Trong giới động vật, bạch tuộc là một sinh vật đặc biệt nhất, nó đặc biệt đến độ một nhóm nhà khoa học tin rằng loài này không phải là sinh vật Trái đất mà đến từ vũ trụ.
Một nhóm 33 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới mới đây đã đưa ra một lý thuyết cho rằng bạch tuộc là sinh vật ngoài Trái đất. Lý do nhóm nhà khoa học này tin bạch tuộc là sinh vật sống đến từ không gian bên ngoài là vì chúng quá thông minh.
Nghiên cứu này đã được đăng tải rộng trên tạp chí khoa học Progress in Biophysics and Molecular Biology hôm 13.3. Tuy nhiên, phải tới tháng 5.2018 thì nghiên cứu này mới được giới truyền thông trên toàn thế giới chú ý.
Nhóm 33 nhà khoa học tập trung vào một khả năng "không tưởng" có trên bạch tuộc đó là khả năng tự chỉnh sửa gen. Cụ thể, không giống với các động vật khác, động vật chân đầu – gồm có các loài bạch tuộc, mực và mực nang – không tuân theo các chỉ thị ADN từng li từng tí một. Thay vào đó, đôi khi chúng can thiệp vào mã di truyền khi nó được mang bởi một phân tử mang thông điệp. Điều này ảnh hưởng đến sự đa dạng hóa các protein mà tế bào của chúng có thể sản xuất ra, dẫn đến một số biến thể hết sức thú vị.
Các nhà khoa học tin rằng, hệ thống này có thể đã tạo ra một loại tiến hóa đặc biệt dựa trên việc chỉnh sửa ARN mà không phải là đột biến ADN, và có thể đó chính là nguyên nhân của những hành vi phức tạp và trí tuệ cao thể hiện ở động vật chân đầu.
ARN là họ hàng gần gũi của ADN được sử dụng để truyền những chỉ thị giống như phần mềm từ các gen tới các bộ phận sản xuất protein trong tế bào. Các nhà khoa học phát hiện rằng, có hơn 60% phiên mã ARN trong bộ não của loài mực được mã hóa bằng cách chỉnh sửa. Ở các loài động vật khác, từ ruồi giấm cho đến con người, những sự kiện tái mã hóa như vậy chỉ xảy ra 1%.
Theo nhóm nhà khoa học này thì bộ gen đặc biệt của bạch tuộc không thể có trên Trái đất và vì vậy chỉ có thể là sinh vật ngoài vũ trụ.
Vậy nếu bạch tuộc là sinh vật ngoài vũ trụ, thì chúng làm sao có thể đến được Trái đất của chúng ta?
Theo nhóm 33 nhà khoa học thì trứng và phôi của loài bạch tuộc đã bị cấp đông trong một tiểu hành tinh băng giá và đến Trái đất. Khi đến Trái đất một số trứng và phôi này phát triển thành sự sống hàng triệu năm trước.
Lý thuyết này không phải là mới, nó giống với lý thuyết Panspermia, một khái niệm gây tranh cãi lớn trong cộng đồng khoa học thế giới từ những năm 1970. Theo thuyết Panspermia, thì nhiều dạng sống trên Trái đất đến từ các tiểu hành tinh và chúng đã phát triển trên Trái đất do có điều kiện sinh sống phù hợp.
Những nhà khoa học tin vào lý thuyết này chủ yếu dựa vào việc xuất hiện đột ngột của một số dạng sống mới trên Trái đất mà hồ sơ hóa thạch của chúng hoàn toàn đứt đoạn.
Tuy nhiên, lý thuyết bạch tuộc là sinh vật ngoài hành tinh chỉ nổi tiếng khi nó bị cộng đồng khoa học trên thế giới chỉ trích.
"Đây là một bài viết khá hữu ích, dấy lên sự chú ý và có giá trị trong suy luận. Tuy nhiên tuyên bố rằng virus, vi khuẩn và thậm chí là động vật có thể đến từ không gian bên ngoài không phải là một tuyên bố nghiêm túc", nhà di truyền học phân tử Karin Moelling bình luận.
Có nhiều lý do khiến cộng đồng khoa học bác bỏ toàn bộ lý thuyết này. Đầu tiên, không có thiên thạch nào được tìm thấy trên Trái đất có chứa vật liệu di truyền. Trên thực tế hồ sơ di truyền của bạch tuộc cũng khá hoàn hảo, với nhiều hồ sơ hóa thạch chứng minh khiến chúng giống một sinh vật trên trái đất hơn là một loài ngoài hành tinh.
Thiên Hà (theo Tech Times)