Khu du lịch quốc gia (cũng là di tích thắng cảnh quốc gia) hồ Tuyền Lâm ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) đang bị “băm nát” bởi hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng.

‘Băm nát’ di tích thắng cảnh hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt

bai cao | 22/01/2019, 12:03

Khu du lịch quốc gia (cũng là di tích thắng cảnh quốc gia) hồ Tuyền Lâm ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) đang bị “băm nát” bởi hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Thời gian qua, tình hình vi phạm trật tự xây dựng, xâm lấn vùng lõi di tích tại Khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Tuyền Lâm diễn ra tràn lan, dù KDL có ban quản lý đầy đủ.

Phim trường “chui” trong vùng lõi thắng cảnh
Mấy tháng qua, người dân Đà Lạt bất ngờ khi xuất hiện một phim trường sinh thái có tên Secret Garden (Khu vườn bí mật) rộng khoảng 1 ha ở tiểu khu 162 (P.4, TP.Đà Lạt), thuộc vùng lõi thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm, nằm trong phần đất tỉnh Lâm Đồng đã giao cho Công ty CP Nhật Nguyên để đầu tư dự án.
KDL hồ Tuyền Lâm được triển khai từ năm 2004 với tổng diện tích hơn 2.944 ha. Tính đến nay tỉnh Lâm Đồng đã giao cho 39 nhà đầu tư thực hiện dự án (trên 1.742 ha) và đã có 5 dự án đưa vào khai thác kinh doanh toàn bộ, 8 dự án khai thác kinh doanh một phần, 17 dự án đang triển khai đầu tư, 6 dự án “án binh bất động”, 3 dự án được tỉnh cho sang nhượng. Tháng 2.2017, Thủ tướng công nhận KDL này là KDL quốc gia, và đây cũng là KDL quốc gia đầu tiên trong nước.

Theo trình bày của Ban Quản lý KDL quốc gia hồ Tuyền Lâm (gọi tắt BQL), tháng 5.2018, ban này phát hiện và phối hợp với đơn vị chức năng lập biên bản hiện trường về việc Công ty CP Nhật Nguyên xây dựng công trình (2 cầu gỗ và 1 nhà gỗ) không có giấy phép ở tiểu khu nói trên và yêu cầu hoàn nguyên hiện trạng. Tháng 7.2018, BQL lại phát hiện công ty này san gạt rừng phòng hộ trái phép ngay trước cầu gỗ dẫn vào phim trường để làm bãi giữ xe. Ngày 16.8.2018, UBND TP.Đà Lạt ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này 40 triệu đồng vì xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng tại tiểu khu nói trên. Bốn ngày sau, UBND TP.Đà Lạt tiếp tục xử phạt công ty này 30 triệu đồng vì hành vi san gạt 200 m2 đất rừng phòng hộ trái phép.
Quyết định xử phạt yêu cầu tháo dỡ các công trình không phép, hoàn nguyên việc san gạt trái phép, nhưng đến ngày 5.1.2019, PV Thanh Niên vào phim trường này thì mọi thứ lại “hoành tráng” hơn. Trong phim trường có đến 3 nhà gỗ và nhiều cầu gỗ vươn ra hồ nước, các công trình phụ, có cả chuồng nuôi cừu để phục vụ du khách. Du khách vào phim trường phải mua vé vào cổng 50.000 đồng, vé không ghi ngày, tháng và có người thu lại vé. Đến ngày 16.1 thì ở đây không bán vé nữa, phía trong có 3 căn nhà gỗ được tháo gỡ qua loa (chủ yếu phần mái), cầu gỗ dài khoảng 50 m ngoài cổng dẫn vào vẫn còn nguyên, vài công trình khác vẫn còn.
Kè xây dựng “chui” chắn ngang một nhánh hồ Tuyền Lâm của Công ty CP đầu tư Lan Anh khi hoàn thành (nay đã đập bỏ phần trên mặt nước, còn phần dưới mặt nước chưa đập bỏ) Ảnh: Gia Bình


Kè xây dựng “chui” chắn ngang một nhánh hồ Tuyền Lâm của Công ty CP đầu tư Lan Anh khi hoàn thành (nay đã đập bỏ phần trên mặt nước, còn phần dưới mặt nước chưa đập bỏ)

Qua tìm hiểu thì được biết, vé vào cổng do Cục Thuế Lâm Đồng phát hành. Trên vé ghi rõ hộ kinh doanh Nguyễn Đình Quốc Bảo chứ không phải Công ty CP Nhật Nguyên. Ông Phạm Văn Dân, Giám đốc BQL, nói: “BQL chỉ quản lý chủ đầu tư chính thức, còn nếu có thêm nhà đầu tư thứ cấp nào đó liên kết, hợp tác với họ thì ban không thể biết được. Ngay cả việc ban gửi văn bản đề nghị Công ty CP Nhật Nguyên cung cấp các hồ sơ tài liệu về việc liên kết, hợp tác kinh doanh; trình tự thủ tục và tình hình bán vé thu phí tham quan gửi về ban trước ngày 15.1, nhưng đến nay (ngày 21.1) công ty vẫn chưa có động tĩnh gì”.

Tháo dỡ bờ kè chắn ngang di tích thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm
Theo tìm hiểu của PV, tháng 8.2017, ông Nguyễn Đình Quốc Bảo được Phòng Tài chính - Kế hoạch TP.Đà Lạt cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại tiểu khu 162 nói trên, với ngành nghề: dịch vụ chụp hình, vui chơi, cắm trại, ăn uống…
Từ giấy chứng nhận này, Chi cục Thuế TP.Đà Lạt (nay là Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương) đã quản lý thu thuế đối với ông Bảo và số thuế GTGT, TNCN phải nộp chỉ 700.000 đồng/tháng.
Tháng 11.2017, ông Bảo đăng ký mua vé và được Chi cục Thuế TP.Đà Lạt bán vé vào cổng (vé do Cục Thuế Lâm Đồng in). Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương cho biết, từ quý 4/2017 đến quý 3/2018, ông Bảo đã báo cáo sử dụng hết hơn 12.000 vé và nộp thuế 42.119.000 đồng. Tuy nhiên, do vé không ghi ngày, tháng và được thu lại nên dư luận nghi vấn liệu có sự quay vòng vé hoặc “nhân bản” thêm vé để bán cho du khách.


Công trình vi phạm của Công ty TNHH Trà Vườn Thương trong di tích (hình chụp tháng 6.2018 khi nước cạn) Ảnh: Gia Bình

PV gọi điện vào máy của lãnh đạo Công ty CP Nhật Nguyên để tìm hiểu thêm nhưng không ai nghe máy. PV cũng liên lạc với ông Bảo đề nghị trả lời một số vấn đề, nhưng ông Bảo nói “khó trả lời”.
Đua nhau… phá di tích
Không chỉ có phim trường, nhiều công trình khác cũng đua nhau vi phạm trật tự xây dựng, tàn phá di tích. Đáng nói, nhiều công trình đã xâm phạm đến khu vực I - khu vực được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích phải bảo vệ nguyên trạng.
Nằm gần đập chính hồ Tuyền Lâm là quán cà phê Pi Ni của Công ty TNHH Li Mi (P.10, TP.Đà Lạt). Đây vốn là nhà điều hành cũ, công ty này thuê từ BQL KDL hồ Tuyền Lâm trước đây với giá 50 triệu đồng/năm. Tháng 4.2018, quán cà phê bị cháy và công ty đã xây dựng lại trên nền hiện trạng cũ. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, công trình không có giấy phép xây dựng. Đáng lưu ý, công trình này nằm trong khu vực I di tích quốc gia thuộc khu vực cấm xây dựng, lấn chiếm. Ngoài ra, công trình bờ kè kiên cố được công ty này xây dựng trái phép nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Tuyền Lâm và trực tiếp xâm phạm di tích thắng cảnh quốc gia này.


Cầu gỗ bắc ra hồ Tuyền Lâm của phim trường Secret Garden trong di tích quốc gia (ảnh chụp ngày 16.1) Ảnh: Gia Bình

Cách quán cà phê Pi Ni vài chục mét về phía bên kia đập là một cụm công trình không có giấy phép xây dựng khác của Công ty TNHH Trà Vườn Thương. Tại đây có 4 khối công trình dùng làm nhà ở, kinh doanh lưu trú, quán kinh doanh… với tổng diện tích xây dựng hơn 553 m2; trong đó có hạng mục nằm sát mặt hồ vi phạm hành lang bảo vệ lòng hồ, vi phạm khu vực I di tích. Những công trình này đã được cơ quan liên quan phát hiện từ tháng 6.2017, đến tháng 6.2018 UBND TP.Đà Lạt xử phạt, yêu cầu tháo dỡ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết do chủ đầu tư khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính và khiếu nại giá cả đền bù, địa phương đang giải quyết!
Công ty CP đầu tư Lan Anh đã xây dựng nhà rường số 1 (vi phạm lộ giới giao thông, hiện đã tháo dỡ), nhà rường số 2 không phép xây dựng, và xây dựng “chui” một kè dài khoảng 30 m, cao 2 m bằng bê tông cốt thép chắn ngang một nhánh hồ Tuyền Lâm. Ông Phạm Văn Dân cho biết: “Hiện nay Công ty CP đầu tư Lan Anh đã chấp hành tháo dỡ phần trên mặt nước của kè chắn, còn lại phía dưới mặt nước do mùa này nước lớn, công ty cam kết hoàn nguyên vào tháng 4 - 5.2019”.
Công ty CP đầu tư Lý Khương xây dựng không phép 19 căn bungalow tại khu vực I của di tích, xây vườn tượng, công trình mỹ thuật không phép ở khu vực khe tụ thủy của hồ Tuyền Lâm. Theo Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, đến nay công ty đã tháo dỡ các hạng mục vi phạm.
Theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, từ năm 2010 đến nay có 10/39 dự án đầu tư vi phạm trật tự xây dựng tại KDL quốc gia hồ Tuyền Lâm; riêng năm 2018 có 5 trường hợp vi phạm, chủ yếu là không giấy phép xây dựng, xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng hồ, vi phạm khu vực I di tích, vi phạm chỉ giới, lộ giới đường giao thông...

Lòng hồ cũng bị xâm phạm

Ông Trịnh Quang Ứng, Giám đốc Trung tâm quản lý đầu tư và khai thác thủy lợi Lâm Đồng, cho biết: Hồ Tuyền Lâm có diện tích mặt nước hơn 300 ha, dung tích hồ trên 27 triệu m3. Ngoài phục vụ du lịch, hồ còn tưới tiêu cho hơn 2.700 ha đất sản xuất nông nghiệp ở H.Đức Trọng.
Hiện nay ở lòng hồ Tuyền Lâm có 4 vó bè, 23 nhà nổi, 2 chòi nổi, 18 chiếc cầu và 1 nhạc nước. Hầu hết xây dựng chưa được cấp phép hoạt động trong phạm vi công trình thủy lợi theo quy định.

Theo Thanh Niên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Băm nát’ di tích thắng cảnh hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt