Việc giải phóng mặt bằng có thể coi là chìa khóa để làm bài toán giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án lớn. Để làm được điều ấy, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở là động lực cốt lõi.

Bài toán giải ngân vốn đầu tư công ở TP.HCM: Chìa khóa từ cơ sở

Hồ Đông | 06/11/2023, 18:05

Việc giải phóng mặt bằng có thể coi là chìa khóa để làm bài toán giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án lớn. Để làm được điều ấy, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở là động lực cốt lõi.

dautucong.jpg
TP.HCM đẩy mạnh giải ngân đầu tư công - Ảnh: Internet

Ngày 6.11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.Thủ Đức về công tác giải ngân vốn đầu tư công. Ông Mãi đánh giá giải ngân đầu tư công tại TP.Thủ Đức không chỉ là việc riêng Thủ Đức mà còn liên quan rất nhiều đến các ban ngành TP.HCM. Việc giải ngân đầu tư công vừa thúc đẩy các công trình của TP.Thủ Đức, vừa thúc đẩy công trình của TP.HCM.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu TP.Thủ Đức phải là đơn vị đi đầu, về đích sớm, về trước đối với đầu tư công trong khối các quận huyện. Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Chúng ta phải đặt ra nền tảng để TP.Thủ Đức tăng tốc, bứt phá rõ nét, đi trước và đi xa để cùng kéo toa tàu của TP.HCM phát triển”.

Giải ngân vốn đầu tư công đang là vấn đề mà chính quyền TP.HCM phải tập trung giải quyết trong những tháng cuối năm. Tuần trước, trong phiên họp tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 10, ông Phan Văn Mãi đã lưu ý: “Phải phấn đấu đạt mục tiêu 95%, và một số dự án cụ thể chậm có lý do chính đáng thì cũng quyết tâm không để dưới 80%”, đồng thời đề nghị các chủ đầu tư tổ chức quán triệt, tổ chức lực lượng thi đua 60 ngày đêm thực hiện giải ngân đầu tư công.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM còn nhắc “các đơn vị nào không gửi bản cam kết thì Văn phòng UBND TP phối hợp Sở Kế hoạch - Đầu tư lập danh sách và xác định rõ nguyên nhân, tiến hành xem xét, đề xuất hình thức kỷ luật, chứ không phê bình nữa”.

Trên thực tế, TP.HCM đang tập trung các biện pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, như: Tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, đánh giá sát tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trên địa bàn, bảo đảm đạt kết quả giải ngân năm 2023 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Quán triệt, triển khai Kết luận 767-KL/TU ngày 20.10.2023 của Ban Thường vụ Thành ủy tại hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn: tập trung xác định rõ trách nhiệm của các sở ban ngành, chủ tịch UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức, chủ đầu tư dự án để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực chỉ đạo, điều hành đối với từng tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị; đồng thời, có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, cá nhân nỗ lực thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Các sở ban ngành và địa phương chủ động rà soát, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa trong phối hợp, triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2023.

Đặc biệt là TP.HCM đang nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại những dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư, trong đó: ưu tiên các dự án trọng điểm, cấp bách, như các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM, dự án nút giao thông An Phú, mở rộng quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao thông Mỹ Thủy, cầu Tân Kỳ Tân Quý, đường Dương Quảng Hàm... 

Liên quan đến tình hình giải ngân vốn đầu tư công, trong phiên thảo luận tại Quốc hội mới đây, Chủ tịch HĐNĐ TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đã nói về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo bà Lệ, từng dự án phải xây dựng lộ trình, kế hoạch chi tiết, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án đầu tư công, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân dự án là vướng mắc trong công tác giải phóng pháp mặt bằng.

Việc giải phóng mặt bằng có thể coi là chìa khóa để giải bài toán giải ngân vốn đầu tư công các dự án lớn. Trong việc này, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở chính là động lực cốt lõi. Do vậy, sau khi kêu gọi thi đua 60 ngày đêm thực hiện giải ngân đầu tư công, Chủ tịch Phan Văn Mãi xuống làm việc ngay với TP.Thủ Đức chính là cụ thể hóa quyết tâm của chính quyền TP.

Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết tổng đầu tư công trên địa bàn TP.Thủ Đức phải tập trung thực hiện năm 2023 là 9.460 tỉ đồng, với 128 dự án. Đến nay, tổng trị giá giải ngân là hơn 6.522 tỉ đồng (đạt tỷ lệ 69%).

Về kế hoạch 2 tháng cuối năm, theo ông Hoàng Tùng, đối với nguồn vốn được UBND TP.HCM giao, trong tổng nguồn giao cho TP.Thủ Đức năm 2023, thì nguồn vốn bố trí thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án là 2.145/2.475 tỉ đồng (đạt 86,6%). Đặc thù của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thường trải dài qua nhiều công đoạn, trong đó việc đo đạc và xác minh nguồn gốc chiếm nhiều thời gian, nên việc giải ngân dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm.

Hiện nay, công tác đo đạc, kiểm đếm và xác minh nguồn gốc đất về cơ bản hoàn thành. Trong tháng 10.2023, UBND TP.Thủ Đức đã duyệt hệ số điều chỉnh giá đất đối với 3 dự án có tổng vốn 1.881 tỉ đồng, gồm: xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (1.410 tỉ đồng); 2 đoạn đường Lã Xuân Oai (190 tỉ đồng và 281 tỉ đồng) và tiếp tục triển khai các dự án tiếp theo. Theo Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, sau khi giải ngân được 3 dự án nói trên, lũy tiến giải ngân của TP.Thủ Đức sẽ đạt hơn 2.375/2.476 tỉ đồng (đạt tỷ lệ 96%).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài toán giải ngân vốn đầu tư công ở TP.HCM: Chìa khóa từ cơ sở