Bạo lực tại thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon đã lắng dịu nhưng chính phủ nước này không có dấu hiệu gì thể hiện quyết tâm giải quyết sự bất bình tiềm ẩn vốn khiến bạo loạn bùng lên trong những ngày qua.
Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare hướng sự chú ý khỏi vấn đề trong nước bằng cách đổ lỗi nước ngoài can thiệp và kích động lực lượng biểu tình, dường như ám chỉ Đài Loan và Mỹ: “Sức ép từ bên ngoài gây ảnh hưởng rất lớn. Tôi không muốn nêu đích danh, chúng tôi dừng ở đây”.
Khu người Hoa cùng khu trung tâm Honiara hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc biểu tình biến thành bạo loạn vừa qua. Lực lượng biểu tình yêu cầu Thủ tướng Sogavare từ chức.
Thủ tướng Sogavare bị nhiều nhân vật lãnh đạo chính quyền đảo Malaita (đảo lớn nhất của Solomon) chỉ trích mạnh mẽ vì quyết định cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chuyển sang lập quan hệ với Trung Quốc đại lục năm 2019. Điều này đã tạo ra cảm giác bất mãn ở đảo Malaita, nơi tập trung hơn 1/3 dân số của Quần đảo Solomon.
Theo học giả Jonathan Pryke - giám đốc chương trình đảo Thái Bình Dương tại Viện Lowy, đó chỉ là loạt vấn đề bùng nổ vài năm gần đây trong nhiều thập kỷ đối đầu giữa đảo Malaita và đảo Guadalcanal - nơi thủ đô Honiara tọa lạc. Quan hệ giữa Malaita và chính quyền trung ương đã suýt dẫn đến nội chiến vì vấn đề sắc tộc.
“Hầu hết nguyên nhân thúc đẩy căng thẳng đều đã tồn tại ở Quần đảo Solomon qua nhiều thập kỷ và nhiều thế hệ, chủ yếu sinh ra từ nghèo đói, cơ hội phát triển kinh tế hạn chế, đối đầu sắc tộc giữa 2 đảo đông dân nhất”, học giả Pryke cho biết.
Bạo loạn nổ ra ngày 24.11 từ một cuộc biểu tình ôn hòa với lực lượng chính là người đến từ Malaita bất bình với chính phủ. Cảnh sát bắn hơi cay cùng đạn cao su, người biểu tình sau đó phóng hỏa tòa nhà quốc hội, đồn cảnh sát…
Người biểu tình tiếp tục xuống đường vào ngày 25 và 26.11 bất chấp lệnh phong tỏa mà Thủ tướng Sogavare đưa ra. Lực lượng Phòng vệ Úc (ADF) được phái đến ứng cứu.
Quyết định “bỏ Đài theo Trung” năm 2019 với hy vọng Trung Quốc sẽ đem lại nguồn tiền đầu tư khổng lồ đổ vào cơ sở hạ tầng. Nhưng rồi dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến chẳng có điều gì thành hiện thực cả.
Malaita từng dọa trưng cầu dân ý đòi li khai vì quyết định “bỏ Đài theo Trung”, tuy nhiên nhanh chóng bị chính phủ trung ương ngăn cản. Thủ tướng Sogavare ngày 26.11 lên tiếng bảo vệ quyết định lập quan hệ với Trung Quốc, đồng thời tuyên bố nguyên nhân duy nhất kích động bạo lực là sự ảnh hưởng của nước ngoài.
Theo học giả Pryke, ngoài yếu tố địa chính trị, những cuộc biểu tình còn bắt nguồn từ tâm lý thất vọng vì thiếu cơ hội của phần lớn nhóm dân số trẻ và việc của cải đất nước tập trung quá nhiều cho thủ đô. Ông nói: “Họ đến Malaita vì họ có quá ít cơ hội kinh tế. Solomon là một nước nghèo với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao. Cuộc biểu tình cho thấy tình hình ở một quốc gia luôn biến động dễ mất kiểm soát như thế nào”.
Nhà báo địa phương Gina Kekea cho rằng quyết định “bỏ Đài theo Trung” dù gần như không trưng cầu ý kiến người dân là một trong những yếu tố dẫn đến biểu tình. Bên cạnh đó, vấn đề nhức nhối khác là việc doanh nghiệp nước ngoài không sử dụng lao động tại chỗ.
“Doanh nghiệp Trung Quốc cùng nhiều doanh nghiệp châu Á khác chiếm hết hầu hết mọi công việc, đặc biệt trong khai thác tài nguyên”, nhà báo Kekea cho biết thêm.