Ngày 22.1.2013, Bộ Ngoại giao Philippines họp báo thông báo đã khởi kiện "đường chín đoạn" của Trung Quốc tại Tòa Trọng tài thường trực. Trong 15 vấn đề Philippines khởi kiện, Tòa Trọng tài thường trực đã thụ lý 7 vấn đề.

Bài 2: Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế

11/07/2016, 11:12

Ngày 22.1.2013, Bộ Ngoại giao Philippines họp báo thông báo đã khởi kiện "đường chín đoạn" của Trung Quốc tại Tòa Trọng tài thường trực. Trong 15 vấn đề Philippines khởi kiện, Tòa Trọng tài thường trực đã thụ lý 7 vấn đề.

Ngày 22.1.2013, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thông báo Philippines khởi kiện Trung Quốc - Ảnh: Inquirer

Philippines kiện Trung Quốc về 15 vấn đề

Ngày 22.1.2013, Philippines đã khởi đầu quy trình trọng tài theo phụ lục VII (Trọng tài) của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) bằng cách gửi "Tuyên bố và thông báo khởi kiện" cho Tòa Trọng tài ở The Hague (Hà Lan) để khởi kiện Trung Quốc về "Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với biển Tây Philippines".

Ngày 19.2.2013, Trung Quốc gửi cho Philippines công hàm "Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Nam Hải” nhằm từ chối tham gia quá trình trọng tài.

Cho dù Trung Quốc từ chối tham gia quá trình trọng tài, từ ngày 7 đến 13.7.2015, Tòa Trọng tài thường trực vẫn tiến hành phiên điều trần.

Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) - Ảnh: Reuters

Trong hồ sơ gửi lên Tòa Trọng tài thường trực, Philippines đã đưa ra 15 vấn đề, bao gồm:

1. Quyền lợi hàng hải của Trung Quốc cũng như của Philippines trên Biển Đông không thể vượt quá những gì được quy định trong UNCLOS.

2. Yêu sách của Trung Quốc đối với quyền chủ quyền, quyền tài phán và “quyền lịch sử” đối với khu vực Biển Đông mà nước này đưa ra trong “đường chín đoạn” là trái với UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý vì yêu sách vượt quá giới hạn địa lý và các quyền lợi hàng hải mà Trung Quốc được hưởng căn cứ theo UNCLOS.

3. Bãi cạn Scarborough không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Bãi cạn Scarborough - Ảnh: Inquirer

4. Đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây và đá Subi là những thực thể “nửa chìm nửa nổi” (chỉ nổi khi thủy triều xuống), không tạo ra lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Chúng là những thực thể không đủ điều kiện để các quốc gia chiếm hữu bằng hình thức cư ngụ cũng như các hình thức khác.

5. Đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

6. Đá Gaven và đá Kennan là thực thể “nửa chìm nửa nổi” không tạo ra lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Nhưng đường nước triều thấp nhất của chúng có thể dùng để xác định đường cơ sở của đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn, từ đó xác định được lãnh hải của hai đảo này.

7. Đá Gạc Ma, đá Châu Viên và đá Chữ Thập không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

8. Trung Quốc đã can thiệp bất hợp pháp bằng việc khai thác tài nguyên sinh vật và vi sinh vật cũng như thực thi các hành động khẳng định chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, nơi Philippines vốn có chủ quyền.

9. Trung Quốc đã không ngăn cản các tàu của Trung Quốc khai thác tài nguyên sinh vật tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

10. Trung Quốc đã ngăn cản bất hợp pháp ngư dân Philippines đến đánh bắt tại vùng biển gần bãi cạn Scarborough, nơi vốn là ngư trường truyền thống của họ.

Tàu cá Philippines đã nhiều lần bị tàu thực thi pháp luật Trung Quốc chặn không cho vào đánh bắt tại vùng biển gần Bãi cạn Scarborough- ảnh: inquirer.net
Tàu cá Philippines đã bị tàu thực thi pháp luật Trung Quốc không cho đánh bắt ở bãi cạn Scarborough - Ảnh: Inquirer

11. Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi không bảo vệ môi trường biển tại bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây.

12. Theo UNCLOS, hành động chiếm đóng và xây dựng của Trung Quốc trên đá Vành Khăn đã vi phạm: Quy định về cấu trúc và việc xây dựng các đảo nhân tạo, quy định về bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, chiếm đóng bằng vũ lực, cấu thành hành vi trái luật.

13. Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS khi cho phép các tàu thực thi pháp luật của nước này có hành vi gây nguy hiểm với tàu Philippines trong vùng biển gần bãi cạn Scarborough.

14. Trung Quốc đã có hành vi mở rộng tranh chấp như can thiệp quyền tự do hàng hải của Philippines tại vùng biển gần bãi Cỏ Mây, ngăn cản Philippines tiếp tế cho lực lượng đóng tại bãi Cỏ Mây, gây nguy hiểm cho lực lượng Philippines tại bãi Cỏ Mây.

15. Trung Quốc phải chấm dứt các tuyên bố và hành động phi pháp.

Tòa Trọng tài thường trực thụ lý 7/15 vấn đề

Ngày 29.10.2015, Tòa Trọng tài thường trực khẳng định tòa có quyền tài phán đối với 7/15 vấn đề mà Philippines khởi kiện Trung Quốc, bao gồm các điều 3, 4, 6, 7, 10, 11, 13.

Trung Quốc đã bồi đắp trái phép và xây đá Chữ Thập thành đảo - Ảnh: DigitalGlobe

Có thể thấy trong 7 điều trên có 4 điều liên quan đến việc xác nhận tính chất của các thực thể như đá Vành Khăn, bãi cạn Scarborough, bãi Cỏ Mây, qua đó có thể xác định được vùng biển do những thực thể này tạo ra theo UNCLOS.

Còn 3 điều còn lại là cáo buộc Trung Quốc vi phạm UNCLOS khi ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt cá tại ngư trường truyền thống, không bảo tồn môi trường biển, cho phép các tàu chấp pháp gây nguy hiểm cho tàu Philippines.

Ngoài ra, tòa cũng bảo lưu việc xem xét các vấn đề còn lại, trong đó có vấn đề 2 đề cập đến tính pháp lý của yêu sách “đường chín đoạn”.

Cẩm Bình (theo pcacase.com, idsa.in)

Bài 3: UNCLOS - căn cứ pháp lý để Philippines kiện Trung Quốc

Bài liên quan
Hàng nghìn căn nhà cháy rụi tại thủ đô Philippines
Hãng AFP đưa tin vào ngày 24.11, một đám cháy lan rộng trong khu ổ chuột tại thủ đô Manila của Philippines khiến khói đen dày đặc bao phủ kín bầu trời.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế