Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thúc đẩy một loại hình liên minh mới có thể đối đầu với phương Tây trong chuyến công du tới Tehran (Iran) vào tuần này.

Báo Mỹ: Ông Putin tìm cách định hình lại trật tự thế giới khi lập liên minh chống phương Tây

Hoàng Vũ | 21/07/2022, 15:48

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thúc đẩy một loại hình liên minh mới có thể đối đầu với phương Tây trong chuyến công du tới Tehran (Iran) vào tuần này.

Theo Newsweek, chuyến thăm của ông Putin tới Iran hôm 19.7 diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Israel và Ả Rập Xê-út và đưa ra cam kết rằng Washington sẽ cố gắng ngăn Iran tiếp cận vũ khí hạt nhân.

putin-raisi-erdogan.png
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chụp ảnh chung trước cuộc gặp ba bên về Syria tại Tehran hôm 19.7 - Ảnh: Getty

Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, cho biết các cuộc gặp với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là quan trọng đối với "cá nhân" ông Putin vì Điện Kremlin “không muốn để mình bị cô lập trên trường quốc tế".

Cuộc gặp diễn ra sau khi các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng Iran sẽ cung cấp cho Nga hàng trăm máy bay không người lái (UAV) mặc dù Điện Kremlin phủ nhận và nói rằng Tổng thống Putin mới chỉ thảo luận điều này với nhà lãnh đạo Iran.

Mặc dù tương lai của Syria nằm trong chương trình nghị sự chính của cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19.7, cũng như đề xuất vốn được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn về việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine để xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, song động thái này cũng được coi là một nỗ lực nhằm thúc đẩy thành lập một khối chống phương Tây.

"Chuyến thăm của Putin tới Iran củng cố liên minh mới: Nga - Iran -Syria - Trung Quốc - Triều Tiên", nhà báo John Simpson của BBC viết trên Twitter.

Shahjn Gobadi, một thành viên của nhóm đối lập Hội đồng Quốc gia Kháng chiến Iran (NCRI) có trụ sở tại Paris coi cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin là vì lợi ích của Tehran trong bối cảnh quốc gia hồi giáo này đang phải đối mặt với làn sóng biểu tình ngày càng tăng.

"Iran đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng và các cuộc biểu tình và đình công đang diễn ra tại quê nhà tôi . Mọi người đang ở trong tình trạng tuyệt vọng”, ông Gobadi nói với Newsweek.

“Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đến mức cho dù thân thiện với Nga hơn nữa hoặc đạt được thỏa thuận hạt nhân như JCPOA (Thỏa thuận hạt nhân Iran) cũng không giúp chính quyền ông Raisi ngăn chặn được sự sụp đổ", Gobadi nói thêm.

Newsweek nhận định, có nhiều điểm chung giữa Thổng thống Nga Putin và người đồng cấp Iran Raisi. Cả hai đều cai trị bằng "nắm đấm sắt", chính quyền của hai nhà lãnh đạo đều phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn từ phương Tây.

Theo Janis Kluge của tổ chức nghiên cứu SWP ở Berlin (Đức), các lệnh trừng phạt mà Iran đang phải đối mặt vì theo đuổi chương trình hạt nhân có thể cung cấp cho Moscow "một số bài học" nhất định. Ngoài ra, Nga cũng có thể cung cấp hàng hóa quân sự hoặc nguyên liệu thô hay ngũ cốc cho Tehran đối phó với các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, lợi ích cạnh tranh giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, có thể đặt ra giới hạn cho bất kỳ sự hợp tác nào. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, dù đã không áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga nhưng đã bán các máy bay không người lái Bayraktar mà lực lượng Ukraine đã sử dụng để tấn công quân đội Nga ở Ukraine.

Trong khi đó, Nga và Iran đều là các nhà sản xuất dầu và khí đốt ra thế giới, và sự cạnh tranh trong lĩnh vực này giữa hai nước đã gia tăng kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu khi các lệnh trừng phạt về năng lượng Nga buộc Moscow phải xuất khẩu dầu giá rẻ sang Trung Quốc và Ấn Độ.

"Moscow dường như đang cướp lấy thị phần của Tehran trên các thị trường hàng hóa", Henry Rome, thuộc nhóm nghiên cứu Eurasia Group, nói với Reuters.

Trong khi đó, Nick Kitchen, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cạnh tranh Quyền lực Toàn cầu (CGPC) tại Đại học Surrey của Anh nói với Newsweek: "Đây không phải là về một liên minh chống phương Tây, vì rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO".

“Sai lầm chiến lược của Nga tại Ukraine đã khiến nước này cần phải có những mối quan hệ đối tác mới và các quốc gia chưa hoàn toàn chấp nhận lập trường cô lập của phương Tây, và Moscow có thể lợi dụng điều đó để kiếm được những món hời nhất định. Mặt khác, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều đang có các cuộc đàm phán riêng với các quốc gia phương Tây. Liệu các quốc gia này có đánh đổi để thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nga trước khi làm phật lòng cường quốc phương Tây hay không”, Kitchen cho hay.

Bài liên quan
Ứng viên vị trí đặc phái viên của ông Trump phụ trách vấn đề Nga - Ukraine
Hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ Tổng thống đắc cử Donald Trump cân nhắc chọn cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Richard Grenell làm đặc phái viên phụ trách vấn đề Nga - Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Mỹ: Ông Putin tìm cách định hình lại trật tự thế giới khi lập liên minh chống phương Tây