Newsweek của Mỹ vừa có bài "Các mặt thay đổi của mối quan hệ Mỹ - Venezuela". Trong đó, bài viết nhấn mạnh tình hình đã thay đổi và cách tiếp cận của Washington đang dần thay đổi theo nó.

Bị Nga làm khó, Mỹ có bỏ rơi Guaido để đổi lấy quan hệ thực dụng với Tổng thống Maduro?

Tá Nhu (lược dịch) | 09/11/2022, 17:45

Newsweek của Mỹ vừa có bài "Các mặt thay đổi của mối quan hệ Mỹ - Venezuela". Trong đó, bài viết nhấn mạnh tình hình đã thay đổi và cách tiếp cận của Washington đang dần thay đổi theo nó.

Nicolás Maduro, tổng thống quyền lực của Venezuela, từng bị Mỹ coi là một người có sự nghiệp chính trị chỉ tính bằng ngày. Nhưng ngày nay, chế độ khiến Mỹ ám ảnh nhất ở Mỹ Latinh đang trỗi dậy - trỗi dậy đến mức khó có thể tưởng tượng ông Maduro từng suýt bị lật đổ trong một cuộc đảo chính ba năm trước.

Maduro là người lên nắm quyền tổng thống sau khi ông Hugo Chavez qua đời vào năm 2013. Vào năm 2019, Maduro nhận thấy mình bị bao vây giữa phong trào đối lập được Mỹ hậu thuẫn và tình hình kinh tế tưởng như cận kề ngày tận thế. Chiến dịch gây áp lực tối đa của chính quyền Donald Trump đối với Caracas, kết hợp với việc chính quyền Maduro thiếu một chính sách kinh tế khả thi, đã đẩy nền kinh tế Venezuela rơi vào tình trạng rơi tự do tồi tệ nhất mà một quốc gia trong thời bình từng chứng kiến ​​trong gần 50 năm.

Theo truyền thông phương Tây khi đó, phần lớn người dân Venezuela phải vật lộn mưu sinh và cảm thấy khó khăn với việc kiếm bữa ăn qua ngày. Đáng kinh ngạc 96% người Venezuela bị cho là sống dưới mức nghèo khổ. Ngay cả những quân nhân Venezuela cũng không tránh khỏi nạn đói; Các nhà phân tích phương Tây ước tính rằng hàng nghìn binh sĩ cấp thấp của Venezuela đã xin giải ngũ hoặc rời khỏi vị trí của họ do điều kiện đãi ngộ kém.

Vị thế chính trị của Maduro khi đó trông có vẻ bấp bênh. Vào tháng 1.2019, Mỹ cùng với các quốc gia đồng minh khác, cắt đứt quan hệ với chính phủ Venezuela để công nhận người đứng đầu Quốc hội Juan Guiado là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Nhập khẩu dầu của Mỹ đối với dầu của Venezuela đã giảm mạnh từ 806.000 thùng / ngày vào năm 2013 (là năm đầu tiên ông Maduro nắm quyền) xuống 92.000 thùng / ngày vào năm 2019. Tổng xuất khẩu dầu của Venezuela giảm gần 45% trong cùng thời kỳ gây ra vấn đề lớn đối với một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô vốn chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Phương Tây toan tính triển vọng kinh tế u ám của Venezuela sẽ tràn vào nền chính trị Venezuela, cuối cùng dẫn đến việc các bên liên quan chính yếu như quân đội và giới tinh hoa kinh tế sẽ đẩy Maduro khỏi chức vụ và mở ra cánh cửa cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng như phương Tây mong đợi. Đó chính là những gì các quan chức Mỹ nghĩ vào thời điểm đó. Một tháng rưỡi sau khi Mỹ chuyển công nhận nhân vật đối lập Guaidó, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tuyên bố rằng quân đội Venezuela đang có các cuộc trò chuyện với phe đối lập về chủ đề tương lai thời hậu Maduro. Ngoại trưởng Mike Pompeo khi đó có vẻ lạc quan về việc chôn vùi sự nghiệp chính trị của Maduro: "Đây không phải là người có thể là một phần trong tương lai của Venezuela và cho dù sự thay đổi đó diễn ra hôm nay, ngày mai hoặc một tuần nữa mà người ta không thể đoán trước được".

Tất nhiên, các sự kiện kể từ đó cho thấy Bolton và Pompeo đều đoán sai. Năng lực của Maduro đã bị đánh giá quá thấp, và năng lực của Guaido hóa ra mới khá hạn chế.

Giới tinh hoa chính trị của Venezuela, và quan trọng nhất là quân đội, không hề bỏ rơi Maduro và họ lao vào cuộc chiến với phe đối lập. Có ba lý do giải thích cho điều này: Maduro đã đãi ngộ tốt với bộ máy và quân đội; Guaidó là một chính trị gia không uy tín, không có thành phần cử tri đáng kể trong nước và phong trào đối lập bị chia rẽ rồi tự chống lại nhau. Tất cả đều xuất hiện trong nỗ lực ngắn hạn vào tháng 4.2019 nhằm lật đổ Maduro nhưng âm mưu đã thất bại khi rõ ràng rằng quân đội Venezuela giữ vững vị trí chiến đấu và các quan chức vẫn tập hợp xung quanh Maduro.

Phải mất một vài năm để thay đổi, nhưng chính sách của Mỹ hiện đang bắt kịp thực tế rằng Maduro sẽ chẳng phải đi đâu hết. Trung Quốc và Nga đã cứu ông ta thoát khỏi vực sâu tài chính bằng cách mua dầu thô của Venezuela (với giá rẻ) và đang bảo vệ chính quyền của Maduro tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, Guaidó từng được cho là người có bản lĩnh và sự kiên trì để lãnh đạo đất nước Nam Mỹ trở lại chế độ dân chủ, lại là một kẻ bù nhìn (figurehead) đang mất dần sự ủng hộ.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga đã cho Maduro một cơ hội tiềm năng để vực ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela vốn đang suy yếu trở lại đúng vị thế. Trong khi đó, Washington vốn đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế trên toàn cầu, sẵn sàng cho phép các nhà cung cấp dầu mỏ lớn sản xuất quay trở lại.

Colombia, đối tác thân thiết nhất mà Mỹ có ở Mỹ Latinh, cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi, với tổng thống mới, Gustavo Petro, quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng lại mối quan hệ với nước láng giềng Venezuela hơn là người tiền nhiệm bị xem là đại diện của Washington trong khu vực.

Mặc dù Mỹ không có bất kỳ quan hệ ngoại giao chính thức nào với chính phủ Maduro, nhưng các quan chức Mỹ vẫn tìm các kênh liên hệ với Caracas. Điều này gây bất hòa giữa các “nhà đạo đức” tin rằng chính quyền Maduro nên bị trừng phạt về kinh tế và bị cô lập về mặt ngoại giao với những người thực dụng cho rằng đối thoại với các chế độ thiếu dân chủ kiểu Mỹ là điều cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của Washington. Chẳng hạn, việc bảy tù nhân Mỹ được Caracas trả tự do vào ngày 1.10 là một ví dụ. Đáng ra lúc này, họ vẫn phải ở trong tù nếu Washington không sẵn sàng tham gia vào một cuộc đổi chác.

Mỹ được cho là đang thảo luận với chính phủ Venezuela để dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt liên quan đến dầu mỏ để đổi lấy việc Maduro tham gia đàm phán với các đối thủ chính trị của mình về một kế hoạch bật đèn xanh cho các cuộc bầu cử tổng thống, trả tự do cho các tù nhân chính trị. Đổi lại, Mỹ sẽ giải phóng tiền của Venezuela bị đóng băng trong các tài khoản ngân hàng của Mỹ để Caracas giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội của đất nước. Ý tưởng là khuyến khích tất cả các bên hợp tác trong quá trình này.

Liệu nó có hiệu quả hay không, chỉ có thời gian mới trả lời được. Nhưng rõ ràng là cách tiếp cận trước đây của Mỹ đã không hiệu quả và thực tế nhiều năm đã chứng minh điều đó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị Nga làm khó, Mỹ có bỏ rơi Guaido để đổi lấy quan hệ thực dụng với Tổng thống Maduro?