Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga nhằm mục đích làm tê liệt nền kinh tế, cô lập các nhà tài phiệt của nước này dường như đang phản tác dụng.

Báo Mỹ: Phương Tây cũng rơi vào vòng xoáy từ chính các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga

Hoàng Vũ | 19/07/2022, 10:49

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga nhằm mục đích làm tê liệt nền kinh tế, cô lập các nhà tài phiệt của nước này dường như đang phản tác dụng.

Cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt liên quan đến nó đã tạo ra một loạt các vấn đề cho phương Tây, bao gồm tình trạng lạm phát gia tăng, giá khí đốt tăng vọt và sự không chắc chắn về sự sẵn có của nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên phục vụ cho việc sưởi ấm khí mùa chỉ còn vài tháng nữa là đến mùa đông.

Bên cạnh đó, sự bất ổn chính trị đang hiện hữu ở nhiều chính phủ châu Âu. Gần đây nhất là việc Thủ tướng Anh Boris Johnson - một trong những lãnh đạo châu Âu ủng hộ Ukraine “nhiệt thành nhất” - đã phải từ chức. Sự xáo trộn trong nội các của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng là chủ đề đang được bàn tán sâu rộng.

Tờ Newsweek (Mỹ) nhận định, những vấn đề trên có thể làm suy giảm “độ bền” của sự ủng hộ từ người dân tại các nước phương Tây đối với Ukraine trong cuộc chiến với Nga - quốc gia vẫn là nhà cung cấp chính dầu thô, khí đốt tự nhiên và nhiên liệu hóa thạch cho Liên minh châu Âu (EU).

Bruce Stokes, một thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall – một tổ chức tư vấn chính sách công và tài trợ phi đảng phái của Mỹ - cho biết: “Những người tôi từng nói chuyện đều cảnh giác về những gì có thể xảy ra trong vài tháng tới, và rất có khả năng công chúng có thể trở nên ít ủng hộ hơn lập trường phản đối mạnh mẽ vốn phương Tây áp dụng với Moscow trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt”.

Theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, và hiện là Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) William J. Burns, những bất ổn do cuộc chiến ở Ukraine tạo ra và các lệnh trừng phạt liên quan thực sự có thể mang lại lợi ích cho chính Tổng thống Nga Vladimir Putin.

putin-happy.png
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: AP

"Ở một mức độ nào đó, sự hỗn loạn phục vụ lợi ích của ông Putin", ông Burns cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Atlantic (Anh).

Lãnh đạo CIA lập luận rằng khi tình trạng bất ổn trong các quốc gia phương Tây tăng cao sẽ dẫn đến việc người dân ngày càng mất lòng tin vào chính phủ nước họ, và Nga sẽ được hưởng lợi.

"Tất cả những điều đó đều phục vụ lợi ích của Nga và ông Putin. Bức tranh ở phương Tây càng hỗn loạn và gây chia rẽ, Putin càng có nhiều không gian và sự phản kháng của phương Tây đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine càng ít hiệu quả hơn”, cựu quan chức Ngoại giao Mỹ cho hay.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24.2, phương Tây đã thông qua nhiều chế tài để trừng phạt Điện Kremlin vì hành vi được cho là “gây hấn không kiềm chế” của họ. Chúng bao gồm việc đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài, hạn chế nhập khẩu dầu Nga, loại bỏ một số ngân hàng lớn của Nga khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế và chặn các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt.

Ngoài các lệnh trừng phạt nhắm vào chính phủ Nga, Nhà Trắng ước tính rằng hơn 1.000 doanh nghiệp Mỹ và đa quốc gia đã quyết định chấm dứt hoặc tạm ngừng hoạt động ở Nga kể từ tháng 2, khiến các doanh nghiệp này mất hàng nghìn công nhân và hàng triệu USD năng suất.

Các nhà hoạch định chính sách ở phương Tây đã kỳ vọng tác động của các lệnh trừng phạt sẽ "quét sạch thành quả kinh tế trong 15 năm qua ở Nga". Mục đích của các chế tài là "gây ra sự sụp đổ của nền kinh tế Nga", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết vào tháng 3.

Và kể từ khi lệnh trừng phạt bắt đầu, nền kinh tế Nga đúng là đã bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngoại thương đã giảm mạnh và tỷ lệ nghèo đói tăng lên. Lạm phát đã tăng vọt lên gần 14,5%, với nguồn cung hàng hóa và nguyên liệu ngày càng thiếu hụt, GDP quốc gia dự kiến ​​sẽ giảm 7,1% trong năm nay, theo một cuộc thăm dò từ Reuters.

Trong khi các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng tiêu cực đến một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế Nga, thì phương Tây cho đến nay vẫn chưa xác định được tác động tổng thể của chúng mang lại.

Khi được hỏi liệu các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thành công hay không, nhà nghiên cứu chính trị Nga Ilya Matveev nói với Đài Phát thanh Công cộng quốc gia NPR (Mỹ) rằng điều đó phụ thuộc vào các tiêu chí được áp dụng. Cụ thể, Matveev cho rằng các lệnh trừng phạt đã thất bại trong việc làm “chùn bước” tiến công của quân đội Nga ở Ukraine.

“Putin rất quyết tâm tiến hành cuộc chiến này và ông ấy đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài. Các biện pháp trừng phạt như vậy không thể thay đổi tính toán của ông ấy”, Matveev cho hay và nói thêm rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây không thể dẫn đến sự sụp đổ kinh tế ngay lập tức như một số chuyên gia dự đoán ban đầu.

Sau khi giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại vào tháng 2 sau vòng trừng phạt đầu tiên, đồng rúp (Ruble) của Nga đã phục hồi lên mức cao nhất trong 7 năm vào tháng 6. Theo đánh giá của Bloomberg, là đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới trong năm nay. Và mặc dù phải đối mặt với sự sụt giảm lớn về khối lượng xuất khẩu nước ngoài, doanh thu từ dầu khí, tài sản thương mại lớn nhất của Nga, vẫn tăng gần 80% trong năm nay, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Tại phiên điều trần của Tiểu ban Thượng viện Mỹ về Hợp tác An ninh Châu Âu và Khu vực vào tháng 6, Đặc phái viên và Điều phối viên của Mỹ về các vấn đề năng lượng quốc tế Amos Hochstein đã được chất vấn rằng liệu Moscow có kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán dầu thô và khí đốt của mình hơn vài tháng trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra hay không.

"Tôi không thể phủ nhận điều đó. Chúng ta không thể đoán trước rằng thặng dư tài khoản vãng lai của Nga sẽ tăng lên vì họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền từ việc bán dầu”, ông Hochstein nói với các nhà lập pháp Mỹ.

Michael Alexeev, một nhà kinh tế tại Đại học Indiana Bloomington (Mỹ), cho biết các dòng doanh thu này, cùng với nghĩa vụ nợ nước ngoài thấp, đã cho phép Nga tránh được những tác động tồi tệ nhất của các lệnh trừng phạt quốc tế trong thời điểm hiện tại.

"Họ sẽ không chết đói. Sẽ không có nạn đói nào cả ở Nga. Họ có thể làm ra nhiều thứ và việc tiêu thụ chúng sẽ ngày càng đơn giản hơn”, ông nói.

“Nếu mục tiêu của các lệnh trừng phạt là làm nền kinh tế Nga sụp đổ nhanh chóng và hoàn toàn, thì không, các biện pháp trừng phạt không có tác dụng vì nền kinh tế Nga vẫn đang hoạt động. Nhưng nếu mục tiêu là làm suy yếu Nga về mặt kinh tế theo thời gian, thì các biện pháp trừng phạt 100% có tác dụng”, Alexeev nhận định.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Newsweek, Anatoly Antonov, Đại sứ Moscow tại Washington cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt này của phương Tây sẽ phản tác dụng.

“Các kế hoạch bóp nghẹt đất nước của chúng tôi bằng các biện pháp trừng phạt không hiệu quả. Việc áp đặt các hạn chế một cách thiếu suy nghĩ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình của nền kinh tế phương Tây và đặc biệt là Mỹ”, ông nói.

Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ sát cánh “đến cùng” với Ukraine, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy việc giá lương thực và năng lượng tăng ở Mỹ - lần lượt tăng gần 9% và 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái - đang làm giảm sự ủng hộ của người dân nước này đối với các lệnh trừng phạt Nga.

Dữ liệu khảo sát từ công ty phân tích Morning Consult (Mỹ) cho thấy, tỷ lệ người Mỹ ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga đang giảm sút. Thậm chí, một bộ phận người Mỹ còn không muốn đất nước của họ có trách nhiệm bảo vệ Ukraine.

Thượng nghị sĩ Chris Coons, một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, người đã tham dự cuộc họp thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Madrid (Tây Ban Nha) vào tháng trước, coi “sự thay đổi ủng hộ” này là một mối quan tâm lớn.

“Tôi lo lắng về yếu tố mệt mỏi của công chúng ở nhiều quốc gia vì chi phí kinh tế và vì có những mối quan tâm cấp bách khác”, Coons nói với báo The New York Times (Mỹ).

Chuyên gia Bruce Stokes của Quỹ Marshall cho biết: “Bây giờ Nga đã áp dụng một chiến lược quân sự chặt chẽ, các nước phương Tây phải thực sự phải theo đuổi các biện pháp trừng phạt kinh tế này trong thời gian dài với hy vọng rằng theo thời gian, chúng mới có thể cản bước tiến của Nga”.

"Nhưng như một chính trị gia châu Âu đã nói với tôi. Tôi ủng hộ tất cả các biện pháp trừng phạt này, nhưng các cử tri của tôi cũng phải sưởi ấm nhà của họ”, Stokes nói thêm.

Bài liên quan
Toan tính của Mỹ khi điều ‘pháo đài bay’ B-52 gần biên giới Nga
Việc Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress gần biên giới Nga đã gây chú ý đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa NATO và Moscow.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Mỹ: Phương Tây cũng rơi vào vòng xoáy từ chính các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga