Chiều 19.11, Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn" do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức đã bế mạc.
Hội thảo Biển Đông lần thứ 13 được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia đông đảo của trên 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, 90 đại diện từ ngoại giao đoàn, trong đó có 16 đại sứ và gần 500 đại biểu.
Điểm nhấn trong hội thảo năm nay là sự tham gia của nhiều chính khách từ Vương quốc Anh, Australia, Ấn Độ, Indonesia và Liên minh châu Âu (EU) với những phát biểu dẫn đề quan trọng ở các phiên đặc biệt. Hội thảo cũng dành riêng ba phiên thảo luận cho lãnh đạo trẻ từ các nước trên thế giới, trong khu vực và Việt Nam để tạo diễn đàn, chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực của thế hệ trẻ. Năm nay cũng là lần đầu tiên Hội thảo tổ chức các phiên bình luận theo dòng sự kiện với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về Biển Đông và quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Qua hai ngày thảo luận thẳng thắn, khoa học, cởi mở, thực chất, 8 phiên thảo luận đã tập trung vào nhiều vấn đề nhằm rút ra những bài học trong quá khứ từ đó đưa ra đề xuất hướng tới tương lai tươi sáng hơn tại Biển Đông. Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh quan hệ quốc tế có những bất ổn khó lường do hậu quả của đại dịch COVID-19 và cạnh tranh nước lớn, thời gian qua, tình hình tại Biển Đông và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, thu hút sự quan tâm của dư luận. Đó là sự gia tăng của hành vi đơn phương trên biển, xu hướng quân sự hóa, sử dụng các lực lượng bán quân sự, xu hướng tập hợp lực lượng trong khu vực (Đối thoại Tứ giác An ninh - QUAD, thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia - AUKUS) và sự chuyển hướng chiến lược của các nước và tổ chức quốc tế về khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương...
Các học giả tham dự hội thảo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng trật tự trên Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Nhiều học giả khẳng định vai trò phán quyết của Tòa Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông năm 2016 trong việc thu hẹp tranh chấp tại Biển Đông và làm rõ cơ sở pháp lý đối với một số vấn đề tại Biển Đông như hoạt động dầu khí, xác định đường cơ sở đối với thực thể trên Biển Đông, việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải tại khu vực.
Tuy nhiên, học giả Trung Quốc nhận định, UNCLOS 1982 chưa đầy đủ và còn nhiều điều khoản mập mờ, cần có thêm những dàn xếp khu vực khác để giải quyết các vấn đề cụ thể tại Biển Đông. Một số học giả khác cho rằng, cuộc tranh luận công hàm giữa các quốc gia về Biển Đông cho thấy đa số các nước ủng hộ việc sử dụng UNCLOS là cơ sở pháp lý toàn diện, duy nhất để xác định các yêu sách biển và thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia.
Từ góc độ lịch sử, các chuyên gia từ Trung Quốc, Anh, Pháp và Việt Nam đã thảo luận thẳng thắn, thực chất về các sự kiện, bằng chứng lịch sử liên quan đến tranh chấp Biển Đông và ý nghĩa của các dữ kiện lịch sử này với chủ quyền đối với Trường Sa - Hoàng Sa. Một số dữ kiện lịch sử mới được công bố qua quá trình nghiên cứu tài liệu lưu trữ cho thấy, tới năm 1899, triều đình phong kiến Trung Quốc vẫn khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc phạm vi quản lý của nước này. Ghi chép của thiền sư nổi tiếng Trung Quốc Xu Shillun khẳng định, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của triều Nguyễn. Đặc biệt, năm 2021 đánh dấu tròn 70 năm ký kết Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951, các học giả đã chia sẻ những nghiên cứu khẳng định Hiệp ước này không làm thay đổi hay tác động tiêu cực đến chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.
Đánh giá về tác động của đại dịch COVID-19 đối với vận tải hàng hải nói chung và vận tải hàng hải qua Biển Đông nói riêng, các học giả nhấn mạnh đến nhiều yếu tố gây đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí tăng cao, thiếu hụt lao động, các quy định về nhập cảnh, dịch tễ. Trong thời gian tới, chuỗi cung ứng ở khu vực và trên thế giới vẫn có nguy cơ tắc nghẽn nghiêm trọng. Tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2023 do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, căng thẳng gia tăng tại eo biển Đài Loan và Biển Đông, giá dầu tăng cao, cơ sở hạ tầng, logistic giữa các quốc gia còn yếu, thiếu đồng bộ.
Các đại biểu cũng thảo luận về những giải pháp đảm bảo khả năng phục hồi tuyến đường biển trong thời gian tới như tăng độ phủ vaccine, thay đổi chính sách đối phó với đại dịch, thống nhất các quy định phòng, chống dịch giữa các tổ chức quốc tế, giữa các quốc gia; đơn giản hóa thủ tục; đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường đối thoại chiến lược giữa các nước để giảm căng thẳng; đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và sự thông suốt trên biển.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển. Theo đó, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển được xem là ưu tiên cấp bách, chìa khóa giải quyết các vấn đề chung ở Biển Đông như đối phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhu cầu bảo vệ đa dạng sinh học biển. Hợp tác nghiên cứu khoa học biển đang đối mặt với những hạn chế từ rào cản tiếp cận thông tin dữ liệu, nhiều nước lạm dung khoa học vì mục tiêu chính trị... Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh tới tính chất khách quan, công khai của khoa học, đề xuất trong tương lai các quốc gia có thể cởi mở hơn trong chia sẻ dữ liệu, tăng cường nỗ lực tập thể, xây dựng các khuôn khổ khu vực phù hợp để hướng tới việc đảm bảo một đại dương trong lành và bền vững.
Các học giả cũng thảo luận về xu hướng ngày càng phổ biến và phát triển của công nghệ giám sát như: Hệ thống nhận dạng tự động (AIS), thiết bị giám sát hành trình (VMS) và viễn thám. Việc áp dụng các công nghệ này giúp minh bạch hóa thông tin hoạt động của tàu thuyền góp phần mở ra những khía cạnh mới về môi trường biển và tăng cường nhận thức các vấn đề trên không gian biển, trong đó có Biển Đông. Nhờ đó, các nước có thể phát hiện, xử lý các hành vi đánh bắt cá IUU, bảo vệ môi trường biển và quản lý thủy sản; đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải; giúp phát hiện, cảnh báo các nguy cơ có thể diễn ra trên biển. Các học giả nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ vào mục đích hòa bình; nâng cao tính minh bạch thông qua hệ thống thông tin đầy đủ, toàn diện, được đối chiếu và kiểm chứng từ nhiều nguồn khác nhau.
Trải qua hai ngày làm việc tích cực, trong không khí cởi mở, hữu nghị và thẳng thắn, các phát biểu khoa học trình bày tại Hội thảo đã nhận được hàng trăm lượt thảo luận, trao đổi, tương tác từ các đại biểu tham gia trực tuyến và trực tiếp. Các ý kiến, trao đổi về Biển Đông toàn diện, đa chiều và chất lượng, nhấn mạnh tới vai trò của luật pháp quốc tế và đối thoại giữa các nước nhằm giải quyết các bất đồng, tăng cường hợp tác tại khu vực.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tiến sỹ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá cao sự tham gia tích cực và nhiệt tình của các đại biểu trực tuyến và trực tiếp; cho rằng, các ý kiến trao đổi thẳng thắn, khoa học, có tính chất xây dựng. Tiến sỹ Phạm Lan Dung cho biết, các đề xuất, kiến nghị tại diễn đàn học thuật này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về duy trì hợp tác và hòa bình tại Biển Đông trong bối cảnh thế giới đang trải qua khó khăn của đại dịch và mỗi người dân đang phải thích ứng với trạng thái bình thường mới.