Thế nhưng ông Năm cho biết, muốn bơm hút cát trái phép trót lọt để bỏ túi hơn 100 triệu đồng mỗi tháng là chuyện không đơn giản.

Bài 2: Cát tặc mua chuộc, năn nỉ không xong… thì đóng phạt

Hùng Anh | 11/07/2017, 09:21

Thế nhưng ông Năm cho biết, muốn bơm hút cát trái phép trót lọt để bỏ túi hơn 100 triệu đồng mỗi tháng là chuyện không đơn giản.

Bài 1: ‘Cát tặc’ mỗi tháng kiếm hơn 100 triệu đồng

Muôn cách đối phó

Bản thân ông Năm cũng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt, vắt óc suy nghĩ đến bạc đầu những chiêu thức đối phó với các cơ quan hữu trách”. Theo ông Năm, từ khi tình trạng khai thác cát sông trở nên hỗn loạn, người dân phản ứng quyết liệt thì các cơ quan hữu trách cũng mạnh tay hơn đối với những người hành nghề bơm hút cát sông trái phép như ông.

Hiện tại, phương tiện bơm hút cát trái phép dưới 50m3 có giấy tờ đàng hoàng, nếu bị bắt sẽ bị xử phạt 10 triệu đồng, phương tiện dưới 25m3 bị phạt 4 triệu đồng và tất cả đều bị buộc phải bơm cát trả lại lòng sông. Tuy nhiên,nếu bị bắt quả tang vi phạm nhiều lần và phương tiện không có giấy tờ hợp pháp thì ngoài chuyện bị xử phạt hành chính, sẽ bị tịch thu phương tiện, coi như trắng tay.

Riêng phương tiện khai thác trọng tải trên 50m3, khi bị bắt thì mức phạt lên đến hàng trăm triệu đồng. Đó cũng là lý do vì sao hiện nay dân bơm hút cát lậu chỉ chọn phương tiện khai thác có trọng tải từ 50m3 trở xuống để hành nghề.

Do mức phạt ngày càng nặng và nguy cơ bị tịch thu phương tiện, nên hiện nay những chủ ghe, sà lan bơm hút cát trái phép có rất nhiều chiêu thức để đối phó với cơ quan hữu trách. Nguyên tắc đầu tiên trước khi cho phương tiện xuất bến ra sông làm ăn là phải thuê người làm trinh sát, theo dõi mọi động tĩnh của lực lượng tuần tra, kiểm soát.

Người dân phải làm bờ kè vì sạt lở, và họ rất ghét dân khai thác cát sông

Khi cho sà lan ra mỏ bơm hút cát, điện thoại di động phải luôn sẳn sàng, nghe trinh sát báo tin có đội tuần tra là phải lập tức ngưng bơm hút, kéo neo nổ máy bỏ chạy vào bờ ẩn nấp.

“Một chiêu thức phổ biến mà dân bơm hút cát trái phép đang lựa chọn nhiều là cho phương tiện đi bơm hút cát vào những đêm mưa to gió lớn. Tuy sóng gió nguy hiểm, dễ rơi xuống sông mất mạng, nhưng hoàn toàn yên tâm chuyện phải đối phó với các lực lượng tuần tra kiểm soát, bởi ban đêm ban hôm trời mưa rát mặt thì mấy ổng cũng ngại đi tuần tra”, ông Năm cho biết.

“Nhưng nếu bị bắt thì mấy ông làm sao? Ở nhiều nơi, khi bị bắt giữ thì những người bơm hút cát trái phép còn manh động đánh luôn cả đội tuần tra kiểm soát?”, PV hỏi. Nghe vậy, ông Năm cười xòa, nói: “Ở đâu tui không biết nhưng tụi tui không khi nào dám đánh luôn đội tuần tra, kiểm soát, vì đó là tội chống người thi hành công vụ, dễ vô tù”.

Ông Năm kể, trước đây mấy năm ở Tiền Giang có xảy ra chuyện những tay bơm hút cát lậu ở Bến Tre qua khu vực sông Tiền thuộc thủy phận Tiền Giang bơm hút cát ban đêm bị bắt. Trên đường dẫn giải phương tiện về nơi xử lý, họ manh động xô 1 thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xuống sông tử vong, phải đi tù.

Sau vụ đó đến nay hầu như không ai dám chống lại lực lượng tuần tra kiểm soát, bởi nếu bị bắt thì cùng lắm là bị phạt tiền, tịch thu phương tiện, nhưng còn khả năng mua sắm phương tiện khác để tiếp tục hành nghề, gỡ vốn liếng. Còn chống lại những người đang làm nhiệm vụ rồi vô tù ngồi, vừa tù tội vừa trắng tay.

Theo ông Năm, những người làm nghề bơm hút cát trái phép luôn luôn duy trì liên lạc bằng điện thoại di động với nhau lúc đang hành nghề trên sông. Vì vậy, nếu 1 chiếc bị lực lượng tuần tra kiểm soát bắt giữ thì những chiếc còn lại đều hay tin và kéo neo bỏ chạy.

“Tui biết rõ, nếu phương tiện đang thả neo bơm hút cát giữa sông mà bị bắt quả tang thì phải chịu. Còn phương tiện chở đầy cát vừa bơm hút xong đang di chuyển thì rất khó bị bắt, xử phạt, bởi tụi tui luôn có “bùa”, đó là giấy phép, hóa đơn mua bán cát được cácchủ phương tiện mua lại của những công ty có phép khai thác cát.

Nhưng nói thiệt, làm nghề này lâu năm tui biết, đừng chống lại lực lượng tuần tra kiểm soát chi cho thiệt thân. Nếu bị bắt, trước hết là phải xuống nước nhỏ năn nỉ, mua chuộc, nếu không được thì đành chịu nộp phạt rồi sau đó tiếp tục đi bơm hút cát gỡ lại”, ông Năm giải thích.

Câu chuyện của trùm bơm hút cát Năm T. đã phần nào cho thấy thực trạng vì sao lâu nay nạn bơm hút cát lậu ở thủy phận Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long diễn ra hết sức phức tạp, dù các ngành chức năng vẫn luôn nỗlực tuần tra, kiểm soát ngăn chặn.

Khai thác cát ở Bến Tre

Theo ông Phạm Văn Trọng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, do tình trạng khai thác cát sông đang rất hỗn loạn nên hiện nay UBND tỉnh đã tạm ngưng cấp phép khai thác cát sông để yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, khảo sát lại toàn bộ hiện trạng các khu vực khai thác cát, tình trạng mua bán giấy phép, hóa đơn trong khai thác cát và xử lý nghiêm nạn bơm hút cát trái phép.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát đường thủy Công an Tiền Giang, 6 tháng đầu năm 2017 đơn vị này xử phạt 108 phương tiện hành nghề bơm hút cát không đảm bảo an toán giao thông từ nơi khác lưu thông qua thủy phận quản lý với số tiền hơn 81 triệu đồng.

Phòng Cảnh sát đường thủy còn đề xuất UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 6 phương tiện số tiền hơn 200 triệu đồng, buộc 5 đối tượng sử dụng phương tiện của người khác đi bơm hút cát trái phép phải nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 2,1 tỉ đồng.

Theo các cơ quan hữu trách, các phương tiện chuyên hành nghề khai thác cát có nhiều thủ đoạn rất tinh vi, tổ chức khai thác nhanh vào đêm tối, trời mưa to, có người canh gác lực lượng tuần tra kiểm soát rất bài bản, nên chính quyền và các ngành chức năng khó phát hiện, ngăn chặn, xử lý; thậm chí khi bị phát hiện nhiều đối tượng còn manh động chống người thi hành công vụ.

Những ngày qua, giá cát tại ĐBSCL cứ lên từng ngày. Hiện tại, cát xây loại tốt có nơi đã bán đã trên 600.000 đồng/m3. Nhiều công trình xây dựng phải đình trệ vì thiếu cát hoặc do giá tăng quá nhanh…

Thanh Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Cát tặc mua chuộc, năn nỉ không xong… thì đóng phạt