Cách biên giới Mỹ - Canada không xa có một địa điểm tên Oscar-6. Nếu mất đi hàng rào thép gai thì nơi đây có thể bị nhầm thành công trường xây dựng bỏ hoang cách thị trấn gần nhất đến 45 phút lái xe.
Bên dưới lớp cửa chống nổ, một trong số vũ khí mạnh nhất mà kho vũ khí Mỹ đang được cất giữ: tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III mang đầu đạn hạt nhân với vận tốc có thể lên đến hơn 24.000km/giờ.
Ở vùng nông thôn trên địa bàn bang Bắc Dakota tồn tại 150 cơ sở cất giữ, tất cả đều kết nối với căn cứ không quân Minot - nơi một nhóm nhỏ quân nhân luôn sẵn sàng nhận lệnh phóng tên lửa.
Mỹ sở hữu khoảng 400 quả Minuteman III được phân bố rải rác. Theo chỉ huy Phi đoàn Tên lửa 91 (đồn trú căn cứ Minot) James Schlabach: “Sức mạnh hủy diệt tiềm tàng của vũ khí như vậy rất lớn. Chúng tôi cần được mài giũa và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.
ICBM cùng tên lửa phóng từ máy bay ném bom chiến lược, tên lửa phóng từ tàu ngầm tạo thành bộ ba hạt nhân uy lực. Điểm phóng ICBM nằm trên đất liền, mỗi cơ sở cất giữ của Mỹ chứa 10 quả Minuteman III.
Sâu bên dưới cơ sở là một khoang nhỏ chỉ đủ chỗ duỗi người, được niêm phong sau cánh cửa lớn đóng suốt ngày đêm và có 2 quân nhân phụ trách theo dõi chặt chẽ, phòng trường hợp hầm chứa hay vũ khí xảy ra vấn đề.
“Khi mở cánh cửa lớn bước vào giống như một thế giới khác vậy. Lúc ngồi vào bảng điều khiển, chúng tôi luôn nhớ rằng bản thân đang nắm giữ tài sản quân sự trị giá hàng tỉ USD”, trung úy Evelyn McCoy chia sẻ.
Hai quân nhân chia sẻ giường, phòng tắm, tủ lạnh, lò vi sóng cả ngày với nhau. Khoảng thời gian thực hiện nhiệm vụ vô cùng nhàm chán và ít kết nối với bên ngoài. Trên mặt đất cũng có nhiều nhóm bảo vệ cơ sở, một nhóm đầu bếp chuẩn bị bữa ăn. Trong khoang điều khiển là 2 quân nhân khác.
Trung úy Joseph Cambio cho biết: “Công tác bảo trì hệ thống vũ khí được thực hiện hằng ngày. Chúng tôi có lực lượng bảo vệ, người ở lại căn cứ phụ trách huấn luyện lẫn nhóm y tế hỗ trợ”. Độ tuổi của các sĩ quan làm nhiệm vụ chưa bằng một nửa ICBM mà họ đang kiểm soát.
Minuteman III được triển khai lần đầu tiên vào năm 1970, chưa đầy một thập kỷ sau khủng hoảng tên lửa Cuba. Hoạt động sản xuất ICBM này đã kết thúc vào năm 1978. Số tên lửa mới nhất trong kho đã gần 50 năm tuổi, trải qua nhiều chương trình hiện đại hóa và cải tiến.
Mỹ dự định thay thế Minuteman III bằng Sentinel tân tiến mà chi phí thấp hơn. Nhưng tháng 7 vừa qua họ thừa nhận dự án thay thế sẽ tiêu tốn hơn 140 tỉ USD – vượt quá ngân sách lúc giao quả tên lửa mới đầu tiên đến 81%.
Mặc dù vậy dự án vẫn tiếp tục. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ William LaPlante lập luận rủi ro nếu không hiện đại hóa lực lượng hạt nhân quan trọng không kém vấn đề kiểm soát chi phí. Phe ủng hộ sản xuất Sentinel chỉ ra rằng Nga cùng Trung Quốc đang chạy đua hiện đại hóa vũ khí chiến lược của nước mình, bên cạnh đó còn có mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên và Iran.