Không chỉ người địa phương, mà ở khắp miền Tây Nam Bộ, nhiều người vẫn rỉ tai truyền tụng các huyền thoại, sự vụ để minh chứng cho sự linh thiêng huyền bí của Bà Chúa Xứ.

Bài 2: Chuyện về nữ thần 'giàu nhất' Việt Nam: Những huyền thoại tạo nên sự linh thiêng

Hồ Hùng | 18/02/2019, 07:19

Không chỉ người địa phương, mà ở khắp miền Tây Nam Bộ, nhiều người vẫn rỉ tai truyền tụng các huyền thoại, sự vụ để minh chứng cho sự linh thiêng huyền bí của Bà Chúa Xứ.

          

Bài 1: Chuyện về vị thần nữ ‘giàu nhất’ Việt Nam: Khách ‘VIP’ của các ngân hàng

Ông Nguyễn Văn Bảy (72 tuổi, ngụ P.Núi Sam, cách miếu Bà Chúa Xứ chưa đầy 2 km) kể rằng ông rất tin vào những câu chuyện linh thiêng về Bà Chúa Xứ. Tuy đã sống từ nhỏ ở đây nhưng bản thân ông… chưa chứng kiến sự vụ nào, những chuyện mà ông biết, đều do cha - ông của ông Bảy kể lại.

Ông nói thời xưa miếu Bà được dựng đơn sơ bằng cây lá tại vùng đất này, khi đó rất hoang vu. Nhưng hằng trăm năm trước, người dân đã một mực tôn kính và thờ phụng Bà, xem như vị chúa xứ “cai quản” vùng này. Năm đó, có người đến khấn vái Bà, sau đó làm ăn phất lên. Để trả lễ Bà, người ấy đã thuê thợ kim hoàn làm một sợ dây chuyền vàng lớn và đẹp, đeo lên cổ Bà như thứ trang sức cho người sống.

Rồi nhiều người khác thấy vậy, cũng làm theo. Vùng hoang vắng, cũng ít người tới lui trông coi miếu Bà, nên bọn đạo chích để ý. Dĩ nhiên, chúng ngó thẳng vào mớ dây chuyền, trang sức mà Bà đang đeo.

“Cung điện” nguy nga của Bà Chúa Xứ tại núi Sam - Ảnh: Nguyễn Hồ

Đêm đó tối trời, cả bọn lẻn đến. Vì tượng Bà đặt khá cao nên chúng phải kê đồ vật để đứng với lên, gỡ trang sức của Bà. Vừa lúc đó, một cơn gió lạnh đột ngột rít qua. Chiếc đèn dầu trên bàn thờ tắt phụt… Sáng ra, người dân đến cúng phát hiện cả 3 tên trộm đều chết cứng, cổ bị gãy, máu mồm rỉ đỏ. Cặp mắt của chúng vẫn trợn ngược, đầy vẻ kinh hoàng!

Khá lâu sau vụ đó, một tên trộm ma ranh mới ngẫm nghĩ: “Bà chỉ bẻ cổ? Mà có thiệt hay là đồn bậy? Thử xem sao!”. Đêm đó, y lẻn vào miếu Bà. Quan sát một hồi để biết lối hướng, rồi chuẩn bị đâu đó xong xuôi, y mới chụp lên đầu cái nồi đất to tướng, rồi lọ mọ gỡ trang sức của bà! Chắc y nghĩ, có cái nồi thì cổ đâu có lộ ra đâu mà Bà bẻ.

Không ngờ, vừa bước xuống chạm đất, cái nồi ấy cứ xoay tít trên đầu y, như có lực vô hình nắm ngay vành nồi - phần che cổ của y, mà xoay vòng liên tục. Sợ tè ra quần, y chạy thục mạng, không dám lấy một món nữ trang nào…

Còn có gã thanh niên nọ, hôm đó say rượu bước vào miếu Bà. Trông thấy mọi người xì xụp thắp hương khấn vái, y tức khí buột miệng: “Bà này làm quái gì mà phải cúng vái bả”. Ngay lập tức, như có sức mạnh vô hình nào đó, quật y chổng ngược, đầu cắm xuống đất với tư thế trồng chuối. Y hoảng hốt kêu la, khẩn cầu Bà tha tội. Lát sau, y mới ập cả thân người xuống đất, lồm cồm bỏ chạy có cờ.

Còn anh Nguyễn Văn Tùng (43 tuổi) ngụ xã Bình Hòa, H.Châu Thành, tỉnh An Giang khẳng định: “Khi quân Pol Pot tràn sang biên giới Việt Nam - Campuchia hồi năm 1978, thảm sát nhiều người dân vô tội ở vùng biên giới An Giang, Bà cũng đã báo điềm từ trước. Trước đó chỉ chừng 1 năm, khuôn mặt tượng Bà tự dưng có cảm giác như tối sầm lại. Nhiều người lấy khăn lau, tô sơn… nhưng vẻ mặt của Bà vẫn rất tối. Không bao lâu sau thì thảm họa Ba Chúc xảy ra”.

Lúc nào cũng có đông người đến miếu để tỏ lòng thành kính với Bà - Ảnh: Nguyễn Hồ

Trong vòng 2 tuần lễ, chỉ từ ngày 18 - 30.4.1978, đã có tới 3.157 người dân thường sinh sống tại xã Ba Chúc (H.Tri Tôn, tỉnh An Giang) bị quân Pol Pot dồn vào chùa, trường học để sát hại. Phần lớn nạn nhân bị bắn, chém, chặt đầu, nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, bị đóng cọc vào chỗ kín… Hiện nay, tại Khu chứng tích tội ác diệt chủng Pol Pot ở xã Ba Chúc vẫn còn nguyên các bức tường bê bết máu, khung hộp kiếng chứa đựng hài cốt của 1.159 nạn nhân…

Tuy nhiên, theo Ban Quản trị khu lăng miếu núi Sam, đó đều là những câu chuyện truyền miệng và sự thật chưa được khẳng định. Nhiều khả năng, chuyện thật cũng có, nhưng thêu dệt thì cũng nhiều. Như thời gian trước, nhiều người đến miếu Bà cúng vái, đã râm ran đồn lên rằng dạo này trông Bà… mập lên. Sự thật thì có thời điểm Ban Quản trị cho Bà mặc đến 3 lớp áo. Mặc áo nhiều, nên trông xùng xình, to lớn hơn là bình thường…

Và chuyện có thật về quyền uy của Bà

Ông Bảy kể thêm: “Thời Pháp thuộc, có một ông người Pháp, đi cùng người thư ký ghé vào miếu Bà. Nhìn ngó quanh quất, quan sát kỹ tượng Bà, không hiểu sao ông ta có ý định lột áo Bà ra, xem thử bên trong. Nghĩ là làm, ông ta xăm xăm leo lên cởi áo Bà ra. Nhưng Bà rất hiển linh, nên như báo tin cho nhiều người kéo đến lập tức, bắt trói ông ta ngay”. Mà thời đó, dám bắt trói một ông người Pháp quả là việc động trời!

Sự thật thế nào? Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam - quyển sách biên khảo của nhà văn Trịnh Bửu Hoài, phát hành năm 2010, cũng đã đề cập khá kỹ về sự vụ này. Có thể tóm tắt sự việc như sau: Một ngày đầu thu năm 1942, một người Pháp cùng người thư ký vào miếu, tự tiện cởi áo Bà, ghi chép và phác họa tượng Bà. Bà từ (coi miếu) không dám ngăn cản, chỉ biết vội chạy đi báo ông Hương cả Phạm Văn Hảnh.

Ông Hảnh liền tới miếu, ra lệnh cho bà từ mặc lại áo cho Bà chỉnh tề rồi quay sang làm việc với hai người khách lạ. Lúc này, người Pháp ấy mới trình giấy của Chánh tham biện tỉnh Châu Đốc, giới thiệu: ông Malleret là Chủ tịch Hội Khảo cổ Hà Nội, đi sưu tầm cổ vật tiềm ẩn ở vùng này. Ông Hương cả xem xong, vẫn tỏ thái độ không hài lòng, phê bình việc làm phạm thượng của ông Malleret.

Cầu xin Bà phù hộ để làm ăn khấm khá - Ảnh: Nguyễn Hồ

Về phía ông Malleret, khi nghe qua sự ngưỡng vọng tôn kính của dân làng địa phương và vùng lân cận đối với Bà Chúa Xứ, ông này từ thái độ tức giận (vì người bản xứ dám la rầy ông), đã chuyển sang bối rối, sợ sệt. Và chiều đó, hai người Pháp là ông Gauthier - Chánh tham biện Châu Đốc, và ông Malleret, phải đi xe con đến nhà ông Hương cả thương lượng, cuối cùng thống nhất: để chuộc tội, hai ông sẽ tổ chức lễ tạ tội và cúng Bà 1 con heo, 1 mâm xôi.

Ông Malleret theo đạo Công giáo nên không biết lạy, nhưng phải đứng nghiêm trước tượng Bà trong buổi lễ. Và bà con trong vùng đến dự lễ tạ tội này rất đông, nói lên sự uy nghiêm của Bà Chúa Xứ. Và uy nghiêm ấy nghiễm nhiên càng tăng gấp bội, khi họ chứng kiến cảnh ông Tây oai vệ, hách dịch nay cũng phải chịu phạt trước Bà…

Còn mới đây nhất, theo anh Tùng: “Năm 2009 cũng xảy ra chuyện. Theo tôi biết, bà Nguyễn Thị Kim Hoàng ngụ Q.Bình Thủy (TP.Cần Thơ) sau khi trúng số đã đến cúng Bà. Lúc khấn vái, bà Hoàng xin Bà hộ độ cho trúng số lần nữa, sẽ lên cúng hậu tạ Bà 100 triệu đồng”.

Hai tháng sau, bà Hoàng lên cúng đủ số tiền ấy. Do đó, anh Tùng khẳng định, nếu bà Hoàng không trúng số lần nữa thì làm gì phải thực hiện lời hứa. “Như vậy, chuyện Bà linh hiển là thật”, anh nói. Và sự việc tiếp theo càng khiến anh Tùng thán phục sự linh thiêng của Bà.

Đó là khi bà Hoàng cúng số tiền ấy, thay vì ghi sổ 100 triệu đồng, thì người phụ trách khâu đó chỉ ghi là bà cúng… 1 triệu đồng. “Nhưng ăn tiền của Bà đâu phải dễ!”, anh Tùng nói. Dè đâu cúng xong, bà Hoàng sang khu khác (cũng trong miếu) để xin lộc, mà đến 50 cái khăn lộc nhưng ở đây chỉ phát cho bà Hoàng 1 cái. Tức khí, bà nói thẳng: “Tui cúng cả trăm triệu đồng, mà xin lộc chỉ cho đúng 1 cái là sao?”.

Chuyện đến nước này, Ban Quản trị mới cho người rà soát lại sổ cúng, thì thấy ghi bà Hoàng chỉ cúng có 1 triệu đồng. Vụ “tham ô” bị phanh phui, anh nhân viên ghi sổ phải vào tù vì định “biển thủ” 99 triệu đồng của Bà Chúa Xứ…

Sự thật? Ban Quản trị lăng miếu núi Sam không dám khẳng định chuyện bà Hoàng trúng số lần 2 nhờ Bà độ là có thật hay không, nhưng chuyện anh nhân viên ghi sổ “biển thủ” 99 triệu đồng là có thật. Sự việc xảy ra ngày 21.3.2009, thủ phạm là Nguyễn Thành Nhân - nhân viên Ban Quản trị. Và anh này đã bị Công an Châu Đốc bắt giam, khởi tố vụ án.

Qua 2 câu chuyện trên, nhiều người tôn sùng càng tin rằng uy nghiêm và sự linh hiển của Bà là có thật! Tuy Bà không trực tiếp “ra tay”, nhưng Bà đã khiến những người gây ra lỗi lầm đều phải trả giá.

Dù có thật hay không, nhưng chính nhờ những huyền thoại ấy mà uy danh Bà Chúa Xứ càng được vang xa. Nhờ vậy, người dân trong vùng cũng tin tưởng Bà, tự nhắc mình phải sống đạo đức và khuôn phép hơn, đừng trộm cắp, ăn nói sỗ sàng…

Nguyễn Hồ

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
2 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Chuyện về nữ thần 'giàu nhất' Việt Nam: Những huyền thoại tạo nên sự linh thiêng