UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) vừa tiếp nhận tấm bản đồ quý giá do Hoàng đế Napoleon (Pháp) yêu cầu Viện trưởng viện địa lý hoàng gia Bỉ làm vào những năm 1800, trong đó khẳng định vị trí quần đảo Hoàng Sa thuộc đế chế An Nam (Việt Nam hiện nay).

Bản đồ thời Napoleon: Quần đảo Hoàng Sa thuộc đế chế An Nam

Lê Đình Dũng | 10/01/2017, 13:02

UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) vừa tiếp nhận tấm bản đồ quý giá do Hoàng đế Napoleon (Pháp) yêu cầu Viện trưởng viện địa lý hoàng gia Bỉ làm vào những năm 1800, trong đó khẳng định vị trí quần đảo Hoàng Sa thuộc đế chế An Nam (Việt Nam hiện nay).

Tấm bản đồ Partie de la Cochichinenày do ông Trần Thắng, một Việt kiều Mỹ trao tặng cho UBND huyện Hoàng Sa vào sáng nay, 10.1. Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa đã tiếp nhận tài liệu vô cùng quý giá này.

Ông Trần Thắng (trái) trao tặng tấm bản đồ quý giá cho huyện đảo Hoàng Sa

Ông Trần Thắng cho biết, đây là bản đồ được trích ra từ phần châu Á trong bộ Atlas thế giới rất nổi tiếng do ông Phillipe Vandermaelen (1795-1869), nhà Địa lý học kiệt xuất, người sáng lập Viện Địa lý hoàng gia Bỉ xuất bản gồm 6 tập khổ lớn (châu Âu, châu Á, Bắc châu Mỹ, Nam châu Mỹ, châu Phi và châu Úc). Bản đồ khu vực nước Việt Nam nằm ở tập 2 (châu Á), gồm các tờ Tunquin (số 97, trang 108); Campuchia và An Nam (số 105, trang 115) và Partie de la Cochichine (số 106, trang 116).

Partie de la Cochichinevẽ liền một mảnh rộng ngang khổ giấy A3, vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 (khu vực tỉnh Khánh Hòa, mà trên bản đồ có địa danh BINK-KANG (Bình Khang) và NHIATRANG (Nha Trang)) đến vĩ tuyến 16 (khu vực tỉnh Quảng Nam, mà trên bản đồ ở ngoài bờ biển có địa danh CHAMPELLA (Cù Lao Chàm). Phía ngoài khơi, PARACELS (Hoàng Sa) được thể hiện khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111.

Quần đảo PARACELS trong bản đồ có các đảo I. Pattles, I. Duncan ở phía tây; Tree. I và I. Lincoln, Bocher au dessas de l’eau ở phía Đông và Triton ở phía tây nam, ngay dưới vĩ tuyến 16; Investigateur ở sâu xuống phía nam khoảng vĩ tuyến 14,5 và đường đánh dấu phạm vi biển nông hay dải cát nằm ở độ sâu từ 5 đến 10 mét còn kéo dài đến vĩ tuyến 14 ngang với QUIN HONE (Quy Nhơn) ở phía trong bờ biển.

Bên cạnh khu vực được xác định là PARACELS, bản đồ có một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An Nam (Empire d’ An-nam), bao gồmcác nội dung Phisique, Politique, Statistique và Minéralogie.

Bản đồ về Hoàng Sa và bờ biển miền Trung Việt Nam

Theo ông Thắng, bản đồ này thể hiện quần đảo Hoàng Sa thuộc đế chế An Nam. “Đây là một tổng thể thể hiện địa lý, chính trị, xã hội trong đó thể hiện Hoàng Sa là của chúng ta. Bản đồ này do Hoàng đế Napoleon chỉ thị cho Viện trưởng Viện địa lý Hoàng gia Bỉ làm. Nó có giá trị về địa lý, pháp lý, khoa học và được cả thế giới công nhận”.

“Việc ông Trần Thắng tặng tấm bản đồ quý này sẽ làm cho kho tư liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam càng đồ sộ và vững chãi hơn để củng cố chứng cứ giúp cho việc trưng bày, giáo dục cho mọi người dân Việt Nam và phổ biến ra cộng đồng quốc tế thấy bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam chúng ta. UBND huyện Hoàng Sa cảm ơn sự góp tặng tư liệu rất quý báu của ông Trần Thắng trong thời gian qua, đặc biệt là tấm bản đồ vô cùng hiếm có ngày hôm nay”, ông Võ Ngọc Đồng phát biểu.

Ông Trần Thắng là người đã sưu tập và hiến tặng, chuyển nhượng cho TP.Đà Nẵng 150 bản đồ, 3 cuốn Atlas quý do Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới xuất bản, đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bản đồ thời Napoleon: Quần đảo Hoàng Sa thuộc đế chế An Nam