Từ đầu năm học 2015-2016, trẻ em tại nhiều trường tiểu học ở vùng ngoại ô TP.Đà Nẵng đã được học bơi ngay tại trường. Những chiếc bể bơi di động nhỏ bằng khoảng hiên nhà đã hiện thực hóa ước mơ được học bơi của trẻ em vùng khó.

Bể bơi của học trò ngoại ô Đà Nẵng

01/12/2016, 05:11

Từ đầu năm học 2015-2016, trẻ em tại nhiều trường tiểu học ở vùng ngoại ô TP.Đà Nẵng đã được học bơi ngay tại trường. Những chiếc bể bơi di động nhỏ bằng khoảng hiên nhà đã hiện thực hóa ước mơ được học bơi của trẻ em vùng khó.

Học trò vùng ngoại ô Đà Nẵng dễ bị tổn thương trong mùa mưa lũ hơn cả. Trong ảnh là lớp học bơi ở Trường tiểu học số 2 xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang)

Tại Trường tiểu học số 2 Hòa Liên (huyện Hòa Vang), một bể bơi có mái che được lắp đặt ngay trong khuôn viên trường. Bể bơi cao chừng 0,8m và có diện tích 5x10m, đươc trang bị thêm máy lọc nước, hút cặn, nhà tắm… Xung quanh khoảng sân có hồ bơi, có khu vực tắm tráng, thay đồ được rào chắn cẩn thận. Vào đầu tiết học thứ 4 của buổi chiều, học trò khối lớp 4 và 5 của trường lại chuẩn bị cho tiết “xuống nước”, đứng lớp là các thầy giáo thể dục của trường.

“Đây là tiết học con mong đợi nhất tuần. Học trên lớp con phải mang theo sách vở, bút. Cô giáo còn kiểm tra bài nhưng xuống đây con chỉ mang mỗi kính lặn rồi tha hồ đạp nước. Con coi cô Ánh Viên trên ti vi nên rất thích được học bơi”- em Trương Trần Quỳnh Như, một học em học sinh lớp 5 bơi thành thục trong lớp cười kể.

Tốp học trò đầu tiên, mang xong đồ bơi nhanh chóng vào khu vực để khởi động. Các em được chia thành hai nhóm nam nữ riêng. Sau tiếng hô: “Lặn ngụp!”, cả lớp liên tục hụp mặt xuống nước rồi lại trồi lên, rất chuyên nghiệp. Trong khi nhóm học sinh nam ở đầu bể bơi liên tục quẫy đạp, ngụp lặn rồi thi thố các kiểu bơi làm nước bắn tung tóe. Nhóm trò nữ hiền hơn, đứng tựa đầu vào thành bể ôm phao luyện bài tập nổi ngửa. Đến bài lướt nước, thầy trò lại chia ra hai phía, trò từ bờ bên này lướt sang bờ bên kia, thầy phát hiện ai sai là sửa liền.

Thầy Ngô Văn Bình, giáo viên dạy bơi của trường cho biết thời điểm mới bắt đầu dạy bơi, nhiều học trò nhát nước. Nhiều em hơn 10 tuổi nhưng chưa một lần được tắm ở bể bơi lớn hoặc tắm biển nên thầy cô cứ bảo hụp xuống là các em ré lên. “Theo giáo trình, các em sẽ được học từ khâu làm quen với nước, tập nổi rồi bơi đánh chân, đánh tay mới hoàn thiện động tác. Đến bây giờ hơn một tháng được học, nhiều em dạn nước đã bơi được. Còn lại đa số đã biết kỹ năng tự nổi. Em nào cũng dạn dĩ đến nỗi, bữa học nào tụi tui cũng khản cổ vì tụi nhỏ… quậy quá”- thầy Bình tự hào.

Thầy Bình cho các khóa học bơi bắt đầu cuối buổi chiều các ngày trong tuần, riêng thứ 7 và chủ nhật học trò học cả ngày. Một lớp có 12 học sinh với hai giáo viên kèm cặp. Trong tháng đầu tiên bắt đầu chương trình, các thầy cô ưu tiên cho học trò lớp 5 vì các em sắp ra trường. Thầy Bình cho biết mỗi khóa học kéo dài 20 tiết, sau khi kết thúc nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra để đánh giá khả ứng phó đuối nước của các em. “Vì điều kiện học bơi trong bể nhỏ nên chắc chắn các em sẽ không thể bơi theo kiểu thành tích. Ngoài học bơi, các em được trang bị các kỹ năng bơi để tránh đuối nước, cách “cầm cự” trong khoảng thời gian nhất đinh trước khi có người tới cứu”, thầy Bình nói thêm.

Trong khi đó, tại Trường tiểu học xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), lịch học bơi dành cho cả khối 4-5 đã được phụ huynh đăng ký kín mít. Cô Mạc Thị Hòa, hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Ninh chia sẻ: “Trước đây trong những chương trình trang bị kỹ năng cho học sinh, khi nói tới kỹ năng phòng chống đuối nước, giáo viên chỉ biết khuyên các em tránh xa ao hồ, sông suối nguy hiểm. Vì không có hồ bơi tiêu chuẩn và không gian nên không biết lấy đâu cơ sở để thực hành các tình huống dưới nước.

Khi đó một số trường ở trung tâm thành phố đã được các tổ chức tài trợ hồ bơi di động, các thầy cô đều rất thèm thuồng mong muốn học trò của mình cũng có cơ hội tiếp cận học bơi. Tuy nhiên vì ở xa trung tâm, hơn nữa gia đình các em phần lớn khó khăn không có điều kiện cho đi học, trong khi đó học trò vùng nông thôn là đối tượng dễ bị tổn thương đuối nước hơn ở thành phố. Bây giờ các khóa học được đào tạo theo giáo trình bài bản, các em có kỹ năng bơi, mình cũng an tâm hơn”- cô Hòa nói.

Đầu năm học 2016-2017, UBND TP.Đà Nẵng đã ưu tiên đầu tư lắp đặt các bể bơi di động cho các trường ở 6 xã thuộc địa bàn khó khăn của huyện Hòa Vang và các phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), Hòa Phát và Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) để dạy bơi miễn phí cho học sinh. Đây đều là những vùng ngoại ô còn khó khăn, một số nơi còn xảy ra tình trạng ngập lụt vào mùa mưa.

Tú Viên – Đăng Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bể bơi của học trò ngoại ô Đà Nẵng