BS Dương Minh Tâm cho rằng người mẹ nghi sát hại con 33 ngày tuổi tại Thạch Thất, Hà Nội không phải mắc trầm cảm mà bị loạn thần sau sinh.

Bé 33 ngày tuổi chết: Có thể mẹ bị loạn thần chứ không phải là trầm cảm sau sinh

16/06/2017, 08:47

BS Dương Minh Tâm cho rằng người mẹ nghi sát hại con 33 ngày tuổi tại Thạch Thất, Hà Nội không phải mắc trầm cảm mà bị loạn thần sau sinh.

TS Dương Minh Tâm - Ảnh: T.Hạnh

Nghi án người mẹ trẻ ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội sát hại con trai 33 ngày tuổi khiến dư luận không khỏi giật mình, xót xa, nhất là khi nghi phạm Phan Thị Trinh được cho là mắc trầm cảm, có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực.

Tại cơ quan điều tra, Trinh khai 2h sáng ngày 12.6 tỉnh dậy, cảm thấy đau đầu, mất kiểm soát rồi bế con từ phòng ngủ ra gần cầu thang. Thấy có chậu nhựa hàng ngày tắm cho con đầy nước, Trinh liền thả sấp con vào trong chậu.

Theo dõi toàn bộ vụ việc, TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai nhận định, nghi phạm không mắc bệnh trầm cảm mà bị loạn thần sau sinh.

TS Tâm cho biết, trầm cảm sau sinh và loạn thần sau sinh khác nhau về bản chất. Theo thống kê của BV Từ Dũ, TP.HCM năm 2013, tỉ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh chiếm 5,1%, loạn thần sau sinh 0,5%.

Trầm cảm thường muốn chết cùng con

Trầm cảm diễn tiến âm thầm, kéo dài, thường có biểu hiện mệt mỏi, chán chường, bi quan, tiêu cực, thường nghĩ đến những gì xấu nhất như nghĩ mình không chăm con được, mọi việc do mình mà ra...

Bệnh nhân trầm cảm không làm gì cũng mệt, mệt khác do mệt khi làm việc hay mệt do ốm đau. Kèm theo đó là bệnh nhân giảm tập trung, trí nhớ thay đổi, ngủ ít hoặc ngủ nhiều.

Đặc biệt bệnh nhân giảm mọi nhu cầu ăn, chơi, tình dục, không thiết nói chuyện...

Bệnh nhân cũng hay tức tối, cáu gắt hoặc thu mình lại, hay có phản xạ sợ tiếng động, ánh sáng mạnh, sợ chỗ đông người. Tự thấy mình yếu hơn, thấy nhiều triệu chứng cơ thể hay ngột ngạt khó thở, đau tim, run chân tay, vã mồ hôi, đau dạ dày...

Các triệu chứng sẽ diễn tiến nặng dần lên. Ở những giai đoạn nhẹ, người bệnh chỉ có biểu hiện giảm khí sắc, mệt mỏi nên dễ bị bỏ qua.

Do mọi thứ là cảm nhận nên trí tuệ của bệnh nhân trầm cảm hoàn toàn tỉnh táo, mọi chuyện đều nhận thức được.

Người bệnh cố gắng thoát nỗi buồn, ức chế, trì trệ của mình nhưng không làm được nên xuất hiện ý tưởng chán sống, muốn tự sát. Ý tưởng này thường rất sâu sắc, được cân nhắc rất kỹ, đấu tranh tư tưởng rất dài. Chờ khi nào không vượt qua được mới thực hiện tự sát.

Vì nghiên cứu rất kỹ phương thức tự sát, do đó người trầm cảm thường tự sát thành công.

Những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh không muốn người thân như bố mẹ, chồng, con khổ, muốn người thân đi cùng nên thường sát hại người thân trước rồi mình mới tự sát.

TS Tâm cho biết, tại Viện từng điều trị cho một trường hợp bà mẹ tại Hà Nội bị trầm cảm sau sinh, quấn dây điện vào người 2 mẹ con rồi cắm điện tự tử, nhưng con 3 tháng tử vong, còn mẹ được cứu sống.

Loạn thần thường bị xui khiến

Đối chiếu với trường hợp của nghi phạm Trinh, mọi triệu chứng không phù hợp với trầm cảm sau sinh. Người mẹ vẫn ăn ngủ bình thường, để lại những câu chữ hận thù không hoàn chỉnh.

“Trường hợp này tôi nghĩ nhiều đến loạn thần sau sinh, nhất là khi công an cho biết có bị xui khiến, chi phối”, TS Tâm nhận định.

Loạn thần sau sinh gồm loạn thần hưng cảm và loạn thần cấp.

Biểu hiện lâm sàng của loạn thần thường là rối loạn tư duy và ảo giác. Nội dung thường là những hoang tưởng, không có mà nghĩ là có, như tưởng tượng có người theo dõi, có người gắn chíp vào đầu để điều khiển...

Với ảo giác, hay gặp nhất là ảo thanh, trong đầu có nhiều tiếng nói chê bai, bình phẩm bệnh nhân, xui khiến bệnh nhân (rất nguy hiểm, xui giết người, đốt nhà, tự sát...).

Người bệnh sẽ đấu tranh với điều khiển đó, trường hợp 1 tỉnh táo, trường hợp 2 là bị chi phối điều khiển.

Tuy nhiên loạn thần sau sinh xảy rất thất thường, không sâu sắc như trầm cảm sau sinh.

Loạn thần sau sinh cũng dễ phát hiện hơn trầm cảm, bệnh nhân có những thay đổi thất thường, mọi hành vi, ngôn ngữ, hành động biến đổi theo, biến họ thành con người khác, đến điệu cười cũng khác, thái độ khác thường.

Về điều trị trầm cảm, ngoài thuốc, liệu pháp tâm lý (gia đình, nhận thức hành vi, giao tiếp, hoạt động), kích thích từ xuyên sọ, sốc điện. Với loạn thần, chỉ can thiệp bằng thuốc an thần.

Với trường hợp nghi phạm ở Thạch Thất, TS Tâm cũng không loại bỏ trường hợp sát hại con do tâm lý nhất thời vì mâu thuẫn.

“Nếu loạn thần thì không thể hết ngay được, và sẽ ngày càng nặng hơn. Do đó rất dễ phát hiện khi giám định”, TS Tâm cho hay.

Theo Thúy Hạnh/VietNamNet

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bé 33 ngày tuổi chết: Có thể mẹ bị loạn thần chứ không phải là trầm cảm sau sinh