Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng để giải bài toán rủi ro cháy nổ của các chung cư mini, cần một tư duy quản lý mới với việc thiết lập cơ chế phối hợp ba bên: chính quyền, ban quản trị các toà nhà và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Bảo hiểm cháy nổ và cơ chế phối hợp 3 bên nhìn từ vụ cháy chung cư mini

Trí Lâm | 01/10/2023, 19:20

Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng để giải bài toán rủi ro cháy nổ của các chung cư mini, cần một tư duy quản lý mới với việc thiết lập cơ chế phối hợp ba bên: chính quyền, ban quản trị các toà nhà và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Trận hoả hoạn thảm khốc tại chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa qua xuất hiện hàng loạt yếu kém trong quản trị rủi ro tại đô thị, trong đó, câu chuyện bảo hiểm cháy nổ đối với loại hình nhà ở này dường như bị lãng quên.

Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

Bảo hiểm cháy nổ và cơ chế phối hợp 3 bên

Thưa ông, sau vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân (Hà Nội) vừa qua, trong khi dư luận bàn nhiều về vấn đề giấy phép xây dựng thì ông lại có ý kiến về câu chuyện bảo hiểm cháy nổ. Lý do và quan điểm cụ thể của ông cụ như thế nào? Ngoài ra, chung cư mini là loại hình nhà ở có rủi ro cao về cháy nổ, nhưng dường như lại nằm ngoài danh mục phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Đó có phải là khoảng trống pháp luật hay không?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Đúng là tôi có cách tiếp cận vấn đề khác về vụ việc thảm khốc này.

Trước hết, nếu bàn trở lại câu chuyện quá khứ đã xảy ra, cho dù có sai phạm thì cũng chỉ để giải quyết một việc là quy trách nhiệm nhằm giải toả bức xúc dư luận. Trong khi đó, vẫn còn đó hàng nghìn các chung cư mini tương tự đang tồn tại và hoạt động, rất có thể cũng là các mối nguy hiểm hiện hữu giữa lòng các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Vậy sẽ cần xử lý nó như thế nào để phòng ngừa các thảm hoạ tương lai?

Hiện tại, tôi thấy các cơ quan chức năng ở cơ sở đang hoạt động ráo riết trong việc rà soát, kiểm tra và yêu cầu các giấy phép liên quan đến cho thuê nhà nói chung và chung cư mini nói riêng. Việc này là cần thiết, nhưng cách tiến hành các hoạt động theo kiểu ra quân đồng loạt và phong trào như vậy sẽ gây nên các hậu quả thế nào về mặt kinh tế - xã hội cho người dân? Liệu nó có mang đến hiệu quả đích thực, tức các thay đổi tích cực mang tính bền vững hay không?

Tôi muốn bàn vấn đề ở cấp độ khác, có tính căn cơ hơn về quản trị an toàn ở các đô thị, bao gồm rủi ro cháy nổ của các toà nhà có nguy cơ cao là chung cư mini.

Trước đó, như chúng ta đều biết, đã có rất nhiều các vụ cháy chợ, trung tâm thương mại và các nhà hàng, dịch vụ giải trí rồi. Trong hầu hết các trường hợp, các công trình và toà nhà đều không có bảo hiểm cháy nổ để bảo đảm an toàn và bồi thường cho các nạn nhân.

Chúng ta vẫn hay tư duy coi bảo hiểm là loại hình kinh doanh dịch vụ trên cơ sở tự nguyện và tiếp cận nó theo hướng vận động và hỗ trợ nâng cao nhận thức. Tuy nhiên, như một thông lệ phổ biến cả về luật pháp và thị trường thì ở nhiều nước, người ta đã đưa một số loại bảo hiểm rủi ro như cháy nổ các công trình, toà nhà ở đô thị vào diện bắt buộc, tức coi nó như một biện pháp quản lý an toàn của chính quyền.

chay-no-1.jpeg
Trận hoả hoạn thảm khốc tại chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội)

Đây không đơn thuần là một công cụ hành chính, giống với cấp các loại giấy phép về xây dựng hay phòng cháy, mà là sự phối kết hợp của các thành tố theo hướng thị trường hoá.

Triết lý ở đây là một nền kinh tế thị trường vận hành dựa trên thực thi các quyền tự do của người dân thì chính quyền cần khai thác, tận dụng và phát huy tối đa quyền tự chủ, ý thức tự giác và năng lực tự chịu trách nhiệm của mỗi người dựa trên lợi ích của chính họ.

Nói rộng ra, đó là mối quan hệ giữa người tiêu dùng và các doanh nghiệp là một thiết chế của thị trường. Cách tiếp cận này có ý nghĩa thực tế ở chỗ nếu các cơ quan chính quyền chỉ hành động một mình theo lối áp đặt và chủ quan thì cả bộ máy sẽ phải phình to và tiêu tốn mãi các nguồn lực. Cuối cùng người dân sẽ phải gánh chịu các chi phí đó trong khi không chắc chắn hưởng lợi về kết quả?

Do đó, trong trường hợp này, tôi đã đề xuất một tư duy quản lý mới với việc thiết lập cơ chế phối hợp ba bên là chính quyền, ban quản trị các toà nhà và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiệm cháy nổ bắt buộc.

Vai trò cụ thể từng bên thế nào, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Chính quyền đóng vai trò kiểm tra, giám sát để bảo đảm mỗi toà chung cư mini phải có bản quản trị đại diện cho cộng đồng dân cư được thành lập, đồng thời phải có hợp đồng bảo hiểm cháy nổ thì mới đủ điều kiện vận hành.

Hãy thử hình dung chung cư ở Thanh Xuân, Hà Nội bị cháy vừa qua, nếu cả thiết chế và cơ chế đó đã tồn tại và hoạt động thì có an toàn hơn không? Chắc chắn có, bởi hơn ai hết ban quản trị có chức năng và nhiệm vụ rõ ràng.

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ buộc phải quan tâm và chăm sóc hàng việc vận hành toà nhà sao cho bảo đảm an toàn cháy nổ bởi việc đó đồng nghĩa với tránh rủi ro về kinh doanh của chính họ.

Trên thực tế, tôi thấy các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở và Luật Phòng cháy chữa cháy đã đề cập các vấn đề này rồi, bao gồm cả thành lập bản quản trị và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhà chung cư nói chung.

Cho nên khoảng trống hay “lỗ hổng” ở đây chính là sự tắc trách và yếu kém trong tổ chức và bảo đảm thực thi. Có lẽ điều này bắt nguồn từ cách tư duy còn khá cũ, nặng về hành chính quan liêu, nhẹ về thực tiễn đời sống và thị trường vẫn tồn tại trong các cơ quan chính quyền và chức năng địa phương trong khía cạnh này.

Cần tư duy mới về quản trị an toàn đô thị

Tuy nhiên, qua khảo sát, rất nhiều chủ đầu tư chung cư mini cũng như người mua căn hộ đều không mua, thậm chí không biết đến bảo hiểm cháy nổ. Theo ông, vì sao có sự “thờ ơ” với bảo hiểm như vậy từ phía người dân?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Cần phải hiểu rằng hoạt động bảo hiểm không có ngay từ đầu mà được hình thành cùng với quá trình phát triển xã hội và chuyên nghiệp hoá nền kinh tế.

Khi sống ở nước ngoài, có câu chuyện đơn giản mà tôi thắc mắc là người dân ít đi ô tô sang mặc dù giá mua không đắt bằng ở Việt Nam. Họ giải thích giá ô tô rẻ nhưng các chi phí bảo hiểm thường xuyên lại rất cao. Thực tế này được chấp nhận, trở thành tiềm thức và làm thay đổi cách ứng xử của người dân, coi bảo hiểm là yếu tố bình thường và bắt buộc khi đặt yếu tố an toàn lên trên nhu cầu “sang chảnh”.

chay-no-2.jpeg
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam

Còn ở nước ta, đa số người dân sẵn sàng bỏ tiền nhiều để mua tài sản, là các căn hộ tiện nghi nhưng lại không quan tâm đến bảo hiểm an toàn cháy nổ. Nếu họ có quan tâm thì lại ưu tiên phòng ngừa trộm cắp. Điều đó đúng nhưng cách ứng xử lại không phù hợp.

Chẳng hạn như việc tăng cường các khung thép hay khoá cửa bảo vệ các căn nhà dẫn đến nguy hiểm không thể thoát ra khi có sự cố. Trong khi đó, nếu ở nước ngoài, người dân ít sợ trộm cắp vì nếu bị mất tài sản thì đã có bảo hiểm chi trả rồi. Tóm lại, các tác động để thay đổi nhận thức và hành vi sẽ cần nhiều thời gian, công sức nhưng phải bắt đầu từ giáo dục phổ thông.

Còn tiếp cận từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm thì sao, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trên thực tế các công ty bảo hiểm đã và đang chào các dịch vụ bảo hiểm cháy nổ một cách phổ biến và khá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có vẻ họ chưa thực sự coi trọng phân khúc thị trường này bởi khó mở rộng do thái độ còn dè dặt từ người tiêu dùng. Có thể yếu tố tâm lý là một lý do nhưng tôi cho rằng chi phí bảo hiểm cũng là một vấn đề, nhất là đối với các chủ sử dụng chung cư mini bởi đó là nhóm đối tượng có thu nhập thấp.

Về chi phí bảo hiểm sẽ bao gồm cả chi phí tuân thủ lẫn phí duy trì thường xuyên. Nó cũng là vấn đề ngay cả ở các thị trường phát triển. Tuy nhiên, nếu coi đây là một chính sách, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm được xác định là một thiết chế tham gia vào quản trị an toàn, thì vẫn có giải pháp để hoá giải chi phí cao.

Chẳng hạn, nhà nước có thể giảm thuế đối với doanh thu từ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, đồng thời có quy định để giảm dần mức phí bảo hiểm đối với các đối tượng bảo hiểm thường xuyên đạt chứng nhận tuân thủ tốt các quy định và tiêu chuẩn về phòng cháy.

chay-3.jpeg
Hậu quả thảm khốc từ vụ hoả hoạn

Tóm lại, tôi cho rằng vấn đề cần bàn chính là xây dựng chính sách trên nền tảng của tư duy và cách tiếp cận mới về quản trị an toàn đô thị phù hợp với bối cảnh mới của kinh tế thị trường.

Rút ra bài học từ vụ hoả hoạn này, để có một giải pháp mới về quản lý, vận hành các chung cư mini để đảm bảo an toàn như ông gợi ý, vai trò của các cơ quan chính quyền và cơ quan chức năng cần được phát huy như thế nào?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trên tất cả, khi bàn về quản trị hiệu quả, vấn đề không phải là kiến thức, kinh nghiệm hay kỹ năng mà là thái độ và tinh thần trách nhiệm. Trong trường hợp này, nó liên quan đến việc thừa hành công vụ của các cơ quan chính quyền địa phương, đặc biệt UBND cấp quận và phường cùng với cơ quan cung cấp dịch vụ công là Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.

Với các sự cố xảy ra vừa qua, khó có thể nói các cơ quan này đã hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên trong nhiều nguyên nhân và lý do, tôi cho rằng có vấn đề về cơ chế quản lý. Tôi đã nêu đề xuất về cơ chế quản trị an toàn ba bên gồm chính quyền, ban quản trị toà nhà và doanh nghiệp bảo hiểm bởi tính chất hợp lý khách quan của nó. Tất cả các thiết chế tham gia đều cần hành động trước hết vì các lợi ích riêng của mình.

Chẳng hạn, cùng vì an ninh con người nói chung nhưng ban quản trị toà nhà quan tâm đến an toàn của cộng đồng cư dân mình đại diện; doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm đến rủi ro kinh doanh và lợi nhuận, tức hạn chế các tình huống phát sinh trách nhiệm bồi thường; còn chính quyền sở tại quan tâm đến các tác động về an ninh chính trị - xã hội tại địa phương từ một sự cố cháy nổ.

Như vậy, trên nền tảng của các lợi ích chung và riêng thì tất cả các bên sẽ cùng có cả động cơ, thẩm quyền và năng lực để có thể hợp tác với nhau, trong đó vai trò dẫn dắt, định hướng, điều phối và bảo đảm duy trì của chính quyền đóng vai trò quan trọng nhất, thậm chí tiên quyết trong giai đoạn ban đầu khi xây dựng và triển khai cơ chế.

Tôi nghĩ rằng đó sẽ là một chủ trương và mô hình đúng bởi suy cho cùng nó phù hợp với định hướng dân chủ hoá quản lý xã hội trong một Nhà nước của dân, do dân và vì dân của chúng ta.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo hiểm cháy nổ và cơ chế phối hợp 3 bên nhìn từ vụ cháy chung cư mini