Theo báo Newsweek (Mỹ), cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine dường như không mấy hiệu quả khi mạng lưới phòng thủ nhiều lớp của Moscow vẫn chưa bị phá vỡ.

Báo Mỹ: Nội bộ Ukraine tranh cãi vì tiến độ phản công ‘khiêm tốn’

Hoàng Vũ (theo Newsweek) | 16/08/2023, 22:30

Theo báo Newsweek (Mỹ), cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine dường như không mấy hiệu quả khi mạng lưới phòng thủ nhiều lớp của Moscow vẫn chưa bị phá vỡ.

Các nhà quan sát cho biết quân đội của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã giành lại lãnh thổ ở phía nam và phía đông nhưng với “cái giá đắt đỏ”. Nếu phương Tây không kịp hỗ trợ hay cung cấp đầy đủ khí tài, Ukraine sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn vô cùng khó khăn: mạo hiểm dốc toàn lực lượng và có thể đối mặt với tổn thất nặng nề; hoặc án binh bất động và chấp nhận một kịch bản gây tổn hại về mặt chính trị.

Newsweek dẫn nguồn thạo tin tiết lộ việc phản công thiếu tiến bộ đã khiến cuộc tranh luận chiến lược ở các cấp cao nhất của chính phủ Ukraine trở nên căng thẳng. Một số quan chức trong văn phòng tổng thống đã có nhiều bất đồng với các chỉ huy quân sự.

tt-ukraine.png
Tổng thống Volodymyr Zelensky - Ảnh: Getty

"Chắc chắn có khác biệt trong giới lãnh đạo Ukraine về chiến lược quân sự. Đa phần lãnh đạo quân đội muốn tiếp tục thúc đẩy phản công trong khi giới chức trong phủ tổng thống hoài nghi liệu điều đó có hợp lý nhất vào lúc này hay không", nguồn tin thân cận với chính phủ Ukraine cho Newsweek biết.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Ukraine đã từ chối bình luận về những khẳng định của nguồn tin trên. Cơ quan này khẳng định với Newsweek rằng "có sự liên lạc trực tiếp giữa bộ chỉ huy quân sự và lãnh đạo chính trị của đất nước. Nhiệm vụ của họ là đưa ra quyết định tùy thuộc điều kiện tình hình chiến sự".

"Niềm tin vào chỉ huy quân sự là điều kiện tiên quyết quan trọng để giành chiến thắng", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine nói, và coi các báo cáo về sự bất hòa nội bộ của Ukraine như những lời tuyên truyền của Nga.

Kỳ vọng lớn

Tổng thống Zelensky đã thừa nhận rằng cuộc phản công được chờ đợi từ lâu đã diễn ra "chậm hơn mong đợi". Sau 6 tuần chiến đấu, các lực lượng Ukraine vẫn chưa xuyên phá được tuyến phòng thủ của Nga.

"Người Nga có một số tuyến phòng thủ và Ukraine chưa thực sự vượt qua tuyến đầu tiên", một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây giấu tên nói với CNN tuần trước.

Các quan chức Ukraine đã rõ ràng về các điều kiện chiến trường đầy thách thức. Lực lượng Kyiv đang chiến đấu với rất nhiều loại vũ khí mới từ phương Tây nhưng chỉ được huấn luyện một cách hạn chế. Các binh lính được đào tạo theo sự pha trộn giữa học thuyết quân sự của NATO và Liên Xô. Họ không có sức mạnh không quân cần thiết để hỗ trợ phương pháp chiến đấu hiện đại hơn.

Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine từ năm 2019 đến 2020 và hiện là cố vấn của Bộ Quốc phòng nước này, nói với Newsweek rằng có "rất nhiều quan niệm sai lầm về cuộc phản công".

"Một trong số đó là việc Ukraine chuyển sang một cuộc chiến tranh tiêu hao và khiến người Nga kiệt quệ. Những gì Ukraine đang làm bây giờ về cơ bản là cố gắng làm giảm khả năng phòng thủ của Moscow. Đó thực chất là một sự chuẩn bị lâu dài cho hành động tích cực hơn", ông nói.

Theo ông Zagorodnyuk, Ukraine cần phá hủy các thiết bị phòng thủ của Nga sau đó tìm cách vượt qua bãi mìn. "Tôi không nghĩ rằng họ có lý do để dừng lại. Tôi không nghĩ sẽ hợp lý khi xem xét sửa đổi mục tiêu chiến lược trong trường hợp này. Đó là một công việc đang có tiến triển chứ không phải là bế tắc. Nó chỉ mất nhiều thời gian hơn vì tình hình khó khăn. Nhưng nhìn chung, điều đó không có nghĩa là tiến về phía trước là một kế hoạch tồi", ông Zagorodnyuk nói.

Tổng thống Zelensky đã chỉ trích các đối tác phương Tây vì cam kết do dự và tốc độ chuyển giao vũ khí tiên tiến chậm chạp. "Chúng tôi đã lên kế hoạch bắt đầu nó vào mùa xuân, nhưng chúng tôi đã không thực hiện vì thành thật mà nói, chúng tôi không có đủ đạn dược và vũ khí cũng như không có đủ các lữ đoàn được đào tạo bài bản", Tổng thống Ukraine cho biết vào tháng 7.

Tiếp tục phản công hay dừng lại?

"Nếu Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi là một tướng NATO, ông ấy sẽ phải từ chối lệnh phản công", ông Dan Rice - người từng là cố vấn đặc biệt cho ông Zaluzhnyi trước khi đảm nhận chức vụ hiệu trưởng Đại học American Kyiv (AUK) nhận định với Newsweek.

Cụ thể, ông Rice chỉ ra việc thiếu sự hỗ trợ trên không của Ukraine, việc Mỹ tiếp tục từ chối cung cấp Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân MGM-140 (ATACMS), và sự vắng mặt của các loại đạn chùm tầm xa hơn để sử dụng với Hệ thống tên lửa Pháo binh cơ động cao (HIMARS).

"Ukraine không thể giành chiến thắng nếu không có lực lượng pháo binh và không quân vượt trội để tấn công. Tôi nghĩ hy vọng là người Ukraine sẽ tìm thấy một lỗ hổng phòng thủ của Nga giống như họ đã làm được trong cuộc phản công ở Kharkiv và Kherson năm ngoái", Rice nói.

tong-tu-lenh-ukraine.png
Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi - Ảnh: Getty

Những quan chức phương Tây phản đối viện trợ quân sự quá mức cho Kyiv đã và đang tiến hành “cuộc phản công” chống lại Tổng thống Mỹ Joe Biden. Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tommy Tuberville đã nói với Fox News vào tuần trước rằng Ukraine trông giống như "một đội trung học cơ sở đấu với một đội đại học... Họ không thể thắng".

Tuberville đã bị chỉ trích rộng rãi vì nêu quan điểm sai lầm về cuộc chiến, nhưng đối với ông và những người hoài nghi về các mục tiêu của Ukraine, tiến độ phản công chậm của Kyiv là bằng chứng cho thấy cần phải thay đổi chiến thuật.

Một sự thay đổi trong cách tiếp cận phản công cũng đang được tranh luận ở Kyiv, các nguồn tin nói với Newsweek. Nguồn tin cho biết các quan chức và chỉ huy Ukraine "rất kỳ vọng đợt phản công mới bắt đầu vào đầu tháng 10, và sau đó Kyiv sẽ thực hiện một cú hích lớn vào mùa xuân năm sau".

Tổng thống Zelensky đã nhiều lần khẳng định sẽ không lãng phí sinh mạng người Ukraine. Tuy nhiên, Kyiv cho đến nay được cho là đầu tư rất nhiều vào cuộc phản công, mặc dù tỷ lệ thương vong của cả hai bên vẫn chưa được công bố.

Các nhà lãnh đạo quân sự Kyiv hiện vẫn công khai tin tưởng vào sự thành công những người lính kiên cường của Ukraine dù chưa đạt được tiến bộ trong chiến sự. Dừng lại mà không có bước đột phá đáng kể có thể được coi là một thất bại nghiêm trọng, đồng thời làm sâu sắc thêm mối lo ngại rằng mục tiêu khôi phục toàn bộ lãnh thổ theo đường biên giới thiết lập năm 1991 của Ukraine là quá tham vọng.

Nhưng tiếp tục mà vẫn không tiến bộ có thể dẫn đến kết quả giống hệt nhau, đồng thời tạo cho những người chỉ trích Ukraine có cơ hội để coi Tổng thống Zelensky và nhóm của ông là những đối tác ngoan cố, không đáng tin cậy.

Những người ủng hộ Ukraine nói với Newsweek rằng các dự báo ảm đạm của giới truyền thông phương Tây về cuộc phản công sẽ làm Kyiv chùn bước.

"Ukraine đã chiếm lại hơn một nửa lãnh thổ mà họ đã mất. Sẽ là không thực tế nếu mong đợi nhiều hơn nữa do lợi thế to lớn mà Nga có về hỏa lực và nhân lực. Bất chấp những lợi thế vượt trội của Nga, Ukraine sẽ tiến lên trong những tuần tới. Và có một cơ hội tốt là Ukraine sẽ có thể cắt đứt các đường tiếp tế quan trọng của Nga vào Crimea vào mùa thu này", nguồn tin ủng hộ Ukraine cho hay.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Zagorodnyuk cho biết: "Tôi không nghĩ quân đội Ukraine hứa hẹn bất kỳ ngày cụ thể nào về thời gian biểu của cuộc phản công. Có một số người - có thể là chính trị gia, có thể là nhà báo, có thể là nhà phân tích - nói rằng "chúng tôi chỉ có hai tháng để phản công". Tại sao những người này lại quyết định rằng chúng tôi có hai tháng, một tháng hoặc đại loại thế?".

Ukraine thiếu sức mạnh không quân

James Rogers, người đồng sáng lập tổ chức tư vấn Hội đồng Địa chiến lược, trụ sở tại Anh, nói với Newsweek rằng Kyiv đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan - và lâu dài.

“Người Nga đã học hỏi từ những sai lầm của họ. Và rõ ràng họ có rất nhiều nguồn lực về nhân lực mà họ có thể đưa vào lĩnh vực này. Điều này luôn khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn với Ukraine. Tôi nghĩ rằng chúng tôi ở phương Tây đã có những kỳ vọng hơi lớn về tốc độ mà người Ukraine có thể thực hiện một cuộc phản công và bảo vệ các mục tiêu của họ, bởi vì họ cần nhiều thiết bị quân sự hơn để làm điều này”, ông nói.

linh-ukraine-2.png
Lính Ukraine tại tiền tuyến ở tỉnh Donetsk - Ảnh: Getty

Rogers lưu ý rằng việc Ukraine thiếu sức mạnh không quân là một vấn đề cụ thể. “Chúng tôi sẽ không tiến hành phản công nếu không có sự thống trị hoàn toàn trên không trước tiên”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nhận định hoạt động phản công đang diễn ra là thành công hay thất bại. Quân đội Ukraine vẫn đang chiến đấu hết mình và giành được nhiều điểm dọc theo mặt trận dài 1.000km, trong khi lực lượng Nga đang phòng thủ với mức độ quyết tâm không rõ ràng.

Nhưng sự suy yếu ủng hộ từ phương Tây trong trường hợp Ukraine thất bại là “có thể xảy ra”, Rogers cho biết. “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các đối tác nước ngoài của Ukraine. Họ cần viện trợ quân sự vượt quá những gì họ sẵn sàng cung cấp cho đến nay”, Rogers gợi ý.

“Không có lý do gì để nói rằng cuộc chiến này sẽ không tiếp diễn trong nhiều tháng và nhiều năm nữa. Nhưng cứ sau mỗi tháng và mỗi năm, nó lại khiến Nga có nhiều khả năng chiến thắng hơn vì Nga đảm bảo được các mục tiêu chiến lược của mình, mặc dù chúng đã giảm đáng kể so với những gì họ có thể đã có vào tháng 2.2022”, ông Rogers cảnh báo.

Bài liên quan
Bàn đàm phán gần kề: Ukraine có thể giữ được những gì?
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào năm 2022, tình hình khu vực và toàn cầu đã thay đổi sâu sắc. Cuộc chiến không chỉ định hình lại cục diện chính trị Đông Âu mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các cường quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Mỹ: Nội bộ Ukraine tranh cãi vì tiến độ phản công ‘khiêm tốn’