Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp dường như chỉ là trận chung kết sớm giữa bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron.

Bầu cử Pháp: Cuộc đua song mã của 2 người theo chủ nghĩa thế tục

25/03/2017, 06:15

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp dường như chỉ là trận chung kết sớm giữa bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron.

Hai ứng cử viên Macron và Le Pen trong cuộc tranh luận trên đài truyền hình Pháp ngày 21/3. (Nguồn: WSJ)

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 là cuộc bầu cử đáng chú ý nhất trong lịch sử gần đây của nền Cộng hòa thứ 5. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1965, không ứng cử viên nào của các đảng lớn lọt vào vòng bầu cử cuối cùng. Hai ứng cử viên dẫn đầu các cuộc thăm dò là lãnh đạo của các đảng phái chính trị mà trước đó chưa bao giờ tham gia chính phủ ở cấp độ quốc gia.

Bơi ra biển lớn

Bà Marine Le Pen đã lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận quốc gia kể từ năm 2015. Kể từ đó, bà tập trung vào 2 vấn đề: phản đối nhập cư và Liên minh châu Âu (EU).

Luận điệu này đã thu hút sự ủng hộ trung thành và gia tăng từ cử tri, nhưng lập trường cực đoan của đảng này cũng hạn chế khả năng thu hút cử tri từ các đảng chính trị khác. Hơn nữa, đảng Mặt trận quốc gia vốn có ít thành công trong việc hình thành các liên minh lãnh đạo với các đảng truyền thống hơn thuộc phe trung hữu. Vì vậy, trước đây đảng Mặt trận quốc gia mới chỉ giành chiến thắng trong một số ít cuộc bầu cử địa phương, tham gia một vài chính quyền khu vực và chưa bao giờ được xem xét mời tham gia bất cứ chính phủ quốc gia nào.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử lần này lại khác biệt. Hiện bà Marine Le Pen đang dẫn trước đối thủ gần nhất của bà với tỷ lệ ổn định là 5% tới 6%. François Fillon, ứng cử viên chính thức của đảng Những người Cộng hòa, đang vướng vào các cáo buộc lạm dụng quỹ công và đánh mất sự ủng hộ từ chính đảng của ông. Trong khi đó, ứng cử viên chính thức của đảng Xã hội cầm quyền, Benoit Hamon, dường như không còn được coi là một đối thủ cạnh tranh.


Bà Marine Le Pen trong một bài phát biểu tại Paris, ngày 2/3. (Nguồn: Reuters)

Hiệp sĩ đơn độc

Người còn lại, ứng cử viên của đảng trung tả Emmanuel Macron nhiều khả năng sẽ đối đầu với bà Le Pen ở vòng hai. Với tỷ lệ ủng hộ ngang ngửa so với bà Le Pen, ông Macron hiện đang hưởng lợi từ một sự chia rẽ trong đảng Xã hội cầm quyền mà ông từng phục vụ với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế. Cuộc đua vẫn có thể thay đổi nếu đảng Những người Cộng hòa thành công trong việc tìm được người thay thế ông Fillon (người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này), nhưng điều này dường như khó có thể xảy ra, do ông Fillon có vẻ đã quyết định tranh cử chống lại “giới tinh hoa” trong đảng của mình.

Khi đối mặt với Marine Le Pen của đảng Mặt trận quốc gia, người hiện được cử tri ủng hộ mạnh mẽ hơn nhiều so với cha bà 15 năm trước, nhiều khả năng các chính trị gia của cả đảng Xã hội lẫn Những người cộng hòa sẽ bắt đầu đi theo hướng cởi mở hơn với ông Macron. Tuy vậy, trong số các thành viên bình thường của cả 2 đảng lớn, cựu Bộ trưởng Kinh tế của đảng Xã hội đối mặt với một sự ngờ vực lớn. Hiện niềm tin của công chúng Pháp vào các đảng phái chính trị đang ở mức thấp nhất là 8%; không ứng cử viên nào kể từ thời de Gaulle có thể giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử Tổng thống mà không có sự ủng hộ của một đảng lớn. Hơn nữa, cử tri Pháp có xu hướng trung thành với đảng của họ.


Ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Hai con đường, một giấc mơ

Về quan điểm chính trị, bà Le Pen cho rằng toàn cầu hóa là gốc rễ các vấn đề của Pháp. Bà ủng hộ việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Pháp trong EU, liên minh mà bà muốn rút khỏi và rút khỏi bộ chỉ huy quân sự hợp nhất NATO.

Ông Macron thì lại cho rằng các rắc rối của đất nước như là một triệu chứng của sự bất ổn chính trị và thể hiện một sự thiếu kiên nhẫn với giới cầm quyền. Ông Macron coi việc hợp tác với EU là một lợi thế quan trọng và là phương thức hiệu quả nhất để bảo vệ Pháp, cả về chính trị lẫn kinh tế. Ông mong muốn xây dựng một châu Âu hùng mạnh hơn về kinh tế, tạo ra việc làm và bảo vệ các khu vực kinh tế chiến lược.

Khác với bà Le Pen khai thác mạnh mẽ chủ đề nhập cư, ông không đả động gì đến vấn đề này, cho dù ông kêu gọi có quyết định nhanh chóng hơn về các yêu cầu xin tị nạn và những người bị từ chối tị nạn sẽ nhanh chóng bị trục xuất.

Điều đáng ngạc nhiên là có nhiều điểm trùng khớp trong chương trình nghị sự của hai ứng cử viên này. Họ đều thống nhất về việc có hành động mạnh mẽ hơn của chính phủ để thúc đẩy đoàn kết quốc gia và hội nhập. Cả hai ứng cử viên đều gắn chủ nghĩa thế tục Pháp, hay laïcité, với an ninh và sự khôi phục quyền lực nhà nước. Ông Macron và bà Le Pen đều kêu gọi có một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giảm thuế, củng cố nhà nước phúc lợi, ủng hộ thúc đẩy các giá trị văn hóa cốt lõi thông qua hệ thống giáo dục, cũng như việc quảng bá tiếng Pháp. Họ cũng ủng hộ việc tăng số lượng nhân viên cảnh sát và quân nhân.

Mỗi ứng cử viên đều đã giải quyết vấn đề quyền phụ nữ nhưng với quan điểm khác nhau, với ông Macron thiên về bảo vệ bình đẳng tiền lương lẫn đấu tranh chống lại mọi hình thức quấy rối. Le Pen lại hứa hẹn sẽ bảo vệ phụ nữ trước chủ nghĩa Hồi giáo chính thống.

Cả hai chương trình đều không giải quyết vấn đề cân bằng ngân sách quốc gia, và chỉ có Macron đề cập một cách mơ hồ tới “trách nhiệm ngân sách”.

Ngoài ra, cả hai ứng cử viên đều chuẩn bị rất kĩ cho cuộc bầu cử lần này, thông qua việc xây dựng bộ máy tranh cử mạnh mẽ. Trong nhiều năm qua, đảng Mặt trận quốc gia đã mở rộng mạng lưới quan chức địa phương khu vực của mình. Phong trào của Macron hiện khẳng định họ có hơn 200.000 thành viên đã đăng ký, được tuyển mộ trong chưa tới 1 năm, nhiều hơn so với đảng Xã hội đang mất tinh thần. Cả hai, dù có những tư tưởng chính trị khác biệt, đều đã chuẩn bị rất kĩ càng cho cuộc đua này.


Khả năng chiến thắng của các ứng cử viên Tổng thống Pháp. (Nguồn: ZeroHedge)

Chiến thắng không là tất cả

Dù ông Macron hay bà Le Pen chiến thắng đi chăng nữa, họ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thành lập chính quyền. Do cả hai đều không đại diện cho một đảng phái lãnh đạo lớn, các đảng của họ sẽ khó có thể đạt được một đa số trong Quốc hội sau cuộc bầu cử nhánh lập pháp vào tháng 6.2017.

Nếu các cuộc thăm dò là chính xác và ông Macron giành chiến thắng, đảng của ông có thể sẽ phải liên minh với đảng Xã hội, với Thủ tướng là người của đảng liên minh.

Tuy nhiên, nếu đảng Mặt trận quốc gia đạt được thành công đáng kể trong cuộc bầu cử Quốc hội và đảng Những người cộng hòa giành được một số lượng lớn ghế ở vòng 2, liên minh của ông Macron có thể cần tới sự ủng hộ của đảng cánh hữu Những người cộng hòa để có thể lãnh đạo đất nước. Dưới sự dàn xếp này, quyền lực lãnh đạo có thể vẫn sẽ nằm trong tay Tổng thống, nhưng ông sẽ bị suy yếu do thiếu một đa số ổn định thuộc phe mình. Trong một trường hợp như vậy, người ta chưa rõ Macron có thể thực sự đưa nước Pháp “tiến lên” như thế nào.

Minh Quân (Thế Giới và VN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bầu cử Pháp: Cuộc đua song mã của 2 người theo chủ nghĩa thế tục