Cùng với Nam nữ bình quyền (Đặng Văn Bảy) và Ba đồng ghi-nê (Virginia Woolf), cuốn sách vừa mới ra mắt Bí ẩn nữ tính (Betty Friedan) đã tạo thành bộ ba kinh điển của dòng sách nữ quyền mà Ban Tu thư Đại học Hoa Sen thực hiện.
Bí ẩn nữ tính là gì? Trước tiên hãy trả lời nữ tính là gì. Là suy sụp khi biết mình không thể cho con bú sữa mẹ. Là không uống thuốc chữa ung thư vì biết tác dụng phụ sẽ làm mình mất hết nét mềm mại đặc trưng. Phần lớn thời gian cuộc đời trải qua trong gian bếp. Ước mơ lớn nhất và duy nhất là có một căn nhà ngoại ô, chồng và các con, hai xe hơi một của chồng và một của mình, hai tivi một ở phòng khách và một ở nhà bếp. Đó là hình ảnh "nữ tính" mà hầu hết phụ nữ Mỹ thập niên 1950 và những năm đầu 1960 hướng tới.
Nhưng, những bà nội trợ ở mọi trình độ học vấn ấy ngày đêm hoang mang trong nỗi tuyệt vọng thầm kín, vừa dè chừng nhìn nhau vừa mơ hồ tự hỏi: "Chỉ có vậy thôi sao?". Họ như đang trong cơn mê, hay đang trải qua một dịch bệnh cũng không phải ngoa ngôn, với những biểu hiện: trống trải, thiếu thốn, mệt mỏi, muốn khóc nhưng chẳng biết vì lý do gì, trông ngóng điều gì đó nhưng chẳng có gì để trông ngóng...
Các bác sĩ tâm lý mà họ tìm gặp đã không tìm được câu trả lời cho hội chứng "héo úa của những bà nội trợ" này.
Là người cùng thời, Betty Friedan cũng gặp nỗi ám ảnh tương tự, nhưng bà mẹ ba con này không đầu hàng. Bà mất năm năm để làm một cuộc đại điều tra về vấn đề mà đầu tiên bà gọi là "vấn đề không tên", và sau này là "bí ẩn nữ tính".
"Rồi tôi lần theo sự lớn mạnh của cái bí ẩn đó bằng cách nói chuyện với biên tập viên các tạp chí phụ nữ, nhà nghiên cứu động cơ quảng cáo, và chuyên gia lý thuyết về phụ nữ ở các lĩnh vực tâm lý học, phân tâm học, nhân chủng học, xã hội học, giáo dục gia đình. Nhưng mảnh ghép không khớp nhau cho tới khi tôi phỏng vấn ở mức độ sâu hơn, từ hai giờ tới hai ngày mỗi lần, 80 phụ nữ ở những thời điểm quan trọng trong vòng đời của họ... Những phụ nữ này, vài người thấy khổ sở, đau đớn, vài người thấy bình yên, thanh thản, đã cho tôi manh mối cuối cùng, và bản cáo trạng đáng lên án nhất của bí ẩn nữ tính".
Tìm được chiếc chìa khóa thoát khỏi "bí ẩn nữ tính", bà mạnh mẽ lên tiếng: "Tôi muốn thứ gì đó hơn chồng con và tổ ấm của mình".
Đọc đến đây, nữ độc giả chúng ta mà cuộc đời được nền văn hóa Á Đông phủ bóng, hẳn thoáng giật mình. Nhưng, Betty Friedan không kêu gọi từ bỏ gia đình, hay hơn thua giành quyền với đàn ông, bà khao khát phụ nữ bước ra xã hội, có công việc, tự do sáng tạo, đạt được học vấn sâu rộng tối đa trong lĩnh vực mình yêu thích.
Betty Friedan cự tuyệt "hình ảnh công cộng" về phụ nữ đang được xây dựng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông thời bấy giờ. Với văn phong cuốn hút lạ thường, trong cuốn sách này, bà mổ xẻ tận cùng cơn thèm khát sự yên ấm gia đình sau Thế chiến thứ Hai và Chiến tranh Lạnh của xã hội Mỹ. Bà phê phán mạnh thuyết duy ngã tính dục của Sigmund Freud, tư tưởng khiến bí ẩn nữ tính tăng thêm sức mạnh; đả phá chức năng luận; xem thường những thuyết đề cao phụ nữ một cách nửa vời.
Betty Friedan đã viết nên bản tuyên ngôn riêng mình vào tháng 2-1963: The Feminine Mystique, cuốn sách mà ấn bản kỷ niệm 50 năm phát hành vừa được Đại học Hoa Sen cùng NXB Hồng Đức ra mắt với bản dịch tiếng Việt Bí ẩn nữ tính.
Vấn đề của phụ nữ Mỹ những năm 1950-1960 được Betty nhắc tới đang là vấn đề của phụ nữ Việt Nam, và nhiều quốc gia khác trên thế giới, hiện nay.
Chúng ta không chờ đợi một liều thuốc đặc trị cho hội chứng bí ẩn nữ tính, cũng như Betty Friedan không tham vọng cuốn sách của bà "bắt phụ nữ chấp nhận nó". Thế nhưng, có lý do để một cuốn sách tồn tại giá trị vượt thời gian. Bí ẩn nữ tính của Betty Friedan có sức mạnh của một ánh nhìn trí tuệ sắc bén đang xoáy trực diện vào bạn, phụ nữ. Nó khiến bạn phải tự đào sâu đối diện với câu hỏi "tôi là ai?" để tìm kiếm bản sắc, của một con người.
Betty Friedan sinh ngày 4-2-1921 tại Peoria, bang Illinois, Mỹ, mất ngày 4-2-2006, đúng sinh nhật thứ 85. Bà là nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động nữ quyền hàng đầu trong phong trào nữ quyền Mỹ. Cuốn sách nổi tiếng của bà The Feminine Mystique (Bí ẩn nữ tính) xuất bản năm 1963 đã làm dấy lên làn sóng thứ hai của phong trào nữ quyền Mỹ trong thế kỷ 20.
Năm 1966, bà đồng sáng lập và là Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ Quốc gia (NOW).
Năm 1970, bà tổ chức cuộc bãi công phụ nữ toàn quốc đòi bình đẳng vào ngày 26-8, nhân kỷ niệm 50 năm Tu chính án sửa Hiến pháp đem lại cho phụ nữ quyền bầu cử. Cuộc bãi công thành công ngoài mong đợi trong việc mở rộng phong trào nữ quyền, chỉ riêng cuộc tuần hành do bà dẫn đầu tại TP New York đã thu hút hơn 50.000 phụ nữ và nam giới. Năm 1971, bà cùng các nhà hoạt động nữ quyền hàng đầu thành lập Hội kín chính trị phụ nữ quốc gia (NWPC). Bà là người ủng hộ mạnh mẽ Tu chính án quyền bình đẳng, được Quốc hội thông qua với số phiếu áp đảo ở cả 2 viện sau áp lực lớn của các nhóm nữ quyền dẫn đầu là NOW trong những năm 1970.
Các cuốn sách còn lại của Betty Friedan bao gồm: The Second Stage, It Changed My Life: Writings on the Women s Movement, Beyond Gender và The Fountain of Age. Tự truyện Life so Far của bà xuất bản năm 2000.
Năm 2013, bà cùng những phụ nữ khác là nhân vật chính trong Makers: Women Who Make America (Những phụ nữ tạo nên nước Mỹ), bộ phim tài liệu 3 phần dài 3 giờ của đạo diễn Barak Goodman về phong trào nữ quyền trong 5 thập niên cuối thế kỷ 20.
Năm 2014, tiểu sử của bà đã được đưa vào American National Biography Online (ANB). Năm 2014, tạp chí Glamour bình chọn bà vào danh sách "75 phụ nữ quan trọng nhất trong 75 năm qua".
Theo Lâm An/ SGGP