Trong chuỗi bài Road Trip 2015, trang tin CNET của Mỹ lại tiếp tục mổ xẻ về Bphone của đại gia Quảng 'nổ'. Theo đó, tờ báo này đã đặt ra câu hỏi rằng kịch bản nào cho Bkav, công ty đầu tiên của Việt Nam thiết kế và xây dựng điện thoại thông minh mang thương hiệu Việt?
CNET cho rằng, Bkav là một công ty mang thương hiệu Việt Nam với mục tiêu xây dựng một chiếc điện thoại đắt tiền dành cho người dân trong nước, trong khi thương hiệu Xiaomi của Trung Quốc lại hướng tới việc xây dựng sự tín nhiệm toàn cầu bằng cách sản xuất ra những chiếc điện thoại thông minh giá rẻ để phục vụ cho thị trường trong nước.
Theo đó, CNET nhận định rằng quan điểm của Bkav là thẳng thắn nhằm vào thị trường cao cấp.
Tạ Minh Hoàng, Giám đốc mảng thiết bị di động của Bkav, cho biết: “Việc tạo ra một chiếc điện thoại thông minh cao cấp là ước mơ của mọi tập đoàn công nghệ cao trên thế giới. Việc tạo ra một chiếc điện thoại thông minh cũng là ước mơ của chúng tôi bởi vì chúng tôi muốn trở thành tập đoàn công nghệ tốt nhất trên thế giới”.
Người Việt Nam không ngại chi tiền vào những thiết bị điện tử. Năm ngoái, đã có 24 triệu chiếc điện thoại di động đã được bán ở Việt Nam. Nhu cầu điện thoại thông minh sẽ tăng lên ở đây trong những năm tới, theo Strategy Analytics.
Được thiết kế ở Việt Nam
Tại một khu phức hợp công nghiệp được bao phủ bằng kim loại sóng màu xanh lá cây, tại đây có hai cơ sở mà công nhân Bkav sản xuất Bphone.
Vào bên trong nhà máy lắp ráp điện thoại của Bkav, có khoảng 30 người mặc đồng phục xanh trắng. Mọi người đều đeo găng tay vải trắng, mặt nạ và mũ vải màu xanh. Mỗi người công nhân này đều được giao một nhiệm vụ khác nhau, bao gồm công việc loại bỏ bụi ra khỏi các thành phần và gắn chúng lên backplate của smartphone.
Ngoài ra có 50 người khác đang làm việc tại nhà máy cơ khí của BKAV gần đó, họ đang tạo ra các bộ phận của Bphone như khung kim loại, chủ thẻ SIM và hộp loa, tai nghe. Họ cũng xây dựng nguyên mẫu thiết bị và mô hình của các thành phần khác trước khi thuê các đối tác sản xuất chúng. Bkav có kế hoạch mở một nhà máy lớn tại Khu Công nghệ cao ở Hoà Lạc - ngoại thành Hà Nội, cách khoảng 30 km từ nhà máy hiện tại.
"Chúng tôi nhận được phản hồi tốt từ thị trường", CNET trích lời ông Vũ Thành Thắng, Phó Chủ tịch và Giám đốc phần cứng của Bkav.
"Chúng tôi muốn cả thế giới thấy rằng Việt Nam có thể tạo ra các sản phẩm cao cấp như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc" Bạch Thành Lê, Phó Chủ tịch và Giám đốc thông tin của BKAV, cho biết.
Tuy nhiên, có những thành phần từ các công ty nước ngoài mà không phải do Bkav sản xuất. Trước khi thiết bị tung ra thị trường, một số câu hỏi được đặt ra là liệu rằng Bphone có thực sự được sản xuất và thiết kế tại Việt Nam, hay chiếc điện thoại thông minh này thực tế chỉ là một sản phẩm của Trung Quốc? Theo đó, CNET cho rằng đây chính là vấn đề đối với Bphone, bởi vì các thành phần như chip xử lý Qualcomm không phải do chính Bkav sản xuất.
"Tại sao một số người lại nghĩ rằng Bphone không phải là một chiếc điện thoại do Việt Nam sản xuất? Bởi vì thật khó để tin rằng Việt Nam có thể thiết kế và sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu của thế giới”, Nguyễn Tử Quảng CEO của Bkav cho CNET biết qua e-mail.
CEO Quảng nhận định Bphone là một “kiệt tác”
Ông Quảng nổi tiếng là một người ham mê công việc. Lần đầu tiên ông cho ra mắt Bphone vào tháng 1.2015 tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng ở Las Vegas và một lần nữa khi tung ra các thiết bị vào tháng 5, ông Quảng cho rằng đây là một "kiệt tác". Ông gọi Bphone là chiếc smartphone tốt nhất thế giới.
Sau khi mất chiếc iphone 5S, anh Nguyễn Việt Phú - một cư dân Hà Nội 41 tuổi, đang làm việc cho đài truyền hình Việt Nam, đã mua một chiếc Bphone. Anh cho biết: “Bphone thực sự là một chiếc điện thoại có thiết kế đẹp. Tôi rất hài lòng với thiết bị này”.
Đối với nhiều người khác, dù ông Quảng và Bkav đã quảng cáo hết lời cho Bphone, nhưng thực tế nhiều người Việt Nam vẫn không hề biết đến sự tồn tại của thiết bị thông minh này.
Apple, Samsung vẫn thống trị
Tên tuổi của BKAV vẫn là một vấn đề quan trọng. Thậm chí, những “đại gia lớn” của quá khứ như Nokia và Sony vẫn nhận được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, Apple và Samsung vẫn là hai thương hiệu thống lĩnh thị trường. Bởi vì hai tên tuổi này đều có mặt tại mọi ngóc ngách của các cửa hàng điện tử. Rất nhiều khu vực ở Hà Nội đều có những cửa hàng chào bán iPhone hoặc sử dụng logo của Apple để thu hút khách hàng. Logo của Apple đều xuất hiện trên tất cả mọi mặt hàng, từ mũ bảo hiểm xe máy đến chiếc áo màu hồng của một thợ may nữ ở Hội An. Apple thực sự quá nổi tiếng, mặc dù Apple vẫn chưa có một cửa hàng nào ở Việt Nam.
Đạo Đạt, một sinh viên 20 tuổi, cho biết: “Tôi không có tiền bây giờ, nếu tôi có tiền thì tôi sẽ mua một chiếc iPhone. Tôi muốn tiết kiệm tiền để mua một chiếc iPhone 6”.
Rõ ràng, đây chính là một thách thức lớn đối với Bkav. Thách thức của công ty chính là phải thuyết phục được người dân từ bỏ nhãn hiệu yêu thích của họ để chuyển sang dùng một chiếc điện thoại mang thương hiệu “made in Việt Nam”.
Anh Tuấn, một khách hàng Việt Nam cho biết: “Tôi là một người dân yêu nước, luôn đồng hành và hỗ trợ mọi sản phẩm của quê hương. Tuy nhiên, giá Bphone vẫn còn quá cao. Đừng để tình yêu đất nước của bạn được sử dụng như là một mưu đồ tiếp thị”.
Bkav đã ra mắt Bphone vào cuối tháng 5.2015 và tuyên bố rằng đây là smartphone đầu tiên được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Đây là một thiết bị có kiểu dáng đẹp, mang đến 6 biến thể với chi phí từ 10,99 triệu đồng đến 22,2 triệu đồng.
Hiện tại, doanh số của Bkav vẫn còn kém xa doanh số của công ty Xiaomi ở Trung Quốc.
Từ đó, CNET khẳng định, doanh số bán hàng vẫn là một vấn đề quan trọng, nếu Bkav muốn ở lại thị trường lâu hơn.
Tuyết Nhung (Theo CNET)