“Cháu tui viết, nó rất buồn vì bạn bè của nó ai cũng được hưởng trợ cấp mà nó thì không được. Nó viết vậy tui cũng chẳng biết phải làm sao, vì hồ sơ xin hưởng trợ cấp của nó tui đã nộp hơn 6 năm rồi”, bà Yến buồn rầu nói.

Bị câm điếc bẩm sinh vẫn không được hưởng chế độ người khuyết tật

Hùng Anh | 18/10/2017, 11:39

“Cháu tui viết, nó rất buồn vì bạn bè của nó ai cũng được hưởng trợ cấp mà nó thì không được. Nó viết vậy tui cũng chẳng biết phải làm sao, vì hồ sơ xin hưởng trợ cấp của nó tui đã nộp hơn 6 năm rồi”, bà Yến buồn rầu nói.

Nộp hồ sơ 2 lần nhưng chỉ nhận được… lời hứa

Bà Nguyễn Bạch Yến (sinh năm1948, ngụ ấp Long Thạnh, xã Long Bình Điền, H.Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết đã hơn 6 năm từ khi bà nộp hồ sơ xin chế độ trợ cấp người khuyết tật cho cháu ngoại nhưng chẳng có hồi âm từ chính quyền và các cơ quan hữu trách.

“Cháu ngoại tui tên Phan Việt Cường, SN 1994, sống với tui từ nhỏ đến giờ. Cha mẹ nó ở trên Sài Gòn, nhưng nó không chịu về Sài Gòn mà chỉ muốn sống với bà ngoại ở quê. Hiện nay nó đang đi học nghề, chuẩn bị cuối năm cưới vợ, mà vợ nó cũng là người khuyết tật như nó”, bà Yến kể.

Theo trình bày của bà Yến, từ nhỏ cháu ngoại của bà đã chịu bất hạnh khiếm khuyết về thể chất do chứng câm điếc bẩm sinh. Dù vậy bà vẫn cho cháu đi học trường dành cho người khuyết tật ở TP.Mỹ Tho để cháu biết chữ, biết viết, có điều kiện giao tiếp với mọi người xung quanh.

“Tui đã lớn tuổi, không còn sức lao động, sống bằng tiền trợ cấp của con cái, còn cháu Cường thì cha mẹ nó có gửi tiền về cho nó ăn học. Hồi tháng 3.2011 tui nghe mọi người nói người khuyết tật bị câm điếc bẩm sinh như cháu Cường hằng tháng sẽ được hưởng mộtkhoản trợ cấp của nhà nước, nên tui đi làm hồ sơ xin trợ cấp cho cháu”, bà Yến nhớ lại.

Lúc đưa hồ sơ cháu Cường ra Hội đồng Giám định y khoa H.Chợ Gạo xem xét giám định khả năng lao động thì Cường được xác nhận tỷlệ mất sức là 70% do câm điếc bẩm sinh theo Quy định Tiêu chuẩn mất sức lao động do bệnh tật, ban hành kèm Thông tư liên bộ số 12/TT-LB (ngày 26.7.1995).

Từ bản giám định này, bà Yến làm hồ sơ xin cho Cường được hưởng trợ cấp người khuyết tật, gửi đến UBND xã Long Bình Điền. Lúc nhận hồ sơ, cán bộ phụ trách LĐ-TB-XH của xã cho biết sẽ chuyển về huyện xem xét giải quyết, trường hợp của Cường được giám định mức 70%, chắc chắn sẽ được trợ cấp.

Phan Việt Cường, cháu bà Yến

“Nhưng tui chờ hoài mà chẳng thấy ai trả lời, năm nào cũng đến UBND xã hỏi thăm, nhưng cán bộ ở đây bảo tiếp tục… chờ giải quyết. Chờ suốt 5 năm, tui nản quá nên xin rút hồ sơ, nhưng không ai cho rút, mà biểu chờ tiếp.

Đến tháng 8 vừa rồi tui sợ hồ sơ của cháu Cường để lâu quá bị thất lạc nên làm mộtbộ hồ sơ mới gửi cho UBND xã Long Bình Điền, nhưng lại được cán bộ phụ trách LĐ-TB-XH bảo… tiếp tục chờ và hứa trường hợp của cháu tui sẽ được giải quyết, chừng nào có trợ cấp sẽ thông báo. Vậy mà từ đó đến nay chẳng nghe ai nói gì nữa”, bà Yến buồn rầu kể.

Xã bảomột đường, huyện nóimột nẻo

Tại trụ sở UBND xã Long Bình Điền, nhắc đến trường hợp của cháu Cường,ông Trần Nhật Duật, công chức phụ trách LĐ-TB-XH, nhớ ra ngay. Ông Duật cho biếtvào năm 2011 sau khi tiếp nhận, xem xét hồ sơ xin hưởng trợ cấp người khuyết tật của cháu Cường thì UBND xã nhận thấy cháu đúng là đối tượng được hưởng trợ cấp theo quy định, nên chuyển hồ sơ về Phòng LĐ-TB-XH và UBND huyện Chợ Gạo đề nghị xem xét giải quyết.

Nhưng một thời gian sau hồ sơ của cháu Cường bị trả lại UBND xã Long Bình Điền. “Cùng với hồ sơ của cháu Cường thì có nhiều hồ sơ khác cũng bị trả về xã, với lý do chờ xem xét lại theo các nghị định, thông tư mới ban hành, mà quan trọng nhất là Nghị định 28/CP năm 2012 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 37/2012 của Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT.

Trong những văn bản ấy đó có quy định mới là cấp xã phải có biên bản giám định kết luận dạng tật và mức độ khuyết tật của người xin hưởng trợ cấp. Nhưng sau khi hồ sơ bị huyện trả về thì xã không nghe huyện chỉ đạo gì, nên không biết phải làm sao, thành ra kéo dài khiến người dân bức xúc”, ông Duật nhớ lại.

Trước thông tin gia đình cháu Cường đã gửi tiếp hồ sơ xin hưởng trợ cấp lần 2 vào tháng 8, ông Duật lục trong xấp hồ sơ dày cộm trên bàn làm việc và tìm được hồ sơ mới của cháu Cường. Sau khi xem xét, ông Duật cho biết trường hợp cháu Cường sẽ được Hội đồng khuyết tật của xã đưa ra xem xét, giám định cùng với gần 20 hồ sơ người khuyết tật của xã ngay trong tháng 10.

“Sau khi Hội đồng khuyết tật của xã duyệt xong hồ sơ sẽ chuyển lên huyện giải quyết tiếp, nhưng tôi nghĩ trường hợp của cháu Cường chắc sẽ được trợ cấp, vì cháu trước đây đã được xác định mất sức lao động đến 70%”, ông Duật cho biết.

Biên bản giám định khả năng lao động của cháu Cường do Hội đồng Giám định y khoa H.Chợ Gạo thực hiện năm 2011 nay không còn giá trị?

Nhưng ở UBND H.Chợ Gạo, khi đề cập đến trường hợp của cháu Cường thì mộtcán bộ phụ trách người khuyết tật đã nói thẳng: “Theo Nghị định 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ thì trường hợp của cháu Cường không được hưởng trợ cấp người khuyết tật. Nguyên nhân là cháu Cường bị… khuyết tật nhẹ, còn tự ăn cơm, tự chăm sóc bản thân, còn lao động được, không cần phải có người phục vụ, chăm sóc”.

Về việc Hội đồngGiám định Y khoa H.Chợ Gạo xác định cháu Cường giảm sức lao động 70% nên không thể nói cháu bị “khuyết tật nhẹ”, vị cán bộ này thông tin: hiện nay những trường hợp xin hưởng trợ cấp người khuyết tật đều phải qua giám định của Hội đồng Giám định ykhoa cấp tỉnh mới được công nhận. Những giám định trước đây của Hội đồng Giám định ykhoa cấp huyện đều không còn giá trị.

“Nói thật chúng tôi cũng rất muốn cho cháu Cường được hưởng chế độ trợ cấp người khuyết tật, nhưng quy định của Nhà nước như vậy nên chúng tôi cũng chưa biết phải giải quyết ra sao. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét trường hợp của cháu Cường và những trường hợp tương tự”, vị cán bộ ấy nói.

Kiều Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị câm điếc bẩm sinh vẫn không được hưởng chế độ người khuyết tật