protein BMP8b.

Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện một loại protein khác cũng có thể giúp điều trị bệnh béo phì là FGFBP3. Nó làm tăng tốc độ trao đổi chất, khiến cho cơ thể tiêu tốn lượng chất béo dự trữ nhanh hơn. Các đặc tính độc đáo của loại protein này được phát hiện một cách tình cờ, trong quá trình nghiên cứu ung thư ở động vật gặm nhấm.

Vũ Trung Hương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến mô mỡ trắng thành mỡ nâu để chống béo phì