Báo Russia beyond the headlines ‘bật mí’ nơi chính phủ Tổng thống Putin giấu vàng dự trữ là trong một nhà kho của Ngân hàng trung ương Nga (RCB) ở Moscow.

Tổng thống Putin giấu vàng dự trữ ở đâu?

20/03/2017, 22:18

Báo Russia beyond the headlines ‘bật mí’ nơi chính phủ Tổng thống Putin giấu vàng dự trữ là trong một nhà kho của Ngân hàng trung ương Nga (RCB) ở Moscow.

Tổng thống Putin kiểm tra một thỏi vàng - Ảnh Russia Insider.com

RCB cho biết tổng số vàng dự trữ là 1.614, 27 tấn, tăng hơn 15 % so với năm 2016.

2/3 số vàng quốc gia được cất giữ trong một nhà kho của RCB ở Moscow. Số còn lại được cất giữ ở hai thành phố St. Petersburg và Yekaterinburg. Chúng được đúc thành các thỏi vàng nặng từ 100 gram đến 14 kg.

Theo tờ báo Nga, thông tin về những nơi cất giữ vàng dự trữ được giữ bí mật tối đa. Nhưng cũng có tin đồn rằng một kho trữ nằm trên đường Pravda ở trung tâm thủ đô Moscow.

Điều trớ trêu là con đường này có nhiều trụ sở của giới truyền thông Nga, nhưng giới này lại không được biết đến những bí mật đang ở sát gần họ.

Năm 2011, khi còn là Thủ tướng Nga, ông Vladimir Putin đã đi thị sát một kho trữ vàng có diện tích 17.000 mét vuông, nhưng thông tin chi tiết chuyến thị sát này được giữ kín.

Tổng thống Putin được ghi nhận là người chỉ đạo tăng cường dự trữ vàng,vì ông nhận định vàng và ngoại tệ dự trữ là sự bảo đảm cho sự độc lập tài chính của nước Nga.

Vào lúc kinh tế toàn cầu bất ổn, các chuyên gia nhận định tích cực về quyết tâm tăng trữ vàng của Nga.

Nhà kinh tế học Anton Tabakh ở Đại học kinh tế nói: “Khi giá vàng thấp, các chính phủ đều tăng số vàng dự trữ, và điều này thường vì các lý do lịch sử và truyền thống”.

Konstantin Sakharovsky, người có nhiều năm làm việc ở Công ty bán lẻ kim hoàn quốc gia, đã kết nối nhu cầu trữ vàng tăng với những rủi ro chính trị liên quan việc ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ.

Ông nói dưới thời chính phủ mới ở Mỹ, vàng sẽ càng có ý nghĩa nhiều hơn: “Việc tăng nguồn vàng dự trữ là một quyết định đúng trong tình hình kinh tế-chính trị hiện nay. Ông Trump rất khó lường.Có thể sẽ xảy ra một đợt cấm vận mới và niêm phong tài sản Nga. Vàng sẽ giúp Nga bảo tồn số tài sản.

Dĩ nhiên còn có những vấn đề liên quan một khả năng vàng rớt giá, nhưng tất cả những vấn đề này đều có thể ngăn chặn được”.

Ông Trump cũng đã gợi ý cần kiểm toán để xác định Mỹ thật sự có bao nhiêu vàng dự trữ.

Trong khi đó, dân Đức bắt đầu lo ngại về số vàng dự trữ quốc gia được cất giữ bên Mỹ từ hàng chục năm qua. Họ cho rằng cần phải đem số vàng này về Đức.

Vàng dự trữ Nga qua các thời lãnh đạo

Ngày xưa, các Sa hoàng mời các nước khác nhờ Nga trữ vàng hộ. Ví dụ hồi Thế chiến 1, Hoàng gia Rumani sợ Đức chiếm đóng nên quyết nhờ đồng minh Nga trữ hộ tổng cộng 95 tấn vàng dự trữ.

Theo báo Russia beyond the headlines, dù có lời hứa sẽ trả số vàng này cho nhân dân Rumani, nhưng Điện Kremlin hoàn toàn không tin tưởng vị lãnh đạo Nicolae Ceaușescu, nên Liên Xô không vội thực hiện lời hứa. Mãi đến năm 2008, số vàng dự trữ cuối cùng mới được trả về Rumani.

Mặt khác,chính quyền Cách mạng Nga cũng nhanh chóng sử dụng số vàng dự trữ của Sa hoàng để mua lương thực, thiết bị công nghiệp, nên năm 1928 chỉ còn khoảng 150 tấn vàng dự trữ trong kho vàng Liên Xô.

Nhưng dưới thời lãnh đạo Stalin, nguồn vàng dự trữ của Liên Xô tăng đáng kể, vì ông Stalin nhận định vàng dự trữ là trụ cột cho chủ trương đẩy nhanh công nghiệp hóa của nền kinh tế Liên Xô.

Ông Stalin ra lệnh trữ 2.500 tấn vàng, nhưng đến thời lãnh đạo Nikita Khrushchev thì giảm xuống còn 1.600 tấn, và đến thời ông Leonid Brezhnev còn 437 tấn.

Hai nhà lãnh đạo Liên Xô kế tiếp, các ông Yuri Andropov và Chernenko cùng tăng số vàng dự trữ quốc gia lên 719 tấn, nhưng dưới thời ông Mikhail Gorbachev, đến tháng 10.1991 thì tổng số vàng dự rữ chỉ còn 290 tấn.

Ngày nay, Nga đứng hạng sáu thế giới về vàng dự trữ, với tổng số vàng dự trữ là 1.614, 27 tấn, tăng hơn 15 % so với năm 2016. RCB hiện là một trong những nơi mua nhiều vàng nhất thế giới, hồi tháng 2-2016 đã mua hơn 10 tấn vàng.

Vàng chìm dưới hồ Baikal ?

Từ thời các Sa hoàng trị vì, người Nga đã thích trữ vàng. Các Sa hoàng dùng vàng để củng cố đồng tiền quốc gia. Năm 1884, Đế chế Nga có được số vàng dự trữ lớn nhất, trị giá 800 triệu rúp.

Trước năm 1914, số vàng dự trữ này lớn nhất thế giới, nặng tổng cộng 1.400 tấn. Nhờ có nhiều vàng như thế, Bộ trưởng Tài chính Sergei Witte có thể tiến hành các chương trình cải cách tiền tệ,mà kết quả là việc công bố tiêu chuẩn vàng vào năm 1897.

Thế chiến 1 rồi Cách mạng tháng 10 Nga khiến số vàng dự trữ này được rút ra để có thể đi vay các ngân hàng nước ngoài.

Trước đó hồi Thế chiến 1, do sợ Đức chiếm được số vàng dự trữ, Sa hoàng Nicholas II cho chuyển 500 tấn vàng từ St Petersburg về Kazan.

Sau Cách mạng tháng 10.1917, một phần số vàng của Sa hoàng Nicolas II được quân của Đô đốc Alexander Kolchak chuyển đến Siberia, lúc họ phải tháo chạy khỏi cuộc tấn công của quân cách mạng (sau đó, Sa hoàng và gia đình bị hành quyết ngày 16-7-1918).

Theo một số nhà nghiên cứu Nga thì “Vàng của Kolchak” nặng khoảng 60 tấn, ngày nay trị giá 650 triệu rúp, được đựng trong 5.000 hộp và 1.700 túi và quân Bạch Nga phải chở bằng 40 toa xe.

Truyền thuyết kể quân Bạch Nga đã chuyển chúng lên xe lửa để vượt hồ Baikal vốn đóng băng trong mùa đông. Nhưng đoàn xe quá nặng nên đã chìm xuống hồ.

Trong thực tế, hồ này vào mùa đông vẫn là đường giao thông, như trong cuộc chiến Nga-Nhật (1904-1905) có tuyến đường ray trải dài trên lớp băng dày 1 m.

Theo báo Daily Mail (Anh) hồi năm 2010,tàn tích của đoàn xe và đạn dược đã được tìm thấy dưới hồ.

Năm 2013, Nga cho một chiếc tàu ngầm mi-ni MIR-2 lặn xuống hồ nước ngọt sâu nhất và xưa nhất thế giới này để nghiên cứu hệ sinh thái, nhưng Daily Mail cho rằng nó đi tìm số vàng trị giá 50 tỷ bảng Anh bị chìm.

Tờ báo dẫn nguồn tin của tờ Moscow News (Nga) vốn chạy tít “Vàng thất lạc của Bạch Nga tìm thấy ở hồ Baikal”, và thuật rằng MIR-2 đã tìm được “những khối kim loại giống như vàng” ở khoảng cách 400 m dưới hồ, tổ lái 3 người của MIR-2 đã dùng “cánh tay” của tàu ngầm để “lượm những đồ vật lóng lánh” nhưng không được.

Tờ báo Anh cũng nêu MIR-2 đã xác định đúng vị trí và đã lên kế hoạch xác minh có đúng là vàng, mà nếu đúng thì tìm cách đem vài mẫu lên khỏi mặt hồ.

Nếu đúng là tìm được kho vàng, có thể xảy ra tranh chấp giữa chính phủ Nga với hậu duệ của Sa hoàng Nicholas II cùng các nước khác (gồm Anh) vốn có thể cãi rằng dòng họ Romanov của Sa hoàng mắc nợ họ rất nhiều.

Theo tờ Spiegel (Đức), quân Tiệp Khắc chiến đấu cạnh quân cách mạng Nga đã nộp số vàng trị giá 410 triệu rúp cho Moscow trước khi rút về nước.

Giáo sư Vladlen Sirotkin thuộc Đại học Nhân văn Nga, là người có nhiều đầu sách viết về “Vàng của Kolchak”. Ông nói một số ít vàng dự trữ này vẫn còn ở Nga, đa phần thì được chuyển qua Nhật để mua vũ khí nhưng lại không được giao hàng.

Cũng có giả thiết quân Bạch Nga đã đem số vàng gởi vào các ngân hàng ở Anh và Nhật, hoặc quân Tiệp Khắc đã đem tất cả số vàng về nước, nên nước này phát triển trong những năm 1920.

Title

+Đô đốc Kolchak thì bị quân cách mạng Nga bắt và bị xử tử hồi đầu năm 1920. Năm 2008, ông ta được đưa lên màn bạc Nga bằng phim “Đô đốc”.

+ Truyền thuyết kể Đô đốc Kolchak từng là anh hùng trong Thế chiến 1 và sau Cách mạng tháng 10 đã chỉ huy quân Bạch Nga chống các chiến binh của Lenin.

+ Trong một trận đánh lớn năm 1919, ông ta đẩy đối phương về Kazan gần Moscow và chiếm nhiều kho trữ vàng của Nga.

Kim Hương (tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Putin giấu vàng dự trữ ở đâu?