Liên minh châu Âu (EU) hôm 22.3 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với 4 quan chức Trung Quốc, trong đó có một giám đốc an ninh hàng đầu, vì vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách đưa 10 người và 4 thực thể châu Âu vào danh sách đen trong đợt leo thang căng thẳng ngoại giao hiếm hoi.

Bị EU trừng phạt lần đầu sau 32 năm, Trung Quốc đưa 10 quan chức châu Âu vào danh sách đen

Nhân Hoàng | 22/03/2021, 19:52

Liên minh châu Âu (EU) hôm 22.3 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với 4 quan chức Trung Quốc, trong đó có một giám đốc an ninh hàng đầu, vì vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách đưa 10 người và 4 thực thể châu Âu vào danh sách đen trong đợt leo thang căng thẳng ngoại giao hiếm hoi.

Không giống Mỹ, EU đã tìm cách tránh đối đầu với Trung Quốc, nhưng quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt quan trọng đầu tiên kể từ lệnh cấm vận vũ khí vào năm 1989 đã làm gia tăng căng thẳng.

Chen Mingguo (Giám đốc Sở Công an Tân Cương) cùng 3 người Trung Quốc khác bị EU trừng phạt vì cáo buộc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương. EU cho biết Chen Mingguo phải chịu trách nhiệm về “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

Trong tạp chí chính thức của mình, EU cáo buộc Chen Mingguo về “việc giam giữ tùy tiện và đối xử tồi với người Duy Ngô Nhĩ cùng những người thuộc các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, cũng như các hành vi vi phạm có hệ thống với quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ”.

3 người Trung Quốc khác bị EU cấm đi lại và đóng băng tài sản là Wang Mingshan (quan chức cấp cao Trung Quốc), Wang Junzheng (cựu Phó bí thư thành ủy ở Tân Cương) và Zhu Hailun (thuộc Cục Công an Quân đoàn Xây dựng và Sản xuất Tân Cương).

Tuy nhiên, EU đã tránh trừng phạt quan chức hàng đầu ở Tân Cương là Chen Quanguo, người bị Mỹ đưa vào danh sách đen, cho thấy các chính phủ châu Âu tìm cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn.

Trung Quốc phủ nhận mọi hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, nói rằng các trại của họ cung cấp đào tạo nghề và cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.

bi-eu-trung-phat-lan-dau-sau-32-nam-trung-quoc-dua-10-quan-chuc-chau-au-vao-danh-sach-den.jpg
Hàng rào xung quanh nơi được Trung Quốc gọi là Trung tâm giáo dục kỹ năng nghề ở Đạt Phản Thành thuộc Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc 

Trung Quốc ngay lập tức trả đũa EU, nói rằng quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt với 10 cá nhân, bao gồm các nhà lập pháp châu Âu, và 4 thực thể EU.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các thành viên Nghị viện châu Âu Reinhard Butikofer, Michael Gahler, Raphael Glucksmann, Ilhan Kyuchyuk và Miriam Lexmann là những người “gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền, lợi ích của Trung Quốc và truyền bá những lời nói dối và thông tin sai lệch một cách ác ý”.

5 cá nhân khác bị Trung Quốc trừng phạt là chính trị gia Hà Lan - Sjoerd Wiemer Sjoerdsma, nghị sĩ Bỉ - Samuel Cogolati, Dovile Sakaliene (thành viên quốc hội Lithuania), hai học giả Adrian Zenz (Đức) và Bjorn Jerden (Thụy Điển).

Những cá nhân liên quan và gia đình của họ bị cấm nhập cảnh vào đại lục, Hồng Kông và Macao của Trung Quốc. Họ và các công ty và tổ chức liên kết với họ cũng bị hạn chế kinh doanh với Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao nước này cho biết.

4 thực thể bị Trung Quốc trừng phạt là Ủy ban Chính trị và An ninh của Hội đồng Liên minh châu Âu; Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện châu Âu; Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Đức; Tổ chức Liên minh các nền dân chủ ở Đan Mạch.

bi-eu-trung-phat-lan-dau-sau-32-nam-trung-quoc-dua-10-quan-chuc-chau-au-vao-danh-sach-den3.jpg
Reinhard Butikofer là 1 trong 10 người EU bị Trung Quốc trừng phạt

Chính trị gia người Đức Reinhard Butikofer, người chủ trì phái đoàn của Nghị viện châu Âu tới Trung Quốc, là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất bị ảnh hưởng. Tổ chức Liên minh các nền dân chủ phi lợi nhuận do cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen thành lập cũng bị đưa vào danh sách đen, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Những người này sẽ bị hạn chế nhập cảnh hoặc làm ăn với Trung Quốc. Trung Quốc cáo buộc họ làm tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của đất nước với Tân Cương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi EU "sửa chữa sai lầm của mình" và không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Dù chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng các lệnh trừng phạt của EU đánh dấu sự cứng rắn đáng kể trong chính sách của khối với Trung Quốc, vốn được coi là một đối tác thương mại nhưng giờ đây trở thành là kẻ lạm dụng có hệ thống các quyền và tự do cơ bản.

EU đã không trừng phạt Trung Quốc đáng kể kể từ khi áp đặt lệnh cấm vận vũ khí vào năm 1989 sau cuộc đàn áp người ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn, dù đã nhắm mục tiêu vào hai hacker máy tính và một công ty công nghệ vào năm 2020 như một phần của các lệnh trừng phạt mạng rộng lớn hơn. Lệnh cấm vận vũ khí hiện vẫn được áp dụng.

Tất cả 27 chính phủ EU đều đồng ý với các biện pháp trừng phạt, nhưng Ngoại trưởng Hungary, Peter Szijjarto gọi chúng là "có hại" và "vô nghĩa", phản ánh sự chia rẽ của khối về cách đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích kinh doanh.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Mỹ. Trung Quốc vừa là thị trường lớn, vừa là nhà đầu tư lớn đã thu hút các quốc gia nghèo hơn và trung tâm châu Âu.

Thế nhưng, EU, vốn tự coi mình là tổ chức đấu tranh cho nhân quyền, vô cùng lo lắng về số phận của người Duy Ngô Nhĩ.

Các nhà hoạt động và chuyên gia về quyền của Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 1 triệu người Hồi giáo đang bị giam giữ trong các trại ở khu vực phía tây xa xôi của Tân Cương. Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc Trung Quốc sử dụng hình thức tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản.

Các biện pháp trừng phạt của EU ảnh hưởng đến các quan chức được cho đã thiết kế và thực thi các trại giam ở Tân Cương, diễn ra sau khi Quốc hội Hà Lan theo sau Canada và Mỹ cáo buộc Trung Quốc thực hiện tội ác diệt chủng với người Duy Ngô Nhĩ, điều mà Bắc Kinh bác bỏ.

Bài liên quan
Sau Mỹ, EU giáng đòn trừng phạt các doanh nghiệp quân sự hàng đầu Myanmar
Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị mở rộng các biện pháp trừng phạt với các lực lượng vũ trang của Myanmar bằng cách nhắm vào các doanh nghiệp do họ điều hành, để phản đối cuộc đảo chính quân sự ngày 1.2, theo các nhà ngoại giao và hai tài liệu nội bộ được Reuters nhìn thấy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị EU trừng phạt lần đầu sau 32 năm, Trung Quốc đưa 10 quan chức châu Âu vào danh sách đen