Hôm nay, 10.2, các lực lượng Nga bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 10 ngày với Belarus với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ và các hệ thống vũ hiện đại gồm tên lửa đất đối không S-400, hệ thống phòng không Pantsir và máy bay chiến đấu Su-35.

Bất chấp răn đe từ NATO, Nga - Belarus bắt đầu tập trận sát vách Ukraine với S-400, Su-35

Anh Tú | 10/02/2022, 18:31

Hôm nay, 10.2, các lực lượng Nga bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 10 ngày với Belarus với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ và các hệ thống vũ hiện đại gồm tên lửa đất đối không S-400, hệ thống phòng không Pantsir và máy bay chiến đấu Su-35.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh các quan chức phương Tây lo ngại động thái này nhằm che đậy cho một cuộc động binh với Ukraine.

Cuộc tập trận rầm rộ của Nga

Các chỉ huy quân sự hàng đầu của Nga đã bay đến Belarus hôm qua để giám sát cuộc diễn tập với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ và các hệ thống vũ hiện đại gồm tên lửa đất đối không S-400, hệ thống phòng không Pantsir và máy bay chiến đấu Su-35. Trước đó một ngày, các tàu chiến của Nga đã tiến về Biển Đen để tham gia một cuộc tập trận có khả năng uy hiếp đường bờ biển dài phía nam của Ukraine.

Các quan chức ở Moscow và Minsk cho biết quân đội Nga sẽ rút lui sau cuộc tập trận. Nhưng các quan chức an ninh Mỹ và châu Âu không tin tưởng điều đó.

Các quan chức Nga phủ nhận họ có kế hoạch tấn công Ukraine, đồng thời tiếp tục đổ lỗi cho Mỹ và NATO đã làm gia tăng căng thẳng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đang tổ chức các cuộc tập trận chung với Belarus để chống lại “các mối đe dọa an ninh chưa từng có… về bản chất và có lẽ, sự tập trung của chúng, thật không may, lớn hơn và nguy hiểm hơn nhiều so với trước đây”.

Theo hãng thông tấn Nga Tass, đây là cuộc tập trận lớn nhất mà Nga từng thực hiện ở Belarus. Nó bao gồm các hoạt động phát hiện các địa điểm phục kích để tìm thiết bị nổ và chiến thuật hoạt động nhóm nhỏ để chuẩn bị cho các trận chiến trong đô thị và chiến tranh không quy ước chống lại dân quân. Các binh sĩ cũng tiến hành cuộc tập trận tiêu diệt các sở chỉ huy bằng bệ phóng tên lửa đạn đạo Iskander. Bộ Quốc phòng Nga không cho biết liệu các hoạt động tên lửa diễn ra ở Nga hay Belarus.

Nga, sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, đã điều động hơn 100.000 quân nâng tổng số quân gần biên giới Ukraine lên 140.000.

Các hoạt động quân sự gần đây của Moscow đang gây lo ngại ở một số quốc gia lân cận. Tổng thống Lithuania hôm 9.2 cho biết Vilnius sẽ yêu cầu Washington đóng quân thường trực ở quốc gia Baltic để giúp tăng cường an ninh.

Phương Tây vừa đàm phán, vừa chuẩn bị quân đội

Các quan chức Mỹ và châu Âu đang tiếp tục thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Mặc dù vậy, nỗ lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Moscow và Kiev trong tuần này đã không mang lại đột phá.

Các cố vấn chính trị từ Nga, Ukraine, Pháp và Đức sẽ gặp nhau tại Berlin vào hôm nay cho các cuộc đàm phán "định dạng Normandy" nhằm thực hiện các thỏa thuận Minsk, được ký kết sau khi Moscow sáp nhập Crimea. Các cuộc đàm phán đã được Berlin thúc đẩy như một cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại.

Nhưng Moscow và Kiev đang chia rẽ sâu sắc về cách thức triển khai. Người phát ngôn chính phủ Đức Wolfgang Büchner cho biết: “Có những khác biệt về quan điểm”.

Đại sứ Nga tại Đức, Sergey Nechayev, đã nói với truyền thông Đức rằng Berlin và Paris nên "quyết đoán hơn" trong việc thúc giục Kiev chấp nhận và thực hiện các điều khoản của hiệp định hòa bình.

Còn phía Kiev đã lập luận rằng thỏa thuận, tập trung vào các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, nên được đàm phán lại. Thỏa thuận Minsk bị nhiều người Ukraine coi là thuận lợi cho phe ly khai do Moscow hậu thuẫn, và các quan chức Ukraine cho biết thỏa thuận sẽ gây ra bất ổn nội bộ nếu thực hiện đầy đủ.

Hôm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng vừa tuyên bố rằng thế giới đang trở nên “ngày càng hỗn loạn và căng thẳng hơn”.

Ông khẳng định tình hình “đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ hơn nữa để đảm bảo ổn định chiến lược và chống lại các mối đe dọa và thách thức đang nổi lên, trước hết, bằng cách tìm kiếm các đảm bảo an ninh toàn diện, có hiệu lực pháp lý cho đất nước chúng ta từ Mỹ và các đồng minh NATO”.

Điện Kremlin đang yêu cầu viết lại toàn bộ trật tự an ninh châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh, gồm lệnh cấm vĩnh viễn Ukraine gia nhập NATO và triệt thoái lực lượng của khối khỏi Đông Âu. Washington và các đồng minh đã từ chối việc chấm dứt chính sách “mở cửa” của NATO, mặc dù họ đã đề nghị đàm phán về các vấn đề mà Moscow cho là quan trọng “thứ yếu”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ thăm trụ sở NATO ở Brussels vào hôm nay. Ông cũng dự kiến ​​tới Warsaw để gặp Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và Tổng thống Andrzej Duda, trong khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss đang ở Moscow để hội đàm.

Thủ tướng Anh Johnson phát biểu: “Những gì chúng ta cần thấy là ngoại giao thực sự, không phải ngoại giao ép buộc. Là một liên minh, chúng ta phải vẽ đường trong tuyết và rõ ràng có những nguyên tắc mà chúng ta sẽ không thỏa hiệp. Điều đó gồm an ninh của mọi đồng minh NATO và quyền của mọi nền dân chủ châu Âu được khao khát trở thành thành viên NATO”.

Các quốc gia phương Tây đang tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực ngay cả khi họ theo đuổi một giải pháp ngoại giao. Một đánh giá tình báo và quân sự của Mỹ hôm thứ 4.2 đã báo cáo rằng một cuộc chiến tranh có thể khiến chính phủ Ukraine sụp đổ trong vòng vài ngày, khiến 50.000 dân thường có thể thương vong và 5 triệu người phải di tản.

London, vốn đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng, đã đặt 1.000 quân vào tình trạng sẵn sàng trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở Ukraine dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo và làn sóng tị nạn.

Chính quyền Biden hôm 8.2 cho biết họ đang sẵn sàng các kế hoạch để các lực lượng quân sự Mỹ giúp sơ tán công dân nước này sang Ba Lan trong trường hợp Ukraine có chiến tranh. Thành viên quân đội Mỹ cuối cùng rời Afghanistan vào tháng 8, Thiếu tướng Lục quân Christopher T. Donahue thuộc Sư đoàn Dù số 82, là người điều phối các nỗ lực tại Ba Lan.

Mỹ cũng đang chuyển một số binh sĩ từ Đức sang Romania để hỗ trợ sườn phía đông của NATO. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói với các phóng viên rằng một đơn vị Stryker đã rời Đức hôm 8.2 và sẽ đến trong vài ngày tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất chấp răn đe từ NATO, Nga - Belarus bắt đầu tập trận sát vách Ukraine với S-400, Su-35