9 năm sau vụ án, những kẻ liên quan đến cái chết, sự oan khuất của Lữ Anh Dồi vẫn chưa bị trừng phạt. Hành trình kêu oan cho chồng của bà Nguyễn Thị Mai vẫn chưa dừng lại. Chuyển biến mới khi bà Mai có cơ duyên “diện kiến” lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Bài 3: Kế hoạch tìm gặp Tổng bí thư để kêu oan

Nguyên Việt | 24/02/2017, 10:47

9 năm sau vụ án, những kẻ liên quan đến cái chết, sự oan khuất của Lữ Anh Dồi vẫn chưa bị trừng phạt. Hành trình kêu oan cho chồng của bà Nguyễn Thị Mai vẫn chưa dừng lại. Chuyển biến mới khi bà Mai có cơ duyên “diện kiến” lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Bài 1: Cái chết của Lữ Anh Dồi và những ngày tháng đoạn trường của người vợ trẻ

Bài 2: Ai giết Lữ Anh Dồi?

Những năm tháng công lý bị vùi lấp

Sau khi bà Nguyễn Thị Mai vì kêu oan cho chồng mà phải rời khỏi ngành giáo dục, bà trở về nhà cha mẹ, sống một cuộc đời thầm lặng. Đó cũng là thời gian theo bà là khủng khiếp nhất khi phải đối diện với dư luận. Nhữngngười thân trong gia đình cũng hết lời khuyên ngăn bà Mai kêu oan cho Lữ Anh Dồi.

Mọi người đều nhìn thấy “ngõ cụt” mà bà Mai đang đi. Trong khi đó, những câu hỏi: “Ai giết anh Dồi? Tại sao lại giết anh Dồi?” cứ lởn vởntrong đầu. Bà Mai sống với đồng ruộng, việc nhà, xa lánh mọi người và bị mọi người xa lánh. Nhưng lời thề trước mộ chồng vẫn không nguôi ngoai. Mỗi năm, những đơn thư kêu oan của bà vẫn được gửi đều đặn đến các cơ quan chức năng, từ Trung ương đến địa phương.

2 năm sau ngày nghỉ dạy, vì trường thiếu giáo viên, bà Mai được gọi trở lại trường làm việc dưới hình thức hợp đồng. Bà Mai kể: “Tôi lao vào công việc, tôi không để bản thân mình được rảnh rang. Bởi mỗi lần không làm việc gì thì hình ảnh của anh Dồi cứ hiện hữu trong đầu tôi. Lúc đó thời gian cứ trôi qua, hàng tháng rồi hàng năm. Vụ án của chồng tôi vẫn chìm trong nỗi tuyệt vọng”.

Trở lại với công việc, bà Mai có cơ hội tiếp xúc với nhiều thông tin có lợi cho việc kêu oan cho chồng. Vụ án của Lữ Anh Dồi lúc ấy lại được nhiều người biết tới. Nhiều người đồng cảm, ủng hộ bà Mai kêu oan cho chồng.

1 trong sự ủng hộ đó là từ Báo Minh Hải, đó cũng là thời điểm mà vụ án đã trôi qua được 8 - 9 năm. Bài báo đầu tiên được tờ báo này đăng tải trong mục báo chí công khai với tựa đề: “Tiếng kêu thống thiết của chị Nguyễn Thị Mai”.

Nội dung được đăng tải là lá đơn đẫm nước mắt của bà Mai. Hàng trăm câu hỏi được đặt ra, đau đáu suốt gần 1 thập kỷ qua. Nhà báo trẻ Dương Thanh Long và Trần Thành Nên của Báo Minh Hải, là 2 cây bút được phân công để điều tra, tìm hiểu vụ án còn nhiều điều nghi vấn này. Sát cánh bên bà Mai chính là nhà báo trẻ Dương Thanh Long, ông đã không quản ngại khó khăn, vất vả để lao vào cuộc chiến tìm công lý.

Thái Văn Hùng chuẩn bị hầu tòa

Ông Long chia sẻ: “Lúc mới nhận đơn thư của bà Mai, với linh cảm nghề nghiệp tôi nhận thấy vụ án này còn nhiều uẩn khúc. Lúc ấy tôi chỉ mới vào nghề chập chững vài năm, vụ án Lữ Anh Dồi tôi đã từng nghe qua nhưng chưa bao giờ được tiếp xúc trực tiếp hồ sơ”.

Càng lắng nghe bà Mai, ông Long càng trân quý sự can đảm, kiên trung của người phụ nữ này. Gần 10 năm qua, bà Mai chưa bao giờ nguôi ngoai tâm nguyện giải oan cho chồng. Nhiệt huyết ấy khi gặp được người biết lắng nghe đã có khả năng truyền tải vô cùng ấn tượng. Ông Long sau khi nắm hết sự tình đã hạ quyết tâm, sát cánh cùng bà Mai trong hành trình truy tìm sự thật này.

Năm 1988, sau một thời gian tìm hiểu, ông Long biết được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sinh sống ở Sài Gòn. Biết được địa chỉ, ông Long bàn với bà Mai và 1 người bạn, cả 3 người chuẩn bị tư trang lên Sài Gòn. Họ ở nhờ nhà người quen để tìm cơ hội gặp Tổng Bí thư.

Chờ đợi suốt nhiều tuần mà không có kết quả, cả 3 người lại trở về Minh Hải. Nhưng từ đó, dù có khó khăn mấy bà cũng nhất định bằng mọi giá phải gặp được người lãnh đạo cao nhất để kêu oan.

Được người rước tới gặp Tổng bí thư

Dịp may hiếm có, trong năm đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dành thời gian đến Minh Hải để thăm và làm việc. Nhận được tin này từ nhà báo Long, bà Mai rối bời tìm cách để gặp Tổng Bí thư.

Bà Mai không giấu được hồi hộp, kể: “Tôi có lại đăng ký gặp bác Linh, nhưng mấy anh bên ủy ban bảo rằng đợt làm việc này bác Linh không có kế hoạch tiếp dân. Nhưng nếu bỏ lỡ cơ hội này, tôi sẽ không còn cơ hội nào tốt hơn nữa để kêu oan cho chồng, tôi quyết nắm bắt lấy”.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà báo Long, bà Mai đi từ cửa sau của UBND tỉnh Minh Hải, vượt qua nhiều trạm gác để tiến vào phía trong. Nhưng khi còn cách Tổng Bí thư đúng 1 cánh cửa thì bà Mai bị lính gác giữ lại.

Nhìn thấy bà Mai tay cầm di ảnh chồng, đầu quấn khăn trắng, lính gác hoảng hồn đưa bà Mai ra khỏi ủy ban. “Tôi buộc phải trở về, nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi về tính lại, phải có cách nào đó để gặp được bác Linh, đó là hy vọng cuối cùng của tôi”, bà Mai kể.

Trong lúc thất thểu trên đường ra về, bà Mai được nhiều phụ huynh học sinh và người dân nhận ra. Họ hiếu kỳ kéo theo bà Mai suốt một đoạn đường dài. Thông tin bà Mai đi gặp Tổng Bí thư để kêu oan cho chồng được lan rộng nhanh chóng, hàng trăm người dân cùng kéo theo bà Mai để bảo vệ cho bà.

Việc này, khiến Công an P.2 của TX.Cà Mau lúc bấy giờ vô cùng hoảng hốt. Họ cho xe ra rước bà Mai vào trụ sở để người dân ra về. Nhưng chính vì hành động này, người dân cho rằng bà Mai đi kêu oan cho chồng bị bắt khiến họ càng nhốn nháo lên.

“Họ kéo đến vây kín trụ sở Công an P.2, đòi công an thả tôi ra. Mấy chú công an lúc đó cũng phát hoảng, tôi mới nói với mấy chú cho tôi ra giải thích với bà con rằng tôi không bị bắt. Có như vậy, bà con mới chịu tin và ra về. Tôi được mấy anh công an đưa về tận nhà”, bà Mai kể chuyện.

Trở về nhà, bà Mai đang lo lắng suy nghĩ không biết bằng cách nào để gặp được Tổng Bí thư thì bất ngờ 3 ngày sau, có chiếc ô tô chạy đến đỗ trước nhà bà. Các cảnh vệ, công an tìm gặp bà thông báo Tổng Bí thư cho gọi bà đến gặp.

Bà Mai bàng hoàng không tin được vào tai mình. Suốt đoạn đường ngồi trên xe tới ủy ban, bà vừa mừng vừa lo, những cảm xúc lẫn lộn đan xen. Sau này bà Mai biết được, để có buổi gặp mặt “lịch sử” này là nhờ vào các lãnh đạo tỉnh Minh Hải lúc bấy giờ đã khéo léo sắp xếp, an bài.

Đến nơi, bà Mai ngồi chờ ở phòng khách ủy ban ít phút. Tổng Bí thư xuất hiện giản dị, gần gũi trong chiếc áo trắng, khuôn mặt hiền hậu. Bà Mai xúc động nhớ lại: “Bác chủ động chào tôi trước, hỏi thăm sức khỏe tôi. Bác rất nhẹ nhàng, dịu dàng như bậc cha chú trong gia đình vậy. Điều đó khiến tôi an tâm hơn rất nhiều. Sau khi thăm hỏi xong, bác bảo tôi có 30 phút để trình bày việc của mình”.

Trong 30 phút ấy, vị lãnh đạo cao nhất của dân tộc đã lắng nghe hết sức chăm chú còn bà Mai cũng đã trút hết nỗi lòng chất chứa suốt 9 năm qua. Câu chuyện kết thúc với lời động viên của Tổng Bí thư. Và, quan trọng hơn là lời hứa sẽ sớm đưa vụ việc ra xét xử.

Bà Mai trở về nhà, lòng nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân. Sau gần 10 năm, đây là lần đầu tiên vụ án của Lữ Anh Dồi có một chuyển biến lớn như vậy.

Lại nói về Thái Văn Hùng, kẻ bắn chết Lữ Anh Dồi. Sau khi vụ án xảy ra, Hùng được lên lon thiếu úy vì lập công lớn. Nhưng kề sau quyết định lên chức cũng chính là quyết định tạm giam để điều tra vụ án. Trong quá trình điều tra, Hùng một mực khẳng định đã làm tròn chức trách của mình.

Ngọc Hàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 3: Kế hoạch tìm gặp Tổng bí thư để kêu oan