Ngày 27.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo TP.HCM về tình hình kinh tế, xã hội tháng 7, 7 tháng đầu năm và một số dự án đầu tư công trọng điểm của TP.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng những vướng mắc về thể chế, chính sách đang trở thành điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của TP.HCM. Theo ông, hiện nay nhiều cơ chế, chính sách đang vướng mắc, vấn đề tháo gỡ phải được tập trung thực hiện để các dự án, nhóm việc được đẩy nhanh, "đừng đổ thừa vì vướng mắc thể chế mà công việc bị chậm tiến độ".
"Sức phục hồi nền kinh tế của TP.HCM rất mạnh. Chỉ cần chúng ta mở các cơ chế ra thì doanh nghiệp sẽ hoạt động mạnh, tạo nguồn lực lớn cho sự phát triển của TP", ông Nên nói.
Ông Nên cũng nhắc lại câu chuyện Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc bàn giao đất thực hiện dự án nhà ga T3 trong sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó có việc tháo dỡ 12 ụ bê tông xi măng và những vướng mắc gây cản trở sự hoạt động của sân bay. Sự ùn tắc của sân bay cản trở sự phát triển của TP.HCM, của đất nước. Sự chỉ đạo này là một việc bình thường trong tình thế không bình thường bởi những điều này vướng rất nhiều quy định pháp luật, thực hiện phải đi qua nhiều khâu, nhiều giai đoạn phức tạp. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, phải đặt TP.HCM trong tình thế hiện nay cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và xử lý giải quyết.
“Không giải quyết được đồng nghĩa với việc chúng ta đánh mất đi cơ hội. Đánh mất cơ hội của mình còn có thể chấp nhận nhưng đánh mất cơ hội cho địa phương, cho đất nước thì không thể chấp nhận”, ông Nên bày tỏ sự cấp thiết phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho TP.HCM trong tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, nhất là các cơ quan của Chính phủ hiện nay rất vất vả để tập hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các địa phương càng vất vả hơn bởi vì đang đối diện những dự án, công việc cụ thể.
Bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ mong muốn Thường trực Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho TP.HCM. Ông Nên nói rằng TP.HCM luôn luôn nhận thức, ý thức trách nhiệm, trong đó lãnh đạo TP.HCM đang chỉ đạo khẩn trương để tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội... Qua đó, TP.HCM sẽ có những kiến nghị đề xuất các vấn đề vượt thẩm quyền để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết, sau dịch COVID-19, kinh tế - xã hội phục hồi, nhu cầu giao tiếp của công dân, doanh nghiệp với chính quyền rất lớn. Tuy nhiên, nhiều nhóm việc chưa thể đáp ứng hết, còn tồn đọng mà nguyên nhân xuất phát từ vướng mắc thủ tục hành chính. Vướng mắc này làm chậm tiến độ đầu tư các dự án, cản trở năng lực hấp thu vốn xã hội của TP thấp. UBND TP cũng kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cụ thể những nhóm việc mà TP.HCM đề xuất như đường Vành đai 3, Vành đai 4, tuyến Metro số 1... Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị TP tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ; đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tháo gỡ những vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu TP.HCM thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, sớm chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Ông đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập các tổ kiểm tra về vấn đề này.
Thủ tướng nhận định, TP.HCM là địa phương có xung lực tăng trưởng rất lớn, chi cho TP.HCM 1 đồng thì số tiền TP đem về sẽ lớn gấp 3-4 lần những nơi khác. Do đó, cần quan tâm tháo gỡ các vướng mắc của TP.HCM. Chính phủ sẽ có một tổ công tác thường xuyên làm việc với TP.HCM để tháo gỡ nhanh các vướng mắc phát sinh.
"Cứ gửi văn bản thì rất lòng vòng, có khi 6 tháng, 1 năm chưa đến được Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay vướng nhiều ở các bộ ngành. Thủ tục hành chính, cơ chế chính sách còn vướng mắc nhiều lắm, nhưng nếu cứ làm theo quy trình thì không ổn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định.