Để giữ được tối đa chất dinh dưỡng trong món luộc, bạn cần lưu ý thời gian luộc đối với từng loại thực phẩm khác nhau.
Thịt heo
Với thịt heo luộc tầm 20 - 30 phút là ngon nhất, thịt không bị khô mà vẫn mềm ngon. Khi luộc thịt có thể cho thêm xíu muối, đổ nước sâm sấp mặt thịt và luộc.
Trứng luộc – quy tắc 4-6-10
Đây là quy tắc đáp ứng được tất cả sở thích về trứng luộc: Luộc trong 4 phút thì khi cắt trứng, lòng đỏ sẽ chảy ra sóng sánh. Luộc trong 6 phút, lòng đào ươn ướt lóng lánh, béo béo dẻo dẻo. Luộc trong 10 phút, lòng đỏ chín mềm, cắn vào vừa bở vừa bùi.
Thịt gà
Trước khi luộc gà, bạn nên dùng tăm để cố định đầu gà vào thân gà, sau đó cho gà vào nồi và đổ nước lạnh ngập hơn gà rồi luộc ở lửa to. Đợi khi nước sôi thì hạ nhỏ lửa và luộc thêm trong khoảng 10 phút nữa. Lưu ý trong giai đoạn này, không được đậy nắp nồi khi luộc.
Sau khoảng 10 phút, các bạn tắt bếp rồi đậy nắp nồi lại trong khoảng 10 phút nữa thì gà sẽ chín đều. Tùy thuộc vào độ lớn của gà, mà các bạn điều chỉnh thời gian lại cho phù hợp nhé.
Rau luộc
Khi luộc rau bạn nên chờ cho nước thật sôi rồi hãy cho rau vào luộc, bởi ngay sau khi cho rau vào nước có rất nhiều vitamin bị mất và hòa tan ngay. Do vậy, để nước thật sôi rồi mới cho rau vào luộc, để rau không bị ngâm trong nước quá lâu, sẽ làm mất chất dinh dưỡng.
Lưu ý bạn nên luộc rau ở lửa nhỏ, nhiệt độ không đủ thì nó sẽ không giữ được màu xanh của rau mà còn làm tiêu tan chất vitamin trong quá trình luộc. Nếu không đủ độ nóng thì thời gian luộc rau sẽ tăng lên, khiến rau của bạn bị nhàu nát không còn ngon nữa.
Hải sản
Tuỳ theo từng loại hải sản mà thời gian luộc cũng khác nhau:
- Đối với mực:Khi nước vừa sôi thả mực vào luộc, nước sôi lại là vớt ra ngay để mực không bị dai.
- Đối với tôm cua:Luộc trong tầm 7 phút là chín, với tôm nhỏ thì tầm 4 phút là chín.
- Đối với nghêu, ốc:Khi luộc không cần cho nước hoặc cho rất ít nước cùng với ít lá chanh, sả... luộc tầm 3 - 5 phút là có thể ăn.
Quỳnh Anh (t/h)