Trong lúc khám nội nha cho một thiếu niên, bác sĩ đã vô tình làm rơi mũi kim nha khoa vào họng của bệnh nhân rồi chui tọt vào dạ dày suýt đâm thủng thành dạ dày.
Ngày 18.3, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay, các bác sĩ ở đây vừa gắp thành công một mũi kim nha khoa dài 4cm suýt đâm thủng thành dạ dày của thiếu niên 17 tuổi, do bác sĩ tại một phòng khám nha khoa làm rơi trong lúc điều trị nội nha cho thiếu niên này.
ThS.BS Phạm Công Khánh - Phó Trưởng Khoa Nội soi, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, bệnh nhân là T.Q.B.(17 tuổi, ngụ ở TPHCM). Trước đó, B. đến một phòng khám nha khoa để điều trị nội nha. Trong lúc điều trị tại đây, bác sĩ nha khoa đã vô tình làm rơi mũi kim nha khoa khiến bệnh nhân nuốt chửng vào bụng và đi vào dạ dày.
Khi nhập viện, bệnh nhân B. tỉnh táo, không đau bụng, không sốt. Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân được hỏi kỹ bệnh sử và thời gian nuốt dị vật. Bác sĩ đã nhanh chóng thăm dò dị vật đã gây biến chứng hay chưa. Ngay sau đó, bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm cần thiết để dự phòng tình huống có thể phẫu thuật lấy dị vật và chụp CT-Scan vùng bụng để xác định vị trí. Kết quả ghi nhận, dị vật là kim loại nằm trong dạ dày. Lập tức bệnh nhân được chỉ định soi dạ dày khẩn.
Bác sĩ Khánh cho biết thêm, khi các bác sĩ nội soi lần 1 để gắp dị vật thì gặp phải rất nhiều thức ăn trong dạ dày nên việc tìm kiếm di vật rất khó khăn. Êkíp nội soi quyết định thực hiện nội soi gây mê nhằm giúp bệnh nhân dễ chịu hơn và quá trình nội soi được hiệu quả. Tuy nhiên, thức ăn đặc khiến quá trình bơm rửa rất khó khăn. Bác sĩ nội soi phải sử dụng hệ thống bơm rửa áp lực cao để hút rửa sạch khối thức ăn trong dạ dày và tìm dị vật. Sau cùng, các bác sĩ đã phát hiện mũi kim nằm sâu dưới khối thức ăn.
‘Dị vật được lấy ra có đầu sắc nhọn như kim tiêm, dài khoảng 4cm, suýt đâm thủng thành dạ dày. Sau khi gắp thành công dị vật trên, bệnh nhân đã hồi phục bình thường và không để lại tai biến, biến chứng sau thủ thuật”, bác sĩ Khánh chia sẻ.
Theo bác sĩ Khánh, việc nội soi để gắp cây kim nha khoa này rất khó khăn, vì hình dáng dị vật khó cầm nắm, đồng thời các bác sĩ phải sử dụng mũ chụp đặc biệt bao quanh đầu ống soi để có thể gắp dị vật an toàn. Mũ chụp chuyên dụng được khuyến cáo sử dụng thường quy khi lấy các dị vật sắc nhọn qua nội soi nhằm đảm bảo đảm dị vật không gây tổn thương các cơ quan lân cận.
Nếu không sử dụng mũ chụp này thì đầu kim nha khoa có thể đâm thủng thành thực quản hay hầu họng trong quá trình kéo dị vật ra ngoài, gây ra các biến chứng nặng như chảy máu, thủng hay áp xe trung thất rất nặng nề và nguy hiểm.
Hồ Quang