"Don't hide us away – don't keep us in a cage" (tạm dịch ‘Đừng giấu chúng tôi đi, đừng giam giữ chúng tôi trong một chiếc lồng’) chính là thông điệp gây xúc động của 6 Pack, ban nhạc chuyển giới đầu tiên của Ấn Độ truyền tải cùng bản hit Hum Hain Happy đang gây bão trên mạng.

Ban nhạc chuyển giới '6 Múi' đang 'gây bão' tại Ấn Độ

Đàm Lê Quan | 06/04/2016, 00:14

"Don't hide us away – don't keep us in a cage" (tạm dịch ‘Đừng giấu chúng tôi đi, đừng giam giữ chúng tôi trong một chiếc lồng’) chính là thông điệp gây xúc động của 6 Pack, ban nhạc chuyển giới đầu tiên của Ấn Độ truyền tải cùng bản hit Hum Hain Happy đang gây bão trên mạng.

Với màn ra mắt ban nhạc bằng một cover Hum Hain Happy rất thành công của nam ca sĩ Pharrel, ban nhạc chuyển giới 6 Pack (6 Múi)đã khiến khán giả Ấn Độ phải đối diện với những định kiến xã hội bấy lâu nay của mình.

Nguồn youtube

Komal Jagtap, một thành viên của 6 Múi, người từng bị đuổi khỏi nhà lúc 8 tuổi vì giới tính của mình. Cuộc đời cô đã hoàn toàn thay đổi sau một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc.

Komal Jagtap từng mưu sinh bằng nghề ca sĩ hát đám cưới, sinh nhật,… và thu nhập chỉ trong khoảng 5.000rupi (khoảng 1.640.000đ). Nhưng ước mơ của cô to lớn hơn nhiều. Cô từng thử sức với các thể loại phim ảnh truyền hình, trước khi được một người bạn chia sẻ thông tin về buổi thử giọng cho một nhóm nhạc pop mới.

Và cho đến tận hôm nay, Japtap đã là một thành viên của 6 Múi. Nhóm nhạc được thành lập vào đầu năm 2016 và hiệnđang khuấy động làng giải trí nước này. Các cuộc thi tài năng vốn là lò đào tạo cho ra đời các ban nhạc nổi tiếng. Tuy nhiên, điều mới lạ lần này là việc Jagtap và 5 thành viên còn lại - Bhavika Patil, Fida Khan, Chandrika Suvarnakar, Asha Jagtap và Ravina Jagtap - đều là người chuyển giới. Họ khởi đầu một cuộc “cách mạng” cho cộng đồng người chuyển giới nói riêng và GLBT nói chung,điều mà những nhóm nhạcnhư One Direction hay Little Mix đã không làm được.

Jagtap chia sẻ trên Theguardian rằng trước kia, cô là một “chàng trai” được sinh ra trong gia đình truyền thống: "Bên ngoài tôi là nam. Nhưng bên trong, tôi lại là một người cô gái. Mọi người đều có thể thấy sự khác biệt trong từng dáng đi, cử chỉ của tôi. Tôi từng cảm thấy rằng mình chẳng thuộc về nơi này, đây không phải là gia đình của tôi."

Cha mẹ Jagtap dù phản đối “phiên bản chuyển giới” của cô nhưng cũng phải chịu sự xa lánh, hắt hủi của cộng đồng. "Mọi người chế nhạo gia đình tôi, họ nói rằng 'Gia đình này đã sinh ra một hijra”. Vì lẽ đó, cha mẹ đã không nói chuyện với tôi nữa, họ cho rằng tôi chính là nguyên nhân gây ra khó khăn và rắc rối cho gia đình.

“Theo ước tính, hiện nay ở Ấn Độ có khoảng 1,9 triệu chuyển giới nữ. Họ được gọi là hijras và bị mọi người xa lánh, dè bỉu và thậm chí coi như những bệnh nhân tâm thần”.

Nhiều áp lực dồn nén đã buộc Jagtap rời khỏi nhà vào năm 1999, lúc cô chỉ mới là một đứa trẻ 8 tuổi. "Anh chị em của tôi khuyên tôi, 'Mọi thứ sẽ ổn khi em mặc quần áo con trai.' Tôi đáp lại, 'Nhưng đó không phải là em.' Lần đầu tiên thấy tôi mặc sari, tất cả họ hàng của tôi đều nói rằng 'Đứa cháu thật sự của chúng ta coi như chết rồi.' Từ đó đến nay tôi không bao giờ quay trở về.".

Cô đã tìm đến cộng đồng chuyển giới. "Tôi đến với thầy của mình, Mujhra Nani. Tôi nói 'Con là một hijra, hãy cho con ở cùng thầy.' Có khoảng 20-30 hijra khác ở đó, họ dạy tôi tất cả những gì tôi cần biết để sinh tồn."

Những lời lẽ nhục mạ và kì thị là một phần trong cuộc sống hằng ngày của người chuyển giới ở Ấn Độ. "Mọi người chỉ trỏ và nói xấu chúng tôi khi chúng tôi đi ngoài đường. Họ không cho trẻ con đến gần chúng tôi. Thầy tôi nói rằng 'Chúng ta là hijra, sẽ bị mọi người cười nhạo. Nhưng con không được để họ thấy nỗi đau của chúng ta.", Jagtap tâm sự.

Mọi thứ đã thay đổi vào hồi đầu năm, khi Ashish Patil - người đứng đầu Y films, một nhánh nhỏ của trung tâm sản xuất Bollywood đầy danh tiếng Yash Raj Films - quyết định thành lập nhóm nhạc chuyển giới đầu tiên ở Ấn Độ. Anh đã thuê một dàn chuyên gia từ biên đạo múa, stylist đến ngôi sao Bollywood Sonu Nigam đển để đào tạo cho nhóm nhạc.

Ashish Patil đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm những “tài năng chuyển giới” đến thử giọng. Nhưng tất cả đều từ chối vì 'Tại sao tôi phải tin anh trong khi chính ba mẹ ruột của tôi còn chẳng thèm làm gì giúp đỡ tôi?'.

Trên thực tế, rất khó để các hijra tìm được một việc làm đàng hoàng. Ăn xin hay bán dâm là cách kiếm tiền phổ biến của họ. Thế nhưng, sự ra đời của 6 múi cho thấy những biến chuyển đầu tiên trong đời sống xã hội Ấn Độ đối với các hijra.

Điều nực cười là trong quá trình tuyển chọn ra 6 thành viên chuyển giới, có tới hơn 200 đàn ông không phải người chuyển giới cũng đến tham gia và đã bị loại thẳng thừng. 9 tháng tiếp theo, họ được đào tạo theo loại hình tương tự các chương trình của ông bầu Simon Cowell.

Dự án của Ashish đã thành công và góp phần thay đổi thái độ của xã hội đối với cộng đồng người chuyển giới. Dù trước đó, vào năm 2014, sự kiện mang tính lịch sử của cộng đồng LGBT Ấn Độ đó là Quốc hội nước này đã công nhận quyền lợi của người chuyển giới trên phương diện luật pháp, và thậm chí công nhận giới tính thứ ba bên cạnh giới tính nam và nữ.

Sản phẩm đầu tiên của ban nhạc, ca khúc Hum Hain Happy - bản cover hit Happy của Pharrel, đã được ra mắt vào đúng dịp Ngày Cộng hòa của Ấn Độ. Đó là một bài hát sôi động trên nền nhịp điệu truyền thống của Ấn Độ, kết hợp với động tác vỗ tay mang ý nghĩa tượng trưng cho hình tượng hijra. Khắc họa một xã hội đầy khoan dung, một thế giới mà các hijra cũng có thể chung sống hạnh phúc cùng mọi người, video của ca khúc đã thu hút gần 1,8 triệu lượt xem trên Youtube. Bài hát thứ hai của họ, Sab Rab De Bande, cũng đã cán mốc 3 triệu kể từ lần ra mắt vào tháng 1.

Bài hát thứ 2 rất thành công của ban nhạc 6 Múi - Nguồn Youtube

Hiện nay, cuộc sống của các thành viên trong ban nhạc đã thay đổi, họ bận bịu với những công việc trong phòng thu, họp báo, chụp ảnh, quay clip và trả lời phỏng vấn không ngừng nghỉ. Nhưng thay đổi lớn lao nhất chính là sự thay đổi tích cực trong cách đối xử của những người đã từng xa lánh cô. "Sau ngần ấy năm cắt đứt liên lạc, anh trai tôi cũng đã gọi tôi trở về nhà. Hàng xóm thì bảo nhà tôi, nhìn kìa, con trai của ông bà lên TV hát hay quá kìa.' Còn những người khi xưa quấy rối chúng tôi trên đường thì nay lại trầm trồ, 'Cô ấy là ngôi sao trong nhóm 6 Múi.'"

Jagtap muốn gửi đến một thông điệp đến những gia đình có hoàn cảnh giống mình: "Có thể đứa con trong gia đình bạn là một hijra. Nhưng chúng đều xứng đáng được sống. Đừng nhốt họ lại, đừng che dấu họ đi. Và nếu như bạn không thể chấp nhận, hãy để họ tự do và sống cùng cộng đồng của họ, những người hiểu họ. Nhờ có nhóm 6 Múi, tôi đã có thể chứng minh với thế giới rằng tôi có thể làm được. Tôi đã có vị trí và tiếng nói của mình. Và tôi tự hào vì là một hijra.

Lê Quan (TheoThe Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban nhạc chuyển giới '6 Múi' đang 'gây bão' tại Ấn Độ